Bạn cần biết

Giành giật sự sống trong thời khắc đặc biệt

26/02/2016, 07:14

Khoảnh khắc quây quần đón Giao thừa bên gia đình đối với các bác sĩ đó gần như là điều xa xỉ.

1
Bác sĩ Trần Văn Phúc đọc phim chụp X quang chẩn đoán bệnh - Ảnh: Nguyễn Dung

Với nhiều người, khoảnh khắc quây quần đón giao thừa bên gia đình là quá đỗi bình thường thì với các bác sĩ, đó gần như là điều xa xỉ. Thậm chí, trong giờ phút thiêng liêng ấy, họ đang phải tập trung cao độ giành giật sự sống cho bệnh nhân với không ít sự cố nghề nghiệp vui buồn, cười ra nước mắt.

Càng Tết càng áp lực

Trưa mùng 2 Tết Bính Thân (9/2/2016), bác sỹ (BS) Trần Văn Phúc (Khoa Chẩn đoán hình ảnh - Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) cùng ca trực của bệnh viện bắt đầu ăn trưa thì bất ngờ có một ca cấp cứu khá đặc biệt: nam bệnh nhân được người nhà đưa vào viện trong tình trạng nguy kịch do tự lấy dao nhọn cắt vào cổ với ý định tự vẫn. Quẳng bát đũa, các bác sỹ lao đến phòng cấp cứu. Lúc này tình trạng bệnh nhân rất nghiêm trọng với vết thương cắt sâu đứt ngang cổ, mất máu, mạch và tim đã ngừng đập, tiên lượng rất xấu. Người nhà bệnh nhân, người khóc lóc, người nôn nóng, gây sức ép. Theo lời gia đình, bệnh nhân tên N., quê ở Sóc Sơn, Hà Nội, có tiền sử nghiện rượu. Sau cả mấy ngày “chén chú chén anh” dịp Tết, trong cơn say không kiểm soát, anh này đã tự cầm dao nhọn cắt cổ mình khiến khí quản đứt đôi. Gia đình sau khi đưa đi sơ cứu tại bệnh viện huyện để cầm máu đã chuyển gấp lên Bệnh viện Xanh Pôn.

“Những ngày lễ Tết cũng là thời điểm các ca bệnh nhập viện tăng đột biến, thậm chí quá tải, trong đó điển hình là tình trạng đau bụng do chế độ ăn uống, TNGT… Do vậy, mỗi bác sỹ tham gia ca trực đều phải gồng mình, căng sức để đảm bảo việc cấp cứu, chữa trị kịp thời. Tình trạng bát cơm vừa bưng lên lại phải đặt xuống là chuyện thường, hay trắng đêm không phải trường hợp hiếm gặp”.

BS Trần Văn Phúc

BS. Phúc cùng các đồng nghiệp hội chẩn khẩn cấp, đưa bệnh nhân vào phòng mổ, đặt ống nội khí quản, cho thở ô-xy 100%; tiêm thuốc trợ tim vào lồng ngực... Sau hơn 10 phút hồi sức tích cực, tim bệnh nhân đã bắt đầu đập trở lại, mạch tăng dần... Tiếp tục theo dõi cho đến khi bệnh nhân qua cơn nguy kịch, đưa về phòng hồi sức để chăm sóc thì bữa trưa cũng đã nguội tanh nguội ngắt. Kể lại giây phút ấy, BS Phúc vẫn chưa hết xúc động: “Đối với những bệnh nhân như vậy, thời gian là vàng, vì chỉ chậm trễ 1-2 phút là họ có thể tử vong. Nhìn niềm vui vỡ òa trên gương mặt của người nhà bệnh nhân, cơn đói, mệt của chúng tôi cũng qua tự lúc nào. Đó có thể nói là ca cấp cứu căng thẳng nhất dịp Tết vừa qua, song sau đó cũng mang đến những khoảnh khắc hạnh phúc nhất cho chúng tôi trong những ngày đầu năm mới”. Là một trong những người trải qua 21 cái Tết trong bệnh viện, BS Phúc cho biết không hiếm gặp những ca cấp cứu đặc biệt, hi hữu như thế.

Gắn bó với ngành Y chỉ bằng một nửa thời gian so với BS Phúc, song BS. Phạm Gia Anh, Phó trưởng khoa Ung Bướu - Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, cũng đã quen với việc phải làm việc xuyên Tết. Trong quãng thời gian ấy, anh đã cùng đồng nghiệp cứu chữa kịp thời cho nhiều ca bệnh ở những tình huống hi hữu, khiến sự hi sinh của đội ngũ y, bác sỹ thêm ý nghĩa. Như dịp Tết vừa qua, BS Gia Anh cùng kíp trực tiếp nhận một bệnh nhân bị TNGT vô cùng nghiêm trọng: chấn thương sọ não, chấn thương hàm mặt, vỡ gan, vỡ nách, vỡ xương đùi, dập phổi… Bệnh nhân còn khá trẻ (38 tuổi), có vợ và 2 con ở quê, được chỉ định mổ, nhưng người nhà quyết định không mổ, vì sợ... không có tiền điều trị.

“Chúng tôi đã phải thuyết phục đến 4-5 lần, đồng thời huy động các nguồn tài trợ, cắt giảm kinh phí mổ đến mức thấp nhất có thể, lúc này người nhà mới đồng ý mổ”, BS Gia Anh kể và phấn khởi cho biết, ca mổ rất thành công.

Sau 10 ngày điều trị, bệnh nhân đã có thể xuất viện, ăn uống bình thường. “Các y, bác sỹ không chỉ tận tâm với nghề, mà còn hết lòng vì bệnh nhân. Nếu các bác ấy cũng gật đầu đồng ý cho người nhà đưa bệnh nhân về, thì có lẽ giờ này gia đình tôi đã vĩnh viễn mất đi trụ cột trong gia đình”, chị V., vợ bệnh nhân rưng rưng xúc động.

2
Các y bác sỹ tại khoa Hô hấp, bệnh viện Nhi T.Ư vẫn liên tục tiếp nhận bệnh nhân trong những ngày Tết Nguyên đán (Ảnh chụp ngày 29 Tết Âm lịch) - Ảnh: K.Linh

Mang Tết đến phòng bệnh

Từ yêu cầu đặc thù của nghề nghiệp, rất nhiều bác sỹ đã trở nên gắn bó, thân thuộc với công tác trực Tết. “Trong khi hầu hết mọi người được về quê, thăm gia đình, bạn bè, đi du lịch hay nghỉ ngơi thì các y, bác sỹ hiếm khi có một cái Tết trọn vẹn. Không những vậy, cường độ lao động trong dịp này còn cao hơn do bệnh nhân cấp cứu thường tăng, trong khi nhân lực thì giảm. Nhưng riết rồi cũng quen. Có năm không phải đi trực, bên cạnh những phút giây thảnh thơi bên gia đình, bạn bè, cũng có cả tâm trạng lo lắng cho kíp trực thay mình lẫn với chút bồi hồi khi tạm gác một thói quen, lịch sinh hoạt đã gắn bó với mình cả mấy chục năm rồi”, BS Phạm Gia Anh tâm sự.

Bởi vậy, mong muốn của BS Trần Văn Phúc, Phạm Gia Anh cũng như đồng nghiệp là làm sao có thể mang đến một không khí Tết ấm áp ngay trong bệnh viện cho đội ngũ y, bác sỹ và cả bệnh nhân cùng người nhà họ. “Ngày thường đã không ai muốn phải vào viện, ngày Tết lại càng lo lắng, mệt mỏi. Trong khi đó, tâm lý ảnh hưởng không nhỏ đến thể trạng, khả năng hồi phục của chính bệnh nhân. Do vậy, ngoài khả năng chuyên môn, chúng tôi cũng cố gắng để chăm lo về vật chất, tinh thần cho họ”, BS Phúc chia sẻ và kể lại, Tết Bính Thân vừa qua, ông và các bác sỹ, y tá, điều dưỡng của bệnh viện đã cố gắng bố trí nhà ăn nấu bữa trưa để anh chị em xuống mua cơm ăn. Ngoài món cơm, rau, đậu, thịt, các bác sỹ đã “góp” thêm miếng bánh chưng, khoanh giò cho “có không khí”. Tuy nhiên, buổi tối, sau khi làm việc xong, nhà bếp nghỉ, anh em đều phải tự kiếm đồ ăn, mà ngày Tết những hàng quán thường đã đóng cửa nên phải đi khá xa mới mua được.

Mặc dù các lãnh đạo bệnh viện đều tổ chức chúc Tết người nhà bệnh nhân và các y, bác sĩ, song sau ít phút rộn ràng ấy là khoảng trống, áp lực công việc và nỗi nhớ nhà luôn thường trực. Không những thế, sau ca trực mệt mỏi và căng thẳng, cảm giác hân hoan với Tết của nhiều y bác sỹ cũng vơi bớt, phần nào bởi ai cũng chỉ muốn về nhà lăn ra ngủ. “Nhiều lúc thấy thiệt thòi cho không chỉ bản thân mình mà cả những người thân. Nhưng đọng lại sau những phút giây ấy, là niềm vui, hạnh phúc vì giúp cho bệnh nhân khỏi bệnh, đặc biệt là khi giành giật từng giây phút giữa ranh giới sống - chết cho bệnh nhân”, BS Gia Anh tâm sự.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.