Xã hội

Giành lại vỉa hè không phải để... bán

05/04/2017, 13:12

Vỉa hè trước sau phải dành cho người đi bộ, không phải để đem bán thu tiền.

10

Vỉa hè thông thoáng phố Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội - Ảnh: Tạ Tôn

Đấu giá liệu có “quân xanh, quân đỏ”?

Tính đến nay, tại các đô thị lớn, nhất là Hà Nội và TP.HCM, chiến dịch ra quân giành lại vỉa hè cho người đi bộ đã đạt được những kết quả nhất định. Bộ mặt đô thị đã dần trở nên phong quang, sạch đẹp, nhiều nơi đã hoàn thành việc kẻ vạch sơn, không còn cảnh nhếch nhác, hàng quán lộn xộn và người đi bộ đã thực sự có điều kiện để tuân thủ đúng luật.

Tuy nhiên, ngay khi chiến dịch diễn ra chưa đầy hai tháng (ở TP.HCM) và một tháng (ở Hà Nội), vẫn còn đầy rẫy vi phạm chưa được xử lý dứt điểm, đã lại có nhiều ý kiến đề xuất sắp xếp, tổ chức lại vỉa hè để cho thuê. Thậm chí, có người còn đề xuất lập cả công ty chỉ để quản lý, khai thác vỉa hè... Đa phần các ý kiến này cho rằng, thói quen tiêu dùng và văn hóa bản địa của người Việt Nam thích hợp với việc mua sắm, ăn uống trên vỉa hè vì tiện lợi. Cá biệt, có ý kiến cho rằng, Việt Nam nên học... nước Pháp, vì Pháp cũng cho thuê vỉa hè!

Có một câu chuyện mà có lẽ không ít người chưa hẳn nghĩ tới, đó là việc “thu phí” vỉa hè đã từng diễn ra, có điều số tiền thu được không nộp vào ngân sách mà “chảy” vào túi của một số người nào đó, người nộp thì cũng chẳng bao giờ nhận được “hóa đơn”. Nay giành lại được vỉa hè lại đem cho thuê, khác nào chỉ là thay chiếc “gậy chống lưng”?

Vậy, những người viện dẫn thói quen tiêu dùng và văn hóa bản địa có đặt ngược câu hỏi lại rằng: Nếu muốn lên phố uống cà phê, vì sao anh không đi xe buýt hoặc taxi mà cứ phải cố đi ô tô, xe máy? Những người khuyên học nước Pháp có biết, ý thức người dân họ cao và pháp luật của họ nghiêm khắc không trừ một ai?

Đối mặt với một vấn đề của cuộc sống, việc đưa ra giải pháp là cần thiết. Tuy nhiên, cần có sự nghiên cứu sâu, phân tích kỹ về giải pháp được đề ra. Nói cách khác, những đề xuất, giải pháp phải có căn cứ khoa học và chứng cứ thực tiễn chứ không phải theo cảm nhận chủ quan. Nếu chẳng hạn bây giờ cho thuê vỉa hè, ai sẽ là người được thuê, điều kiện thế nào, có đấu giá không, có thì việc đấu giá ấy có đảm bảo công khai, minh bạch hay lại “quân xanh, quân đỏ”, không khác gì những “vở diễn” mà chúng ta vẫn thường thấy hàng ngày? Đến những hợp đồng xây dựng với số vốn đầu tư khổng lồ còn biến thành màn kịch khéo léo thì ai sẽ đảm bảo việc cho thuê vỉa hè sẽ không như thế?

Mặt khác, việc chỗ này cho thuê, chỗ khác thì không, người này được thuê, người khác thì không cũng sẽ dẫn tới những câu chuyện phát sinh trong thực tế rất khó lường. Những hộ dân hôm nay sẵn sàng để chính quyền phá bỏ bậc tam cấp đã xây cả chục năm, họ sẽ nghĩ gì khi ngày mai trước cửa nhà mình được người khác thuê lại để kinh doanh?

Tuyệt đối không thể bám mãi vào vỉa hè

Chúng ta ra quân để giành lại vỉa hè cho người đi bộ thì không thể đặt vấn đề giành được rồi lại đem bán thu tiền. Việc thiếu điểm đỗ xe, thiếu nơi kinh doanh buôn bán là câu chuyện mà chính quyền phải có biện pháp giải quyết, tuyệt đối không thể bám mãi vào vỉa hè, bắt vỉa hè phải gánh chức năng vốn không phải thuộc về nó. Vỉa hè là để dành cho người đi bộ và phải dành cho người đi bộ.

Một việc rất quan trọng khác là sau khi đã giành lại được vỉa hè thì giữ bằng cách nào? Cần khẳng định rằng, việc lập lại trật tự vỉa hè không phải đến bây giờ mới làm, mà đã làm từ lâu, làm rất nhiều lần nhưng rốt cục cũng chỉ như “bắt cóc bỏ đĩa”, “ném đá ao bèo” do lợi ích quá lớn từ vỉa hè mang lại cho một nhóm người.

Nhóm người này đương nhiên có đầy đủ quyền hạn để dẹp hay không dẹp, cho tồn tại hay không cho tồn tại các vi phạm. Chính Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, đã nắm được những nơi nào được bí thư, chủ tịch quận, huyện “chống lưng”, bảo kê và nếu lần này không “dẹp loạn” được vỉa hè, ông sẽ công khai danh tính những người đó.

Chuyện công khai hay không thì hồi sau sẽ rõ và cũng chưa biết chừng khi đó nhiều bí thư, chủ tịch quận, huyện đã “kịp” chuyển công tác hay thăng chức và đã không còn “chống lưng” cho những thứ vặt vãnh nữa. Vậy nên, việc cần làm ngay là gắn trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương đối với việc giữ trật tự vỉa hè. Chẳng hạn, Chủ tịch thành phố có thể ra chỉ thị: Phường nào để vỉa hè bị tái lấn chiếm đến lần thứ 3 thì chuyển công tác, thậm chí cách chức chủ tịch phường lẫn trưởng công an phường. Điều này đâu có khó thực hiện, nếu chúng ta thật sự muốn giữ vỉa hè?

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.