An ninh hình sự

Giao 6 bộ, ngành xem xét, xử lý vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ

11/04/2018, 19:24

Các bộ, ngành theo chức năng xem xét, xử lý và báo cáo Thủ tướng vụ lừa tiền ảo 15.000 tỷ trước ngày 20/4.

tien-ao-bitcoin

Thủ tướng giao Bộ Công an điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động rửa tiền, sử dụng và quản lý tiền ảo.

Chiều 11/4, Văn phòng Chính phủ có công văn truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng.

Theo đó, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tư pháp, Công an, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam theo chức năng nhiệm vụ được giao khẩn trương xem xét, xử lý vụ việc theo thẩm quyền.

Đối với các nội dung vượt thẩm quyền, các bộ, ngành trên đề xuất biện pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/4 tới đây.

Trước đó, một dự án có tên là iFan tại TP.HCM bắt đầu kêu gọi vốn từ năm 2017, hoạt động theo hình thức huy động vốn bằng tiền ảo. iFan kêu gọi đầu tư vào các nền tảng quản lý nghệ sĩ, hứa hẹn mức lợi nhuận 48-59% mỗi tháng.

Bằng cách đưa ra mức lợi nhuận hấp dẫn, các nhân vật chủ chốt của iFan được cho là đã mời gọi hơn 32.000 nhà đầu tư tham gia dự án.

Sau khi huy động vốn thành công, iFan lập sàn giao dịch nội bộ, giở các trò thao túng giá, rồi tuyên bố dự án thất bại. Đến tháng 1/2018, tất cả nhóm Facebook, nhóm chat và trang cá nhân của các lãnh đạo iFan đều đột ngột biến mất.

Đến ngày 8/4, hàng chục người tụ tập trước văn phòng của Modern Tech - pháp nhân của iFan tại Việt Nam - ở TP.HCM, giăng biểu ngữ tố hệ thống này chiếm đoạt 15.000 tỷ đồng. 

* Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác. 

Thời gian qua, các cơ quan quản lý đã đưa ra nhiều cảnh báo về rủi ro liên quan tới Bitcoin và các loại tiền ảo, cũng như nguy cơ sử dụng tiền ảo cho hoạt động tội phạm (rửa tiền, tài trợ khủng bố, chuyển tiền bất hợp pháp, trốn thuế, lừa đảo…) vì tiền ảo có tính ẩn danh, hoạt động phân tán, không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan, tổ chức nào. Tuy nhiên, hoạt động đầu tư, mua bán tiền ảo, huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO), đặc biệt là hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Để hạn chế những rủi ro, hệ lụy cho xã hội, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo trái pháp luật; chỉ đạo các tổ chức tín dụng, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tăng cường rà soát, báo cáo kịp thời các giao dịch đáng ngờ liên quan tới tiền ảo theo quy định của pháp luật.

Bộ Tài chính được giao chỉ đạo các công ty đại chúng, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, các quỹ đầu tư chứng khoán không được thực hiện các hoạt động phát hành, giao dịch và môi giới giao dịch liên quan tới tiền ảo trái pháp luật, tuân thủ các quy định pháp luật về phòng chống rửa tiền.

Bên cạnh đó, nghiên cứu thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế để đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO); chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan có biện pháp, hạn chế nhập khẩu, quản lý thiết bị, máy móc cho mục đích đào tiền ảo.

Người đứng đầu Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan tăng cường điều tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo, mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, tăng cường điều tra và phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân có liên quan tới hoạt động rửa tiền, tài trợ khủng bố thông qua tiền ảo, hoạt động phát hành, cung ứng, sử dụng tiền ảo làm tiền tệ, phương tiện thanh toán trái pháp luật.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Công an phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet thông qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản; chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi sử dụng tiền ảo làm phương tiện thanh toán trái pháp luật trên các website, ứng dụng thương mại điện tử.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan khẩn trương đề xuất, hoàn thiện khung khổ pháp lý về quản lý, xử lý đối với tiền ảo, tài sản ảo; phối hợp với Bộ Tài chính trong việc nghiên cứu thực tiễn, thông lệ quốc tế, đề xuất biện pháp đối với hoạt động huy động vốn qua phát hành tiền ảo (ICO).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.