Phát triển - Kết nối

Giáo dân miền ngược hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới ở Quảng Ngãi

16/12/2022, 21:43

Bà con đồng bào dân tộc thiểu số là giáo dân ở vùng cao Quảng Ngãi đập bỏ tường rào, đốn cây cối, hiến đất làm đường giao thông nông thôn.

Bà con giáo dân hiến đất xây dựng đường giao thông

Thôn Trường Khây, xã Sơn Hạ, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi với hơn 60% dân số là đồng bào giáo dân. Cuộc sống của người dân địa phương nơi đây còn nhiều khó khăn. Song điều khá đặc biệt là Trường Khây là một trong những thôn tiên phong ở xã vùng cao này có hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT) được đầu tư bài bản nhất của xã Sơn Hạ và cả huyện Sơn Hà.

img

Hơn 60% đồng bào dân tộc Hre ở thôn Trường Khây là giáo dân và họ đã đồng hành cùng chính quyền trong hiến đất mở đường xây dựng nông thôn mới tạo diện mạo phát triển ở xã Sơn Hạ.

Theo đó, để đầu tư xây dựng đường GTNT ở Sơn Hạ, ngoài công tác vận động, tuyên truyền thì bản thân bà con đồng bào dân tộc thiểu số Hre là giáo dân cũng thấu hiểu chính sách pháp luật, đường lối chủ trương chung trong xây dựng nông thôn mới (NTM) nên khi xã Sơn Hạ triển khai thực hiện, những đoạn đường có mặt cắt ngang quá hẹp cần mở rộng thì nhiều người dân đã đồng thuận tháo dở tường rào kiên cố để nhường đất làm đường.

Nhiều trường hợp ban đầu không đồng thuận vì cho rằng việc hiến đất như vậy thàn bản thân người mất đất thiệt thòi. Song, qua giải thích, vận động của chính quyền và cả của bà con giáo dân mà đứng đầu là các mục sư, nhiều bà con giáo dân đã “thông” nên đồng hành cùng địa phương hiến đất làm đường.

Như trường hợp của ông Đinh Luốc, lúc đầu chưa hiểu việc xây dựng đường GTNT sẽ mang lại những lợi ích rất lớn nên liên tục phản đối, nhất là việc ông phải mất gần 100m đất dọc theo đường. Song, khi được giải thích và hiểu rõ ý nghĩa của chương trình xây dựng NTM, ông Luốc đã tự nguyện giao đất để địa phương làm đường.

Nhiều bà con giáo dân ở thông Trường Khây bảo rằng, dù họ còn nghèo, nhưng hiến đất mở đường, rồi góp công để làm đường phát triển quê hương thì khó đến mấy cũng làm. Bởi lẽ, mở đường xã rộng ra, đầu tư bê tông kiên cố thì trước hết là người dân trong thôn được hưởng lợi, đi lại thuận thuận tiện, vận chuyển hàng hóa, con em đến trường không còn cảnh lội bùn.

img

Người dân ở thôn Trường Khây hiến đất mở đường đã tạo nên diện mạo mới về hạ tầng giao thông nông thôn tại địa phương, góp phần đưa xã Sơn Hạ về đích nông thôn mới.

Ông Đinh Mế, thôn Trường Khây, tự nguyện hiến gần 200m2 đất để địa phương mở đường bảo rằng, từ ngày có con đường được bê tông đường sá trở nên sạch sẽ, làng xóm cũng “lên đời” mà dễ nhận thấy nhất là xe máy của bà con không còn cảnh “tèm hem” bùn đất như trước đây.

Nhờ công tác dân vận tốt và bà con giáo dân đồng thuận đã tạo nên phong trào xây dựng NTM ở thôn Trường Khây nói riêng và xã Sơn Hạ nói chung thành phong trào rộng khắp.

Qua đó, sau 5 năm triển khai xây dựng NTM, bà con giáo dân và người dân địa phương đã tình nguyện hiến đất, hoa màu, góp tiền để mở rộng, bê tông hóa 13 tuyến đường với chiều dài hơn 6km đường. Đưa thôn Trường Khây trở thành địa phương có hạ tầng đường GTNT được kiên cố hóa nhiều nhất trong số khoảng 50 thôn ở huyện Sơn Hà.

Đoàn kết đồng bào công giáo cùng xây dựng quê hương

Không chỉ hiến đất mở đường, nhiều bà con giáo dân ở thôn Trường Khây còn hiến đất xây dựng nhà văn hóa thôn, khu vui chơi thể thao… Trong đó, có trường hợp mục sư Đinh My đã tình nguyện hiến gần 1.000m2 đất để thôn xây dựng nhà văn hóa thôn.

Với sự hỗ trợ, giúp sức từ chính quyền các cấp, những năm qua, bà con giáo dân ở thôn Trương Khay đã thực hiện hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, đặc biệt là hiến đất, chặt bỏ cây cối để làm đường giao thông nông thôn.

img

Người dân địa phương và bà con giáo dân cùng hiến đất mở đường xây dựng giao thông nông thôn đã đưa thôn Trường Khây trở thành thôn có số kilomet đường được cứng hóa nhiều nhất trong số khoảng 50 thôn ở huyện Sơn Hà.

Ông Nguyễn Vàng, trưởng thôn Trường Khây cho biết, thôn có 5 hệ phái Tin lành hoạt động với hơn 60% đồng bào theo đạo. Nhiều năm trước, việc vận động bà con giáo dân tham gia các hoạt động phong trào rất khó khăn, mà nguyên nhân chính là do cán bộ làm công tác dân vận chưa tạo được mối quan hệ tốt với các chức sắc, tín đồ.

“Là người có trách nhiệm ở địa phương nên bản thân tôi cần thấu hiểu, sâu sát từng hộ gia đình để vận động, thuyết phục trên tinh thần việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm. Nhờ đó, bà con địa phương và bà con giáo dân cùng đóng góp tiền, ngày công, hiến đất và cây cối, hoa màu để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng nhà sinh hoạt cộng đồng... Và quan trọng hơn hết là sau các công trình hạ tầng được đầu tư là khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng thắt chặt”, ông Vàng chia sẻ.

Về Trường Khay bây giờ không còn thấy những con đường đất đá, lầy lội vào mùa mưa, mà đã thay thế bằng đường bê tông kiên cố. Những ngôi nhà mái ngói khang trang ngày càng nhiều. Các mô hình phát triển kinh tế phát huy hiệu quả trong xóa đói, giảm nghèo... Kết quả đó là bức tranh sáng về sự đoàn kết lương giáo, từ chủ trương của Đảng về xây dựng và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

img

Đóng góp của bà con giáo dân đã giúp địa phương xây dựng 13 tuyến đường bê tông với chiều dài 6km.

Chủ tịch UBND xã Sơn Hạ Đinh Văn Sơn bảo rằng, đó là thành quả của “cuộc cách mạng” cả về dân vận và xây dựng. Trong đó, nổi bật nhất chính là việc bà con nhân dân trên địa bàn xã, nhất là các trường hợp bà con giáo dân xung phong hiến đất mở đường, xây dựng nhà văn hóa đã tạo nên sự nổi bật riêng biệt của địa phương. Góp phần quan trọng trong việc đưa Sơn Hạ là một trong 2 xã của huyện về đích nông thôn mới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.