Làm báo cùng Giao thông

Giáo dục đơn độc?

27/07/2018, 07:41

Những điểm thi gian lận chưa từng có vừa được phát giác khiến ngành Giáo dục...đứng trước cơn bão chỉ trích của dư luận.

diem-thi

Bảng điểm thật của 23/42 thí sinh Sơn La trước khi được nâng 

Kính cận đi hội thảo gặp lại người thầy cũ giờ làm chuyên gia tư vấn cho một tập đoàn giáo dục nước ngoài. Ông thầy buồn bã: “Bao nhiêu năm đứng trên bục giảng, chưa bao giờ thầy xấu hổ như thế này. Từ vụ Hà Giang, Sơn La, người ta nói ngành Giáo dục bao năm nay mua bán điểm, giờ mới lộ ra”.

Kính cận an ủi thầy cũ: “Ung nhọt đến ngày phát tác, những ai làm sai sẽ phải gánh chịu nhưng không vì thế xã hội phủi sạch công sức của những người làm nghề giáo đâu thầy. Vẫn còn những điều tốt đẹp. Giáo dục những năm qua cũng đã thay đổi, con thấy học sinh bây giờ tự tin, giỏi giang hơn, đó cũng là những điều tích cực”.

Người thầy giáo già thở dài: “Chung cư, đường sá, xe cộ, con người ngày càng đông lên, mà có thấy mấy ngôi trường mới được xây. Hình như đến nay Hà Nội vẫn thiếu khoảng 315 trường các cấp. Quá tải như thế, thầy nào dậy tốt cho nổi, rồi tiêu cực, chạy chọt vào trường nọ, trường kia phát sinh… Tất cả đổ lên đầu ngành Giáo dục, lên ông Bộ trưởng là không đúng”.

Kính cận phản biện: “Thầy ơi, ngành nào cũng khó khăn cả, ở đâu cũng thiếu tiền đầu tư. Nhưng giáo dục là quốc sách, luôn được ưu tiên, người đứng đầu ngành phải có trách nhiệm xây dựng chiến lược phát triển, không thể để năm nào cũng quay cuồng vì thi cử, gian lận điểm số, trình độ như hiện giờ. 20 năm liên tục đổi mới cải cách mà vẫn chưa thấy hướng đi nào sáng rõ. Không trách ngành Giáo dục thì trách ai?”.

Người thầy cũ trăn trở: “Vẫn biết vậy, nhưng giá như ngành Giáo dục không đơn độc. Thử hỏi có bộ, ngành nào chung tay loại trừ bệnh thành tích, mua bán điểm cùng ngành Giáo dục hay không? Có cơ quan nào chủ động rà soát lại nhân sự của mình? Xem ai vẫn ung dung tại vị với bằng mua, kiến thức rởm? trình độ không đủ đáp ứng nhu cầu công việc mà vẫn thăng tiến hay không? Nếu xã hội không sử dụng những sản phẩm lỗi của ngành Giáo dục thì đã khác”.

Kính cận nghe thầy nói chợt thấy đắng lòng. Cơn giận dữ muốn trút lên ngành Giáo dục vơi đi bớt nửa.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.