Giáo dục nhân cách từ bữa cơm gia đình

16/04/2014, 07:22

Đó là phát biểu của ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH, TT&DL trong buổi làm việc về tổng kết phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam sau 30 năm đổi mới.

Gia đình chính là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành, giáo dục nhân cách, đạo đức cho mỗi con người Việt Nam
Gia đình chính là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành, giáo dục nhân cách, đạo đức cho mỗi con người Việt Nam

Nhấn mạnh vai trò của gia đình 


Cuối tuần qua tại Hà Nội, Ban chỉ đạo tổng kết một số vấn đề lý luận - thực tiễn qua 30 năm đổi mới (nhóm 2) đã có buổi làm việc với Bộ VH, TT&DL về tổng kết phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam 30 năm đổi mới. Ông Nguyễn Thiện Nhân - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban T.Ư Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trưởng nhóm 2 về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam đã dự và chủ trì buổi làm việc. 


Ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh, văn hóa chính là sản phẩm của quá trình phát triển lịch sử, muốn gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa phải đảm bảo đúng theo quy luật phát triển. Trải qua nhiều thế hệ, hệ giá trị luôn được tiếp nối, trao truyền của văn hóa Việt Nam chính là tinh thần yêu nước, cần cù lao động, là nền tảng truyền thống trong mỗi gia đình, là ý chí kiên cường, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc... Các hệ giá trị văn hóa chỉ tồn tại, phát triển khi có đủ các chế tài duy trì, nuôi dưỡng.


Ông Nguyễn Thiện Nhân nhận định: Gia đình không chỉ là nền tảng để duy trì, phát triển các giá trị văn hóa Việt Nam mà chính là cái nôi đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành, giáo dục nhân cách, đạo đức cho mỗi con người Việt Nam. “Đề nghị Bộ VH, TT&DL tiếp thu để tiếp tục làm rõ báo cáo về phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trên cơ sở ý kiến đóng góp của các thành viên Ban chỉ đạo, đặc biệt là làm rõ các xung đột, mâu thuẫn giữa phát triển văn hóa, xây dựng con người trong điều kiện của kinh tế thị trường; vai trò của thế hệ trẻ trong phát triển văn hóa và xây dựng gia đình văn hóa…”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

“Phải là một đứa trẻ trước khi thành thần đồng"  


Đề cập tới việc xây dựng gia đình, ông Hoa Hữu Vân - Phó Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ VH, TT&DL nhận định: Trong mấy chục năm qua, bên cạnh thành tựu lớn, gia đình và giáo dục gia đình đang gặp những thách thức to lớn. Vai trò chức năng của gia đình đang thay đổi. Thời gian dành cho nhau và đặc biệt thời gian cha mẹ dành cho con cái nhỏ tuổi ngày càng thiếu hụt. 


Ông Vân dẫn chứng trong một nghiên cứu vào năm 2006, có trên 60% cha mẹ ở phía Bắc có con dưới 6 tuổi không đủ thời gian dành một tiếng/ngày cho con, ở phía Nam là 57,7%. Do đó khi bàn về việc xây dựng nhân cách con người thì “vai trò của cha mẹ trong gia đình nó đã trở thành của hiếm về mặt thời gian. Bữa ăn sum họp trong gia đình truyền thống không chỉ là ăn mà đây chính là cơ hội giáo dục phi chính thống có tác dụng vô cùng to lớn. 


Trong bữa ăn người lớn dạy con cách ứng xử, dạy sự chia sẻ, nhường nhịn, kính trên nhường dưới, người lớn người già gắp cho con trẻ miếng ăn ngon nhưng con trẻ đâu dám ăn lại kính miếng ăn đó cho người cao tuổi nhất. Đó là giá trị hình thành nên nhân cách. Tuy nhiên, giờ đây, người ta không còn coi trọng bữa ăn gia đình nữa”.


Ngoài ra, theo ông Vân, trong khoảng 20 năm trở lại đây, nhiều phạm trù đã bị lệch lạc về tiêu chí. Tiêu chí của một đứa con ngoan ngày nay không giống như trước đây. Một đứa con ngoan giờ đây là một đứa con học giỏi và có nhiều điểm 10. Ngay từ bé phải có nhiều điểm 10 thì đó là đứa con ngoan. 


Ngoài ra, ông Vân cho biết, ngay trong môi trường giáo dục nhà trường cũng có những điểm rất lệch lạc. “Ngày xưa chúng ta học luân lý, luôn dạy những điều nhỏ nhặt nhất như kính trên nhường dưới thì bây giờ xem lại hệ thống giáo dục, xem lại các bài học về giáo dục công dân thì lớp 3 bảo trẻ con phải đoàn kết, lớp 7 đã học nghĩa vụ và quyền công dân, nghĩa vụ đóng thuế. Lớp 10 học về phạm trù đạo đức về ý thức…”.

Kim Hảo
 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.