Hồ sơ tài liệu

Giáo sư Carl Thayer: Việt Nam có 3 thách thức ngoại giao lớn trong năm 2021

01/01/2021, 09:34

2020 chắc chắn là một năm đầy thử thách với toàn thế giới nhưng lại là thời điểm Việt Nam ghi rất nhiều dấu ấn trong mắt bạn bè quốc tế.

img

Việt Nam đi tiên phong ứng dụng hội nghị qua truyền hình khi tổ chức các sự kiện ASEAN để phòng chống dịch Covid-19

Kết quả đó có được nhờ sự tích cực, chủ động của Việt Nam trong các hoạt động; phản ứng nhanh nhạy và sáng tạo trước những khó khăn mà điển hình nhất là cuộc khủng hoảng toàn cầu lớn nhất do đại dịch Covid-19 tạo ra.

“Việt Nam làm được những việc mà ngay cả nước lớn cũng khó đạt”

Đây là nhận định của nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Quang Vinh khi chia sẻ với Báo Giao thông.

Theo ông Vinh, giữa lúc cả thế giới xoay vần vì Covid-19, Việt Nam đã chứng minh được năng lực tự cường và khả năng thúc đẩy hội nhập. Tự cường ở chỗ chúng ta thực hiện được nhiệm vụ kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”.

img

Cựu Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Hoa Kỳ (giai đoạn 2014 – 2018), nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh - ảnh tư liệu Bình Nguyên.

“Đây là việc không phải quốc gia nào, kể cả những nền kinh tế lớn có thể làm được”, ông Vinh nhấn mạnh.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn, Việt Nam vẫn duy trì sự phối hợp trong ASEAN, bám sát 5 mục tiêu ưu tiên đề ra trong năm 2020. Bình thường nhiệm vụ này đã khó, trong bối cảnh dịch bệnh càng khó hơn nhưng riêng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, đã có hơn 20 hội nghị lớn ở mức cấp cao được tổ chức, hơn 80 văn kiện lớn được thông qua. Không dừng ở đó, Việt Nam còn cùng các nước trong khối và các đối tác xác định tầm nhìn của ASEAN trong bối cảnh mới.
Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh


Việt Nam kịp thời có biện pháp mạnh ngay từ đầu, liên tục thay đổi cách ứng phó tuỳ theo tình hình, kết hợp nhiều phương án chống dịch, nhờ đó tình hình Covid-19 được kiểm soát, tạo đà cho phát triển KT-XH.

“Nếu kinh tế năm qua có thể tăng trưởng tới 2%, thậm chí chỉ cần tăng trưởng dương cũng là thành tựu đáng ghi nhận trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao cho biết thêm.

Mặt khác, ông Vinh đánh giá Việt Nam đã trở thành một trong những điển hình về hợp tác quốc tế trong phòng chống dịch. Trong đó, chúng ta đã minh bạch thông tin, chia sẻ với thế giới, khu vực và các đối tác lớn về công tác phòng chống dịch Covid-19.

Thậm chí, trong lúc nước sôi lửa bỏng, dù bản thân chúng ta cũng khan hiếm về vật tư y tế nhưng vẫn sẵn lòng chia sẻ một phần với các quốc gia từ Lào, Campuchia, đến Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Đặc biệt, những câu chuyện công dân nước ngoài nhiễm virus, lưu trú tại Việt Nam được chăm sóc tận tình chu đáo cũng được dư luận thế giới đánh giá rất cao.

Vai trò lãnh đạo hiếm thấy

img

Giáo sư Carl Thayer.

Giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Australia, Đại học New South Wales, chuyên nghiên cứu về Việt Nam và Biển Đông, chia sẻ: ở cương vị Chủ tịch ASEAN, Việt Nam thể hiện vai trò lãnh đạo “một cách tích cực và hiếm thấy” qua những hoạt động đẩy mạnh phản ứng của khu vực đối với dịch bệnh Covid-19; củng cố uy tín ASEAN trong khu vực và trên trường quốc tế, đặc biệt với các đối tác lớn như Trung Quốc, Mỹ, Liên hợp quốc…

Ông Carl Thayer dẫn chứng trên 4 lĩnh vực: Đầu tiên, Việt Nam đã thống nhất được các thành viên ASEAN để khu vực đưa ra phản ứng chung về đối phó và phục hồi sau đại dịch Covid-19.

Thứ hai, củng cố sự đồng thuận cả về bản chất và sự tập trung của các nước thành viên ASEAN giữa bối cảnh các nước lớn đua nhau tranh giành quyền lực trong khu vực.

Thứ ba, thúc đẩy thành công để đi tới ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - thỏa thuận thương mại khu vực lớn chưa từng có với sự giao hòa đa dạng của các nền kinh tế phát triển, đang phát triển và kém phát triển.

Thứ tư, tăng cường chính sách giải thích của ASEAN về vấn đề Biển Đông qua việc tái nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế như Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển.

Ngoài ra, theo vị Giáo sư người Australia, là thành viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã ủng hộ mạnh mẽ 3 trụ cột xây dựng nên an ninh toàn cầu gồm: Một cam kết đa phương, lấy Liên Hợp Quốc làm trung tâm; tăng cường vai trò của tổ chức trong khu vực như ASEAN và mở rộng hợp tác giữa ASEAN với Liên Hợp Quốc và Hội đồng Bảo an; cuối cùng là sự tham gia của tất cả các quốc gia đối với những nguyên tắc nền tảng làm nên luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc.

Tích cực, chủ động đối mặt với biến cố, thách thức

Để đạt được những thành tựu trên, cả hai chuyên gia nhắc đến ở trên đều cho rằng, tất cả là nhờ Việt Nam đã có sự chủ động và tích cực khi ứng phó với những biến cố và thách thức.

Chẳng hạn, khi đại dịch Covid-19 bùng nổ và lan tới Đông Nam Á, Việt Nam đã nhanh chóng chuyển lịch trình làm việc bình thường của ASEAN sang ưu tiên tập trung vào tổ chức, xây dựng phản ứng chung của toàn khu vực với dịch bệnh.

Việt Nam đi tiên phong ứng dụng hội nghị qua truyền hình, tập hợp các quan chức y tế ASEAN cùng các lãnh đạo chính phủ chủ chốt cùng trao đổi dưới hình thức trực tuyến. “Việt Nam cũng cho thấy sự chủ động khi tìm đến sự hỗ trợ từ các đối tác qua việc tổ chức hội nghị cấp cao về ASEAN+3 (Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc) hay những cuộc họp song phương với đối tác khác như Mỹ”, Giáo sư Carl Thayer nhận định.

Trong khi đó, theo ông Phạm Quang Vinh, với cương vị Chủ tịch ASEAN, ngay từ khi dịch bệnh mới bùng phát, Việt Nam đã sớm đưa ra cảnh báo, kêu gọi phòng chống dịch từ cấp quốc gia, cấp quốc tế, tham vấn trong ASEAN, giữa ASEAN với rất nhiều đối tác lớn như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ…

Bên cạnh thách thức luôn có cơ hội

img

Giáo sư Carl Thayer chỉ ra ít nhất 3 thách thức ngoại giao mà Việt Nam có thể phải đối mặt trong năm 2021.

Đầu tiên là khôi phục kinh tế, đời sống sau dịch Covid-19. Trong đó, sáng kiến liên minh toàn cầu về vaccine (Gavi) đặt ra kỳ vọng, có thể tạo môi trường cho phép Việt Nam và các quốc gia trong khu vực tiếp cận vaccine chống Covid-19 một cách công bằng.

Thứ hai là thực hiện các trách nhiệm trong 3 thoả thuận tự do thương mại chính: Thoả thuận Hợp tác xuyên Thái Bình Dương Toàn diện và Tiến bộ; Thoả thuận Thương mại tự do châu Âu - Việt Nam; Hợp tác Kinh tế Toàn diện Khu vực, giữa bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ quốc gia lên ngôi và nhiều chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

Thứ 3 là thúc đẩy sự phát triển bền vững ở vùng hạ lưu Mê Kông bằng cách thúc đẩy sức mạnh tổng hợp giữa rất nhiều cơ chế đa phương hiện hành, để tránh chồng chéo và cạnh tranh giữa các quốc gia tài trợ.

Từng làm Đại sứ Việt Nam tại Mỹ qua 2 đời Tổng thống, ông Phạm Quang Vinh cho rằng, dù dưới thời Tổng thống nào, Việt Nam vẫn có những cơ sở phát triển cả về chính trị ngoại giao, an ninh, khoa học, giáo dục… với Mỹ.

Theo ông Vinh, trước sự thay đổi chính quyền tại Mỹ, Việt Nam hay khu vực ASEAN đều phải làm thế nào để không rơi vào bẫy cạnh tranh giữa các nước lớn, vừa phát triển quan hệ hợp tác đồng thời tận dụng những cơ hội để gắn kết các đối tác lớn trong xây dựng vì hoà bình, hợp tác và phát triển dựa trên luật lệ quốc tế.

Chính giữa những cạnh tranh của nước lớn, Việt Nam càng cần kết hợp với khu vực ASEAN duy trì tiếng nói của mình, về lợi ích chung khu vực và tuân thủ luật pháp quốc tế…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.