Xã hội

Giáo sư Trần Thanh Vân nhận bằng Tiến sĩ danh dự từ JINR DUBNA

10/07/2016, 08:19

Giáo sư Victor Matveev đã vinh danh và trao bằng Tiến sĩ danh dự cho giáo sư Trần Thanh Vân...

Giao-su-Tran-Thanh-Van-nhan-bang-tien-si-danh-du-t

Giáo sư Victor Matveev - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu nguyên tử JINR DUBNA (Nga) trao bằng Tiến sĩ danh dự cho giáo sư Trần Thanh Vân.

Tại lễ bế mạc Hội thảo, giáo sư Victor Matveev - Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu nguyên tử JINR DUBNA (Nga) đã vinh danh và trao bằng Tiến sĩ danh dự cho giáo sư Trần Thanh Vân - Chủ tịch Hội gặp gỡ Việt Nam, vì những đóng góp của ông cho cộng đồng khoa học thế giới.

Giáo sư Trần Thanh Vân được đánh giá là một nhà vật lý nguyên tử hàng đầu thế giới, với hàng trăm công trình nghiên cứu quan trọng. Ông là người đã đưa ra sáng kiến tổ chức các hội thảo Gặp gỡ Moriond, Gặp gỡ Blois và Gặp gỡ Việt Nam nhằm kết nối các nhà khoa học thế giới và Việt Nam, qua đó thúc đẩy sự phát triển của khoa học vật lý.

Năm 2011, giáo sư Trần Thanh Vân vinh dự là người Việt Nam đầu tiên được Hội Vật lý Mỹ trao tặng Huy chương AIP Tate dành cho lãnh đạo Quốc tế trong lĩnh vực vật lý.

Ngoài những đóng góp to lớn cho nền khoa học thế giới, Giáo sư Trần Thanh Vân và phu nhân Giáo sư Lê Kim Ngọc đã dành nhiều thời gian để tìm ngân khoản, kêu gọi bạn bè quốc tế giúp đỡ xây dựng 3 làng trẻ em SOS tại Đà Lạt (1974), Huế (2000) và Đồng Hới (2006), xây dựng trường dạy nghề làm bánh mỳ, bánh ngọt Pháp tại Huế (từ năm 1999).

Trước đó, trong 2 ngày 7-8/7, Hội thảo "Khoa học cơ bản và xã hội" đã thảo luận 7 chủ đề gồm: Tầm quan trọng của theo đuổi khoa học cơ bản ở các nước mới nổi; Khoa học cơ bản và sự phát triển bền vững; Nghiên cứu cơ bản và Hòa bình; Nghiên cứu cơ bản và khí hậu; Nghiên cứu cơ bản và sức khỏe; Nghiên cứu cơ bản; Mở cửa đổi mới và hợp tác kinh tế. Tại buổi thảo luận, có các bài phát biểu quan trọng của giáo sư David Gross, Nobel Vật lý năm 2004; giáo sư Jean-François Bach, Tổng thư ký Viện hàn lâm khoa học Pháp; giáo sư Jerome Friendman, Nobel Vật lý 1990…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.