Giao thông

Giao thông cho người khuyết tật, bài học từ “Thành phố đáng sống”

20/12/2017, 17:23

Trong khi nhiều địa phương còn đang loay hoay phát triển GTTC hỗ trợ NKT, thì Đà Nẵng lại khá thành công

da-nang-co-loi-di-danh-cho-nguoi-khuyet-tat-o-bai-

Đà Nẵng có lối đi riêng dành cho NKT trên bãi biển

Trong khi nhiều địa phương, nhiều ngành còn đang loay hoay với việc phát triển giao thông tiếp cận (GTTC) hỗ trợ người khuyết tật (NKT), thì Đà Nẵng lại nổi lên như một điển hình trong hoạt động này.. 

Cần cải thiện điều kiện tiếp cận giao thông đối với NKT

 Hiện nay NKT gặp không ít khó khăn trong việc đi lại và sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ ngay từ khâu thiết kế, lắp đặt các trang thiết bị trợ giúp, cơ sở hạ tầng giao thông bao gồm lòng đường, vỉa hè, bến xe khách, nhà chờ xe buýt… hầu như không đảm bảo cho NKT tiếp cận, sử dụng.

Nói riêng về hàng không, Bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết: Chính sách pháp luật về tiếp cận giao thông hàng không dành cho NKT đã có nhưng chưa thực sự đầy đủ và bao quát. Các hãng hàng không dù có chế tài hỗ trợ người khuyết tật nhưng những chế tài này chưa được áp dụng nhiều vào thực tế. Cụ thể, việc hỗ trợ đăng ký đặt chỗ, mua vé trực tuyến cho người khuyết tật sử dụng xe lăn, người khiếm thị, khiếm thính... còn nhiều hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng tại các cảng hàng không như nhà vệ sinh, đường tiếp cận cho xe lăn, thang cuốn, thang máy lên xuống… chưa thuận lợi cho người khuyết tật. “Theo thống kê, chỉ có 5/22 sân bay có xe nâng hỗ trợ người khuyết tật lên/xuống máy bay. Các bảng đèn LED, bảng chỉ dẫn, hệ thống âm thanh cung cấp thông tin hành trình, chỉ dẫn an toàn cho người khiếm thị, khiếm thính cũng hạn chế. Không chỉ vậy, hầu hết các nhân viên hoạt động trong ngành hàng không chưa có kỹ năng sử dụng thiết bị hỗ trợ cũng như trực tiếp hỗ trợ NKT”, bà Nhung nêu dẫn chứng.

Trước thực trạng trên, nhiều đề xuất nhằm cải thiện điều kiện tiếp cận giao thông đối với NKT như: xây dựng hệ thống âm thanh thông báo của xe khách tương tự xe bus, cải thiện, nâng cấp vỉa hè, có hệ thống thông báo âm thanh ở điểm giao cắt, ngã ba, ngã tư để dễ tiếp cận với người khiếm thị. Cần đào tạo, tập huấn về biển báo giao thông, luật giao thông và biển báo nguy hiểm cho người điếc, các phương tiện giao thông cần có bảng thông báo, chỉ dẫn những thông tin về điểm đi và đến bằng đèn báo ngay trên xe để người điếc dễ nhận biết, Bộ Công an và Bộ GTVT nghiên cứu cách thức phù hợp để người điếc dự thi Luật giao thông đường bộ và được cấp bằng lái xe như người bình thường khác…

Kinh nghiệm của Đà Nẵng

Tại TP. Đà Nẵng, địa phương đang có trên 12.000 NKT. Để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng, tại TP. Đà Nẵng, nhiều năm nay các công trình công cộng, các dịch vụ xã hội, kể các các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí mới được xây dựng đều chú trọng đến việc đảm bảo có lối đi riêng hoặc các điều kiện cần thiết để NKT có thể tiếp cận và sử dụng. Tại bãi biển Đà Nẵng, Ban Quản lý Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển Đà Nẵng cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phối hợp với Cty CP Hoa Ky đưa vào sử dụng 2 lối đi qua bãi biển dành cho NKT. Một lối đi được bắt đầu từ công viên Biển Đông và một lối đi tại khu vực ngã ba đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Kế Viêm. Các lối đi đặc biệt này được lắp ghép từ các tấm composite kết hợp sợi thủy tinh. Mỗi lối đi có chiều dài 40m tính từ lề đường đến mép nước, có hai đoạn được lắp ghép rộng hơn để hai người đi xe lăn ngược chiều có thể tránh nhau, thoải mái cho việc NKT khi sử dụng xe lăn. Theo BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, đây là một trong những công trình đặc biệt trong việc mở rộng không gian biển để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách, đặc biệt là giúp NKT dễ dàng tiếp cận, vui chơi giải trí tại những bãi biển đẹp nhất của thành phố.

Ngoài ra, để phục nhu cầu đi lại của người dân và du khách, trong đó có NKT, cuối năm 2016, TP. Đà Nẵng đã khai trương và đưa vào hoạt động 5 tuyến xe buýt nội thành để phục vụ nhu cầu của người dân. Tất cả hệ thống xe buýt này đều được lắp đặt thiết bị nâng đỡ, hỗ trợ NKT đi xe lăn lên và xuống xe. Đặc biệt, ngoài chính sách trợ giá của thành phố, NKT cũng là một trong các đối tượng được hưởng chính sách miễn phí ưu tiên khi sử dụng các tuyến xe buýt này.

Đầu tháng 6/2017, Hội NKT TP. Đà Nẵng cũng đã phối hợp với Sở Xây dựng thành phố tiến hành khảo sát lối tiếp cận cho NKT tại 30 UBND phường trên 3 quận Sơn Trà, Hải Châu và Thanh Khê. Tới nay đã có 5 trụ sở được cải tạo/xây mới theo đúng Quy chuẩn quốc gia, tạo tiền đề cho việc đảm bảo triển khai đồng bộ trên tất cả các trụ sở UBND xã/phường, quận/huyện trên địa bàn thành phố, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người khuyết tật đến liên hệ công việc.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.