Quang cảnh hội nghị
Ngày 13/3, Cần Thơ diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu.
Đột phá
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá, việc ban hành Nghị quyết số 120 đã đánh dấu bước đột phá lớn trong tư duy, định hình chiến lược phát triển vì tương lai thịnh vượng, bền vững của ĐBSCL theo hướng tổng thể, tích hợp phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng với tầm nhìn dài hạn, tăng cường kết nối phát triển giữa các địa phương trong vùng, bảo đảm tính liên vùng, liên ngành, có trọng tâm, trọng điểm thông qua cơ chế điều phối thống nhất.
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương có báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết 120 với nhiều thành tựu, trong đó phải kể đến hạ tầng GTVT.
Theo Bộ GTVT, trong những năm qua, được sự quan tâm của Quốc hội, Chính phủ, nhiều công trình đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng của vùng ĐBSCL đã hoàn thành.
Giai đoạn từ 2016-2021, Bộ đã triển khai đầu tư xây dựng 31 dự án, công trình giao thông với tổng mức đầu tư hơn 88.900 tỷ.
Trong đó, 14 dự án đã hoàn thành như tuyến N2 nối Cao Lãnh-Rạch Sỏi, cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận, dự án cầu Cổ Chiên, Cao Lãnh, Vàm Cống, Hòa Trung, Mỹ Lợi..., nâng cấp QL50, QL60, QL53, 57, 30…; nâng cấp 6 tuyến vận tải thủy chính kết nối TP.HCM và Đông Nam Bộ với vùng ĐBSCL đạt chuẩn tắc luồng, hoàn chỉnh Luồng tàu biển tải trọng lớn vào sông Hậu và tuyến Kênh Chợ Gạo với tổng mức đầu tư là 40.494 tỷ,…
Tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi
14 dự án đang triển khai thực hiện như cầu Mỹ Thuận 2, cầu Rạch Miễu 2, cầu Đại Ngãi,… và 3 dự án đang chuẩn bị triển khai với tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ.
Bộ GTVT đánh giá, các dự án được đầu tư và đưa vào khai thác đã thực sự phát huy hiệu quả, đều là những dự án động lực, quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng; các giải pháp đầu tư đã chú trọng đến thích ứng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đảm bảo ổn định bền vững.
Để tiếp tục ưu tiên đầu tư cho giao thông vùng ĐBSCL, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, dự kiến sẽ phân bổ khoảng 388 nghìn tỷ đồng cho vùng, hoàn thành một số công trình trọng điểm như: thông tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận - Cần Thơ, Cần Thơ - Cà Mau; các tuyến đường giao thông có tính chất liên kết vùng và một số tuyến QL.
Liên kết, cùng phát triển
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu kiến nghị ĐBSCL đã kiến nghị cần phải xây dựng, thực hiện các dự án lớn, phát triển hạ tầng giao thông, thủy lợi, thích ứng với biến đổi khí hậu để tạo ra chuyển đổi quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội.
Là một trong những tỉnh dễ bị tổn thương bởi biến đổi khí hậu, ông Đỗ Thanh Bình, Bí thư tỉnh Kiên Giang cho biết, qua 3 năm thực hiện, địa phương đã đạt được những kết quả bước đầu đặc biệt là nông, lâm nghiệp, thủy sản; tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải. Tuy nhiên, địa phương này nhận thấy vẫn còn một số khó khăn, thách thức, hạ tầng giao thông vẫn là “điểm nghẽn” trong phát triển của vùng.
Từ thực tiễn địa phương, ông Đỗ Thanh Bình xin đề xuất, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, thủy lợi và dịch vụ logistics, đáp ứng yêu cầu phát triển cho vùng.
Tương tự, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang đánh giá, qua 3 năm triển khai Nghị quyết đã đạt được nhiều kết quả tích cực, các giải pháp triển khai đúng hướng “thuận thiên”. Tuy nhiên, thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả đạt được đó vẫn còn ở khá xa so với những mục tiêu tầm cỡ mà Nghị quyết đã đề ra.
Đại diện lãnh đạo tỉnh này đề xuất, 13 tỉnh thành ĐBSCL cần nhìn về một hướng, bỏ qua các vấn đề “xung đột lợi ích”, chủ động trong hợp tác, liên kết với nhau với phương châm “muốn đi nhanh thì hãy đi một mình, muốn đi xa thì hãy đi cùng nhau”.
“Nhiều dự án giao thông trọng điểm của Khu vực đang được Chính phủ dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025, đây chắc chắn là cú hích quan trọng giúp phát triển kinh tế của khu vực.
Tuy nhiên, kiến nghị Chính phủ tính toán các phương án đầu tư, phương án hướng tuyến các cao tốc để đảm bảo hiệu quả khai thác và hài hòa lợi ích giữa các địa phương trong khu vực. Đồng thời, Bộ GTVT đưa ra lộ trình đầu tư, cam kết tiến độ dự án cụ thể, làm cơ sở các địa phương tính toán đầu tư hệ thống giao thông kết nối, nhằm khai thác tối đa hiệu quả các tuyến cao tốc đi qua địa bàn”, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang kiến nghị.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận