Hạ tầng

Giao thông ĐBSCL sẽ thay đổi ra sao trong 10 năm tới?

17/12/2020, 16:16

Đến năm 2030, khu vực phía Nam bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) sẽ có gần 1.000km đường cao tốc.

img

Bản đồ hiện trạng giao thông khu vực miền Nam

Năm 2030, cao tốc phải về đến Cà Mau

Trong báo cáo tóm tắt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2025, Tổng công ty tư vấn thiết kế GTVT - CTCP và Trung tâm Tư vấn đầu tư phát triển giao thông vận tải (Liên danh TEDI&CCTDI) cho biết: Mạng lưới đường bộ cơ bản đã bao phủ khắp lãnh thổ, đóng vai trò kết nối giữa các vùng, miền, kết nối với các phương thức vận tải khác.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế, mật độ quốc lộ, cao tốc giữa các vùng chưa thực sự đồng đều, còn nhiều điểm nghẽn giao thông trên mạng lưới.

Theo báo cáo của đơn vị tư vấn, hệ thống quốc lộ Việt Nam được phân bổ theo các trục dọc, trục ngang, trục hướng tâm về Thủ đô Hà Nội tạo thành các hành lang vận tải góp phần hình thành mạng lưới giao thông đường bộ khá rõ ràng.

Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển mạng lưới đường bộ nhưng thực tế vẫn còn các điểm nghẽn tại các trục có nhu cầu vận tải cao như: trục Bắc Nam; các đầu mối giao thông quan trọng như cửa ngõ Thủ đô Hà Nội, TP.HCM; các sân bay quốc tế như Tân Sơn Nhất,…; các cảng biển quốc tế, cảng đầu mối như Cái Mép - Thị Vải…; một số cửa khẩu quốc tế có lưu lượng lớn…

Mặt khác, tỷ lệ đường cao tốc lại chiếm tỉ lệ thấp. Tính đến tháng 12/2020, tổng chiều dài đường bộ cả nước có khoảng 595.125 km, trong đó hệ thống cao tốc có khoảng 1.757 km (chiếm 0,3%), đường QL 24.328km (chiếm 4,09%). Đáng lưu ý, khu vực ĐBSCL đường cao tốc chỉ có 117km, đường QL có chiều dài 2.652km.

Tại Hội thảo Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khu vực Miền Nam được tổ chức ở Cần Thơ ngày 16/12, ông Ngô Thịnh Đức, Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật cầu đường Việt Nam đánh giá, một số tuyến kết nối miền Đông và miền Tây đến nay vẫn “chậm”.

Đáng lẽ giai đoạn 2, đường cao tốc đã về đến Cần Thơ hay cao tốc giai đoạn 2 đường Hồ Chí Minh đoạn từ Củ Chi - Đức Hòa, Đức Huệ về đến Cao Lãnh, nhưng đến nay vẫn chưa có. Tương tự, ở khu vực miền Đông, toàn bộ tuyến Biên Hòa - Vũng Tàu vẫn chưa "nhúc nhích”.

Về chiến lược phát triển hệ thống giao thông ĐBSCL, ông Ngô Thịnh Đức cho rằng, đến năm 2025 phải xử lý cho xong tuyến trục dọc. Năm 2030 cao tốc phải về đến Cà Mau.

Đối với các tuyến trục ngang thì lập quy hoạch, kêu gọi các nhà đầu tư. Còn hành lang phía Đông đến năm 2025 phải xong cầu Đại Ngãi mới giúp kết nối Trà Vinh-Sóc Trăng về Bạc Liêu. Còn với hành lang phía Tây (QL 60), đến năm 2025 phải hoàn thành giúp kết nối Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu.

img

Tuyến cao tốc TP.HCM- Trung Lương

Năm 2030, khu vực phía Nam sẽ có gần 1.000 km đường cao tốc

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, định hướng quy hoạch phát triển hệ thống cao tốc, quốc lộ phân thành nhóm đường cao tốc, quốc lộ chính yếu (gồm các tuyến đường cao tốc và đường quốc lộ có tính chất liên kết vùng, cảng biển quốc tế, cửa khẩu quốc tế...) và nhóm đường quốc lộ thứ yếu (gồm các đường quốc lộ liên kết khu vực, tỉnh...). Trong đó, lấy hệ thống đường cao tốc là trục xương sống kết nối liên vùng.

Theo đó, định hướng đến năm 2030, khu vực phía Nam, sẽ có gần 1.000km, trong đó giai đoạn 2021-2025 là 670km (tổng mức vốn dự kiến khoảng 104.866 tỷ) và giai đoạn 2026-2030 thêm 300km (tổng mức vốn dự kiến khoảng 58.761 tỷ). Trong đó, riêng ĐBSCL có tuyến Cần Thơ-Cà Mau chiều dài 150km, Châu Đốc (tỉnh An Giang)- Cần Thơ-Sóc Trăng có chiều dài 64km, Hồng Ngự (tỉnh Đồng Tháp) - Trà Vinh có chiều dài 30km, Hà Tiên (tỉnh Kiên giang) - Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang)-Bạc Liêu có chiều dài 100km,…

Về hệ thống QL sẽ tập trung nâng cấp mặt đường, tăng cường hệ thống ATGT, xử lý các điểm đen. Trong đó, khu vực miền Nam ưu tiên đầu tư các tuyến QL 62, QL 60, Đường Nam sông Hậu, QL 91C, QL54, QL61, QL61B, tuyến N2… với tổng chiều dài hơn 431km, quy mô quy hoạch tối thiểu cấp III, 2 đến 4 làn xe, một số tuyến có lưu lượng vận tải lớn quy mô cấp III, 4 đến 6 làn xe,…

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Lê Đỗ Mười, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (thuộc Bộ GTVT) đánh giá, ĐBSCL kết nối Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ đang là điểm nghẽn và điểm nghẽn này sẽ được giải quyết triệt để trong quy hoạch lần này của ngành giao thông.

Trong đó, đường bộ tập trung vào 3 trục lớn gồm: trục N2 xuyên tâm vùng ĐBSCL, kết nối từ Củ Chi-Rạch Giá; Tuyến cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ, Cần Thơ-Cà Mau; Còn lại các trục ngang và hành lang ven biển. Các trục này đến giai đoạn 2025-2030 sẽ được xử lý dứt điểm.

img

Cuối năm 2020 hoàn thành tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi

Cũng theo ông Lê Đỗ Mười, điểm đặc biệc lần này của quy hoạch đó là trục hành lang ven biển đã được xếp vào trục QL, tạo điều kiện, cơ hội cho các địa phương đầu tư.

“Trục ngang cơ bản hoàn thiện, hiện tập trung phát triển tuyến cao tốc Sóc Trăng - Cần Thơ -Tịnh Biên - Châu đốc và tuyến hành lang ven biển phía nam từ Hà Tiên (Rạch Giá) xuống Cà Mau, cùng với trục dọc tạo thành ô bàn cờ.

Như vậy, cơ bản đến năm 2030 giải quyết các vấn đề cơ bản về mạng lưới đường bộ và các phương thức khác của ngành giao thông đối với khu vực ĐBSCL”, ông Lê Đỗ Mười nói và đồng thời đánh giá, khi hạ tầng giao thông ngày càng hoàn thiện sẽ góp phần rất lớn cho sự phát triển kinh tế của vùng.

“Nếu từ đây đến 2030 ta thông tuyến được từ TP.HCM đi Cà Mau sẽ tạo được bước đột phá lớn của vùng... Chúng ta sẽ thu hút được các nhà đầu tư để phát triển những vùng hạn chế của ĐBSCL. Đặc biệt là tỉnh Trà Vinh, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cà Mau sẽ phát triển hơn nữa, thu hút nhà đầu tư quan tâm hơn nữa”, ông Lê Đỗ Mười chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.