70 năm truyền thống ngành GTVT

Giao thông thử thách lòng người

22/02/2015, 10:44

Nguyên Bộ trưởng GTVT Lê Ngọc Hoàn chia sẻ câu chuyện mở đường HCM và thách thức khi tiếp nhận vốn ODA.

201

Nguyên Bộ trưởng GTVT Lê Ngọc Hoàn dự lễ khánh thành cầu Nhật Tân trong ngày đầu năm 2015 - Ảnh: Khánh Linh

Dùng máy bay dò hướng tuyến

Rời nhiệm sở đã nhiều năm nhưng căn phòng của vị Bộ trưởng GTVT ngày nào vẫn xếp dày những tư liệu mới, sách báo viết về ngành GTVT. “Giờ tuổi cao, không có điều kiện tiếp cận trực tiếp với mọi người, nhưng tôi vẫn luôn theo sát chuyển động của ngành”, nguyên Bộ trưởng Bộ GTVT Lê Ngọc Hoàn nói.

Về những kỷ niệm vượt núi băng rừng trên dãy Trường Sơn để tìm hướng mở đường trong thời chiến, nguyên Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn chậm rãi kể: “Tôi vẫn nhớ như in khi giữ chức Trung đoàn trưởng, có thời kỳ các đường trên dãy Trường Sơn bị địch đánh phá ác liệt khiến việc vận chuyển vô cùng khó khăn, tôi được giao chỉ huy tìm mở đường mới. Đầu tiên, việc tìm đường được thực hiện theo cách thông thường, tức là cứ trèo núi, xuyên rừng, bám sát dọc theo chân vách núi phía Tây mà định hướng, khảo sát. Nhưng biết bao công sức mà vẫn không vạch được tuyến hoàn chỉnh”.

Bí quá, đành đổi cách và xin được một chuyến bay trực thăng tầm thấp để rà soát tìm đường. Trên trời, máy bay rà rà dọc theo vách núi phía Tây, chỉ thấy bên dưới ngút ngàn rừng cây, vực thẳm, không thể quan sát được các điểm mốc tuyến dự kiến. Chẳng còn cách nào khác, đành cử người đến các điểm dự kiến đó, đốt khói bay lên để người trên máy bay dùng ống nhòm nhận tín hiệu, mà đốt khói làm sao chỉ đủ để nhận được dấu hiệu.

“Tuyến đường sơ khai được rà soát, định hướng bằng máy bay ngày xưa cũng chính là đường Hồ Chí Minh bây giờ”, nguyên Bộ trưởng nhớ lại.

Mày mò phương thức quản lý huy động vốn

Từ những năm 1958, nguyên Bộ trưởng GTVT Lê Ngọc Hoàn đã vào Trường Sơn làm cầu, rồi từng chỉ huy trạm tiếp vận trên tuyến đường này nên hiểu rất rõ. Ông cũng nghĩ đó là lý do được giao nhiệm vụ lãnh đạo ngành GTVT sau này, trong đó có trọng trách xây dựng đường Hồ Chí Minh.

“Trước tình hình nguồn vốn khó khăn khi làm những cây số đường đầu tiên, Bộ GTVT đã đề xuất và được chấp thuận là ban đầu chỉ làm cung đường từ Hà Tĩnh đến Kon Tum, đoạn qua thị trấn rộng 12 m, còn lại chỉ 7 m. Thời gian đó nếu chúng ta chần chừ có lẽ đã đánh mất thời cơ xây dựng đường Hồ Chí Minh và sẽ kéo theo những khó khăn trong việc bảo vệ biên giới đất nước”, nguyên Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn nhận định.

Nhớ lại thời kỳ giữ cương vị Thứ trưởng rồi Bộ trưởng GTVT, ông cho biết, đây là thời kỳ đầu chập chững của ngành GTVT khi tiếp nhận, sử dụng vốn ODA cho những công trình đầu tay như QL5, cầu Phú Lương...

“Khoảng 80% tổng vốn xây dựng công trình giao thông là từ nguồn ODA. Luật chẳng có, các chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật cũng chưa, Bộ GTVT vừa làm vừa rút kinh nghiệm nhưng đã quản lý hiệu quả, tiết kiệm, nên tất cả các dự án vốn ODA làm xong vẫn thừa tiền và được dùng để làm thêm những con đường, cây cầu khác”, ông kể và cho biết thêm, Bộ GTVT thời kỳ đó cũng thuyết phục được các nhà tài trợ đồng ý với điều khoản nhà thầu trong nước bỏ giá thầu cao hơn 15% so với nhà thầu nước ngoài được coi là thắng thầu, để tránh thiệt thòi cho doanh nghiệp trong nước vì có trình độ công nghệ kém hơn.

Trong câu chuyện vui xen chút tự hào ông cho rằng, sự thành công trong xây dựng các công trình giao thông thời đó là ngành GTVT có những tập thể kỹ sư giỏi, tâm huyết và cả những cá nhân đặt nghề nghiệp lên trên hết.

Theo nguyên Bộ trưởng Lê Ngọc Hoàn, yếu tố dẫn đến thành công là phải xây dựng được thể chế tốt để điều hành công việc và tìm mọi cách để sử dụng con người, đội ngũ khoa học kỹ thuật để mọi người cùng phát huy trí tuệ và trách nhiệm của mình. 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.