Vận tải

Giao thông tiếp cận vì cộng đồng: Giải pháp hỗ trợ người khuyết tật

28/12/2017, 08:37

Giao thông tiếp cận (GTTC) là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi được áp dụng tại nhiều nước.

4

Người khuyết tật được trợ giúp khi đi xe buýt tại TP.HCM

Giao thông tiếp cận hiểu thế nào cho đúng?

Giao thông tiếp cận (GTTC) là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, trong đó có NKT, đã và đang được áp dụng tại nhiều nước trên thế giới.

Ở Việt Nam, mặc dù đã được đề cập trong Luật Người khuyết tật, tuy nhiên GTTC vẫn là một khái niệm mới, được hiểu là một hệ thống giao thông công cộng thuận lợi, từng bước được hoàn thiện bảo đảm an toàn, tiện nghi không chỉ cho NKT, người cao tuổi, người có khó khăn khác trong hệ vận động của cơ thể mà còn phục vụ sự thuận tiện cho mọi người khi tham gia giao thông.

Việc loại bỏ các rào cản để NKT hòa nhập với cộng đồng đang được Đảng và Nhà nước quan tâm. Ngành GTVT đã có nhiều nỗ lực thúc đẩy thực hiện GTTC cho NKT, như tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp ban hành khá đầy đủ, toàn diện chính sách hỗ trợ NKT tham giao giao thông.

Đến nay, Chính phủ đã ban hành 5 Nghị định, Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ GTVT ban hành 9 thông tư có liên quan đến cơ chế chính sách trợ giúp NKT ngành GTVT ở các lĩnh vực: Đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, hàng không, đường biển. Đặc biệt, ngày 24/9/2012, Bộ GTVT đã ban hành Thông tư 39/2012-BGTVT hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng. Trong đó, cơ chế chính sách trợ giúp NKT tập trung ở 4 nội dung chính: Miễn, giảm giá vé, giá dịch vụ cho NKT; Xử lý vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm liên quan đến GTTC cho NKT; Ưu tiên khi mua vé, sắp xếp chỗ ngồi; Thông tin trợ giúp NKT...

Bộ cũng đẩy mạnh tuyên truyền, tăng cường cải tạo kết cấu hạ tầng, đầu tư phương tiện có hỗ trợ NKT như: Thí điểm lắp đặt thiết bị hỗ trợ NKT trên xe buýt, cải tạo hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách công cộng, đặc biệt với xe buýt...

Hạ tầng giao thông dành cho NKT chưa đồng bộ

Được biết, Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải (Bộ GTVT) đang triển khai Đề án “Trợ giúp NKT giai đoạn 2012-2020 - ngành GTVT”, thực hiện Quyết định 1019/QĐ-TTg nhằm hỗ trợ quyền lợi của NKT. Kết quả khảo sát của nhóm thực hiện đề án cho thấy, một số địa phương bước đầu thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ NKT tham gia giao thông, như miễn, giảm giá vé cho NKT khi tham gia vận tải hành khách công cộng; duy trì các tuyến vận tải công cộng sử dụng sàn thấp và cầu nâng phục vụ NKT...

Tuy nhiên, hoạt động đầu tư xây dựng hoặc cải tạo kết cấu hạ tầng giao thông và phương tiện để NKT dễ dàng tiếp cận được triển khai trong thực tế còn chưa đồng bộ. Các bến xe, điểm đầu, điểm cuối, điểm trung chuyển, điểm dừng, nhà chờ xe buýt, vỉa hè... chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật bảo đảm cho NKT sử dụng. Đội ngũ nhân viên bến xe và phục vụ trên xe buýt chưa được hướng dẫn các quy định, phương pháp hỗ trợ NKT.

Một số tuyến phố, khu vực dành cho NKT chưa đạt tiêu chuẩn như độ chênh lệch giữa hè và nền đường quá cao, vỉa hè bị hàng quán chiếm dụng. Đối với các xe buýt (trừ xe buýt nhanh BRT có cửa xe cao ngang bằng cửa nhà chờ), thời gian dừng xe ngắn, cửa xe hẹp và bậc cửa cao là nguyên nhân làm cho người đi xe lăn không thể sử dụng phương tiện này...

Trên kết quả khảo sát toàn bộ thực trạng, điều kiện hạ tầng giao thông đô thị tại 5 thành phố lớn: Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ và TP Hồ Chí Minh trong giai đoạn 2016-2017, đề án đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ NKT tại các TP lớn và kiến nghị sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vấn đề này cho các năm tiếp theo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.