Giao thông

"Giao thông tiếp cận" – xu hướng của thế giới

28/12/2014, 18:59

Xu hướng này đã và đang phát triển ở nhiều nước trên thế giới, nhưng vẫn còn là khái niệm mới mẻ ở VN.

Mẫu xe buýt có chỗ dành cho người khuyết tật được sản xuất, lắp ráp tại VN
Mẫu xe buýt có chỗ dành cho người khuyết tật được sản xuất, lắp ráp tại VN

Giao thông tiếp cận là gì?

Đó là hệ thống giao thông văn minh, lịch sự, an toàn, thuận lợi và đáp ứng tối đa nhu cầu đi lại của tất cả thành viên trong xã hội, gồm cả người khuyết tật, người cao tuổi, người khó khăn trong việc vận động của cơ thể. Tuy vậy, khái niệm giao thông tiếp cận vẫn còn khá mới mẻ ở VN và vì thế chưa có nhiều các công trình giao thông thông cộng, phương tiện công cộng, dịch vụ... tạo thuận lợi cho người khuyết tật, người cao tuổi hay những có khó khăn trong di chuyển, vận động.

Trong khi đó, việc loại bỏ các rào cản đối với người khuyết tật trong tham gia giao thông - phát triển theo xu hướng giao thông tiếp cận - đã được luật hóa bằng Luật Người khuyết tật (Quốc hội thông qua vào ngày 17/6/2010) và các đạo luật chuyên ngành giao thông Luật Giao thông đường bộ, Luật Đường sắt, Luật Hàng không dân dụng…

Bộ GTVT cũng đã ban hành Thông tư số 39/2012/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về kết cấu hạ tầng giao thông, công cụ hỗ trợ và chính sách ưu tiên người khuyết tật tham gia giao thông công cộng.  

Trong thực tế, yếu tố giao thông tiếp cận cũng chưa được thể hiện nhiều, mới chủ yếu trong lĩnh vực hàng không mà một phần do yêu cầu của tiêu chuẩn quốc tế, với các dịch vụ đón và trợ giúp khách là người già yếu, trẻ em đi một mình, phụ nữ có thai, khách khiếm thị, khiếm thính, dịch vụ xe lăn … 

Lĩnh vực đường sắt gần đây cũng có một số công trình như cải tạo ke ga (lên xuống tàu) thấp hơn cho người đi lại, mang vác đồ lên tàu dễ hơn. Hiện, Đường sắt Việt Nam đang nghiên cứu lựa chọn tuyến phù hợp để đưa toa xe tiếp cận vào khai thác thí điểm.

Cần tác động đến nhận thức cộng đồng

Đến nay hầu hết chưa phương chưa chú trọng đến yếu tố giao thông tiếp cận trong phát triển giao thông địa phương, nội đô. Mới chỉ TP.HCM và Đà Nẵng thí điểm một số tuyến buýt xe tiếp cận với đối tượng phục vụ là người khuyết tật (đi xe lăn), với phương tiện có chỗ cho xe của người khuyết tật, điểm dừng có biển báo, đường lên xuống, nhân viên phục vụ xe được đào tạo vận hành thiết bị và cách phục vụ. 

Tuy nhiên, nhìn chung, việc hướng đến giao thông tiếp cận vẫn còn chưa đồng bộ, tiến độ ở một số khâu còn chậm, chưa thực hiện đúng kế hoạch. Ví dụ như ở vấn đề hạ tầng ở các đường phố đô thị, chẳng hạn như thiếu lối lên xuống dành cho xe lăn hay nơi dừng xe buýt không mấy thuận tiện cho trẻ nhỏ, người già. Tại Hà Nội, kỹ sư Lương Minh Hài – Trung tâm nghiên cứu phát triển ôtô, Vinamotor, khảo sát một số điểm dừng xe buýt ở Hà Nội cũng thấy chiều cao vỉa hè tại các bến xe buýt thay đổi từ 0 đến 320 mm.

Yếu tố giao thông tiếp cận chưa được quan tâm đúng mức, theo TS. Chu Mạnh Hùng – Vụ trưởng Vụ Môi trường, có một trong những nguyên nhân là nhận thức của cộng đồng chưa đầy đủ và đúng mức. Ngoài ra cũng phải kể đến các nguyên nhân về quản lý qua nhiều cấp gây nên sự thiếu đồng bộ và chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa ngành và chính quyền địa phương.

Bên cạnh đó, chúng ta chưa có cơ chế, chính sách đặc biệt để động viên, khuyến  khích, tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế, mọi tổ chức xã hội, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải khách cùng tham gia phát triển hệ thống giao thông tiếp cận. 

Do đó, TS. Chu Mạnh Hùng gửi đến Diễn đàn khoa học ATGT năm 2014 thông điệp: “Bộ GTVT đã ban hành một loạt văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy mong các đại biểu, những người làm công tác ATGT ở các địa phương, mọi người cùng quan tâm đến việc xây dựng hệ thống giao thông tiếp cận”.

Bộ GTVT đang nỗ lực hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020  đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1019/QĐ-TTg ngày 5/8/2012.

 

Hồng Xiêm

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.