Giao thông

Giao thừa trên công trường xây hầm Đèo Cả

18/02/2015, 08:33

Hàng trăm kỹ sư, chuyên gia, công nhân “gác Tết” bám hiện trường đại công trình hầm Đèo Cả.

601
TGĐ Công ty CP đầu tư Đèo Cả Hồ Minh Hoàng (giơ tay) báo cáo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể (người thứ hai từ phải qua) tiến độ thực hiện dự án

Đêm trắng công trường

0h, gió thốc từ đỉnh Đèo Cả vào công trường rít liên hồi. Những làn mưa tạt mạnh, càng làm cái lạnh cuối năm thêm se sắt. Nhưng trong lỗ khoan miệng hầm, không khí sôi sục, nhịp độ thi công “nóng” từng giờ. Những tốp công nhân, kỹ sư miệt mài hoạt động ca ba. Anh Lê Hữu Thực (Công ty CP Sông Đà 10) lái chiếc máy phun to khụ, rền vang tiếng động cơ.

Phía đuôi, xe trộn bê tông khép lại. Ba công nhân nhanh thoăn thoắt vào vị trí, kiểm tra từng mẻ bê tông “tươi” tuôn chảy vào hệ thống máy phun. Chờ Nguyễn Tiến Hà, Tổ trưởng Tổ khoan neo gia cố những điểm định vị báo hiệu, “họng vòi” máy phun bắn từng lớp bê tông mịn, trực tiếp lên các vị trí vòm hầm.

Nửa đêm, không khí lao động khẩn trương, tất bật không khác ban ngày. Tiếng máy hút khí, máy phun, khoan, trộn bê tông rền vang cả khu miệng hầm. Anh Ma Văn Lực, Kỹ thuật ca cùng anh Châu Văn Bình, Tư vấn giám sát ca, không rời mắt trước từng khâu đoạn, quy trình “khoan gương”. Anh Lực bảo: “Mỗi ca có 9-10 người thực hiện nhiều công việc từ khoan nổ mìn, neo gia cố, phun bê tông…”.

Quê Ninh Bình, từng kinh qua hàng loạt dự án thủy điện tại Quảng Trị, Sơn La, Lào Cai, anh Lực quyết định “thử lửa” đại công trường dự án hầm Đèo Cả. “Khó nhất là phần cửa hầm, nhưng giờ vài chục mét đã hoàn thành. Mỗi ca chỉ cần làm đúng các thiết kế, linh hoạt ứng phó với từng tình huống, địa chất đá sẽ phát huy hiệu quả, đẩy mũi khoan hầm thi công nhanh hơn”, anh Lực nói.

Ầm! ầm!... Tiếng nổ vang công trường lúc trời vừa rạng sáng. Anh Tô Xuân Tùng, Kỹ sư địa chất cửa hầm phía Nam cho hay: “Đội vừa nổ mìn để tiếp tục tạo gương hầm mới. Điều kiện thi công hầm Đèo Cả, khoảng cách giữa hai lần nổ mìn bình quân 18 tiếng. Đây được đánh giá là nỗ lực lớn của chủ đầu tư, các đơn vị thi công trong hoàn cảnh thực tế. “Tùy điều kiện địa chất để tư vấn giám sát có thể đưa ra các biện pháp thi công, như đánh giá trực quan hoặc nổ khoan mìn. Không chỉ nỗ lực tăng ca, hiện các phương án thi công đang phát huy hiệu quả tốt nhất về tiến độ, chất lượng”, anh Tùng nói.

Theo anh Nguyễn Tấn Đông, Giám đốc Điều hành dự án (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả), hơn 500 chuyên gia, kỹ sư, công nhân ở tất cả các bộ phận lãnh đạo, quản lý, đến tư vấn, giám sát và các đơn vị thi công được huy động “trực chiến” tại công trường. Đều đặn mỗi ngày, tại bốn ống hầm Nam - Bắc, ba ca duy trì liên tục, thi công 24/24h. Công trường không nghỉ. “Chúng tôi bố trí để anh em đón Giao thừa ngay ở công trường. Thời khắc này, mọi người tạm nghỉ ít phút, cùng chung nhau tấm bánh, ly rượu, chúc nhau năm mới và tiếp tục thi công ngay giờ đầu năm mới”, anh Đông nói.

Anh Lê Quỳnh Mai, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư Đèo Cả cho hay: “Toàn bộ cán bộ, công nhân ăn Tết ở công trường đều được các đơn vị chức năng quan tâm hỗ trợ tinh thần, vật chất. Vừa đảm bảo đời sống, không khí đón Tết cho mọi người, vừa đáp ứng đúng mục tiêu tiến độ thi công. Chúng tôi tự tin, không quá khó để cán mốc và vượt tiến độ 300 m chiều dài hầm ở cả bốn ống hầm những ngày Tết”.

602

Thi công cả đêm ở đại công trình dự án hầm Đèo Cả

Sức trẻ xẻ núi, khoan hầm

Dáng dỏng cao, anh Vũ Tiến Thắng (36 tuổi, kỹ sư hầm 1) - đồng Giám đốc Dự án TVGS hầm Đèo Cả chạy như “con thoi” từ văn phòng đến hiện trường dự án. “Quá trình thi công có nhiều tình huống phát sinh, muốn TVGS tốt, mình phải kịp thời cập nhật tiến độ, đánh giá và đưa ra các biện pháp thi công hiệu quả nhất”, anh Thắng nói.

Tốt nghiệp chuyên ngành Cầu hầm (Đại học Xây dựng), anh Thắng từng về “đầu quân” cho Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT, trước khi qua đơn vị TVGS Nippon Koei. Tích lũy nhiều kinh nghiệm từ đại dự án cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên, cầu Thanh Trì, Nhật Tân, anh Thắng được mời tham gia thiết kế phần kết cấu của dự án hầm Đèo Cả.

Năng động, đầy nhiệt huyết, chàng kỹ sư trẻ này thông thạo từng thông số địa chất, kỹ thuật dự án. Đứng chân trong hàng ngũ các chuyên gia Nhật Bản, Phillippines hàng đầu của đơn vị TVGS dự án, anh Thắng được phía Nhật Bản tin tưởng giao trọng trách là người Việt Nam có vị trí cao nhất của Nippon Koei tại công trường. “Trọng trách lớn, đòi hỏi mình nỗ lực rất nhiều vì tập thể, mục tiêu chung của dự án. Điều tự hào nhất khi được góp sức mình cho sự thành công dự án, nhất là hiệu quả dự án lúc công trình hoàn thành”, anh Thắng bộc bạch.

Nhìn từng mét hầm mỗi ngày được xẻ núi, khoan sâu hơn, trợ lý kỹ sư thường trú (TVGS) Nguyễn Đức Toản thêm tự tin. Sau vẻ tưởng chừng kiệm lời, anh Toản thao thao nói về dự án đầy nhiệt huyết, thỉnh thoảng pha chút thơ ca dí dỏm. Con đầu lòng sinh năm 2002, được anh gọi bằng cái tên “lạ” ở nhà Hàn Hương Lăng mang nhiều địa danh sông Hàn (Đà Nẵng), Lăng Cô (Huế) đánh dấu giai đoạn trực tiếp tham gia TVGS tại dự án hầm Hải Vân (năm 2001-2004).

Theo đuổi chuyên ngành cầu đường, anh Toản tốt nghiệp thạc sĩ và đang tiếp tục làm nghiên cứu sinh tại Hà Nội. “Lĩnh vực cầu đường đòi hỏi sự cập nhật liên tục các tiến bộ khoa học công nghệ, phương pháp thi công hiện đại”, anh Toản nói và cho biết, lĩnh vực thi công hầm nước ta có bước trưởng thành đáng kể từ sau Thủy điện Hòa Bình, đến hầm đèo Hải Vân, tiếp đó đèo Ngang, đặc biệt với đại dự án hầm Đèo Cả.

“Bàn tay” của người Việt in dấu ấn ở hầu hết các hạng mục dự án, đặc biệt lĩnh vực thi công. Đáng ghi nhận, trên toàn công trường bóng dáng người trẻ làm chủ công nghệ, kỹ thuật thi công chiếm phần lớn. Sức trẻ và tinh thần Việt đánh dấu sự trưởng thành rõ rệt, với từng bước đi tiến độ bền vững của công trình.

34 tuổi, quê Thanh Hóa chuyên xây dựng công trường, anh Trần Đại Xuân được giao chức vụ Phó giám đốc Điều hành dự án (Công ty CP Đầu tư Đèo Cả). Đảm trách phần việc GPMB, tái định cư, đốc thúc thi công với khối lượng GPMB lên đến cả nghìn trường hợp, nhưng anh Xuân ghi nhiều dấu ấn cùng ngành chức năng nỗ lực thông thoáng mặt bằng hiệu quả.

Ông Hidefumi EZAWA, Giám đốc dự án của TVGS cũng nhận định: “Họ trẻ có thể kinh nghiệm chưa nhiều nhưng lại là ưu điểm khi không bị theo “lối mòn” để dễ dàng học hỏi, nắm bắt các phương pháp, kỹ năng thực tế. Trẻ nhưng năng động, giỏi”.

img

Dự án hầm đường bộ Đèo Cả: Thông phần hầm xuyên đèo Cổ Mã

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.