Thị trường

Giao thương với Trung Quốc có suy giảm?

02/07/2014, 07:12

Theo xác minh của Báo Giao thông, đến hôm qua (1/7), hoạt động giao thương tại các cửa khẩu chính giữa Việt Nam - Trung Quốc vẫn diễn ra bình thường.

Đoàn xe tải chở nông sản xuất khẩu sang phía Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai
Đoàn xe tải chở nông sản xuất khẩu sang phía Trung Quốc qua cửa khẩu Lào Cai


Giảm nhẹ do tâm lý và sức mua


Đã bước vào chính vụ hè cả tháng nay nhưng thị trường vải bán buôn tại Ninh Hiệp, Gia Lâm năm nay trầm lắng hẳn. Chị Thúy chủ cửa hàng Thu Thúy cho biết, trước đây trung bình mỗi tháng chị đi Trung Quốc lấy hàng một lần, nhưng hai tháng nay vẫn “chưa ra khỏi nhà”, phần vì năm nay sức mua chậm, phần khác cũng thấy e dè trước tình hình căng thẳng trên biển Đông. Chị Ngân Hà, một tiểu thương khác tại chợ cho hay, việc chuyển hàng qua biên giới cơ bản vẫn thuận lợi, song lượng hàng chị nhập thời gian vừa qua cũng giảm 20 - 30%. Chị Hà giải thích: “Lâu nay tôi vẫn được thanh toán chậm tỷ lệ 40 - 50% giá trị đơn hàng. Song vài tháng nay, phía bạn hàng Trung Quốc yêu cầu đơn hàng nào giao phải thanh toán dứt tới đó, nên phải giảm lượng nhập, bởi xoay xở vốn liếng giờ cũng khó khăn lắm”. 


Tâm lý e dè, thận trọng trong giao thương là tâm lý khá phổ biến của tiểu thương, và đây là nguyên nhân chính khiến cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc có chững lại đôi chút, dù trên thực tế, hoạt động tại hầu hết cửa khẩu giữa hai nước vẫn bình thường. Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Móng Cái Đào Bá Chung cho biết, hoạt động giao thương qua các cửa khẩu tại Móng Cái cơ bản không có gì thay đổi. Kim ngạch xuất nhập khẩu tháng 6 tại Móng Cái có giảm nhẹ, song không đáng kể. 


Tại Lạng Sơn, Cục trưởng Cục Hải quan Lạng Sơn Hoàng Khánh Hòa khẳng định, các cửa khẩu như Hữu Nghị, Tân Thanh vẫn hoạt động bình thường, hàng hóa thông quan nhanh chóng. “Thời điểm hiện nay đang vào chính vụ vải thiều, với hàng trăm xe cộng với nhiều mặt hàng nông sản khác xuất sang Trung Quốc mỗi ngày, song không xảy ra tình trạng ùn tắc tại cửa khẩu, cho thấy kết nối giữa các thương nhân hai nước vẫn nhịp nhàng”, ông Hòa nói. 


Tương tự, theo Cục trưởng Cục Hải quan Lào Cai Nguyễn Khánh Quang, hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn Lào Cai vẫn thông suốt. “Kim ngạch xuất nhập khẩu trên địa bàn trong tháng 6 giảm chừng 2%, chủ yếu do yếu tố tâm lý”, ông Quang nhận xét. 

Nhu cầu vẫn lớn


Cũng theo ông Quang, thời điểm hiện tại, phía Trung Quốc chưa có tuyên bố chính thức nào về việc tăng cường giám sát hay dừng một số cửa khẩu tiểu ngạch liên quan đến địa bàn Lào Cai. Trong khi đó, những mặt hàng xuất - nhập khẩu qua Lào Cai đều rơi vào nhóm mặt hàng thiết yếu, nên mức độ tác động do yếu tố tâm lý không lớn. Cụ thể, hàng nhập qua Lào Cai chủ yếu là hoa quả, phân bón, máy móc, thiết bị, hóa chất... phục vụ sản xuất nông nghiệp, do vậy nhu cầu thường xuyên và đều đặn. Mặt hàng xuất, chủ yếu là gạo, nông sản, trong đó một lượng rất lớn phục vụ trực tiếp cho tỉnh Vân Nam - tỉnh biên giới giáp ranh Lào Cai. Ông Quang cho biết: “Tỉnh Vân Nam không trồng lúa, do vậy chỉ riêng nhu cầu lúa gạo nhập từ Việt Nam rất lớn, năm 2013 xấp xỉ 1 triệu tấn và 6 tháng đầu năm nay xuất khẩu gạo tiếp tục ổn định. Tương tự, các mặt hàng nông sản qua đây, có hàng là đi hết, bởi nhu cầu thị trường phía bạn vẫn rất lớn”. 


Theo ông Nguyễn Minh Chiến, một đại lý xuất khẩu tinh bột sắn tại cửa khẩu Móng Cái, tháng 6 đang là thời điểm giao vụ, bột sắn hết mùa, nên lượng xuất khẩu có giảm. Song, đến thời điểm này, các đối tác phía Trung Quốc vẫn chưa có trao đổi, điều chỉnh gì về điều kiện, giá cả, nhu cầu... đối với mặt hàng này. Chị Đào Thị Hằng, một hộ nông dân trồng vải tại Thanh Hà, Hải Dương thông tin, vừa qua, vải được thị trường phía Nam đón nhận tích cực, nên người trồng vải cũng bớt được mối lo phải bán tống bán tháo.


“Tính tổng thể, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Trung Quốc có giảm một chút, song không nhiều”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết. Mặc dù vậy, Tổng cục Hải quan cũng đã chuẩn bị các kịch bản nhằm đảm bảo hoàn thành kế hoạch thu thuế năm 2014. Tại cuộc họp mới đây, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát cũng đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với các bộ, ngành làm việc với các nước, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp để mở rộng thị trường xuất khẩu nhằm hạn chế thấp nhất những tác động đến người nông dân trong trường hợp giao thương Việt Nam - Trung Quốc bị chậm lại. 

Thảo Nguyên


TPHCM: Tiêu thụ vải thiều tăng mạnh


Sau khi UBND TP HCM kêu gọi các chợ, siêu thị trên địa bàn TP ưu tiên tiếp nhận mặt hàng vải thiều thì sản lượng tiêu thụ tăng gấp 4 lần, từ khoảng 300 tấn/đêm lên trên 1.300 tấn/đêm. 


Vào 22 giờ đêm 30/6, chúng tôi có mặt tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, một trong những chợ đầu mối lớn nhất cả nước mới thấy lượng hàng vải thiều đổ về chợ rất lớn. Theo quan sát của chúng tôi có 15 sạp kinh doanh vải thiều hoạt động tấp nập, vài chục container vải thiều dồn dập được chuyển xuống cho các chủ vựa. Chị Hạnh chủ vựa vải thiều Thanh Hải chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức cho biết: “Sau khi Trung Quốc giảm thu mua, lượng vải ở miền Bắc được chuyển vào phía Nam nhiều hơn. Trung bình một đêm vựa của tôi tiêu thụ khoảng 2 xe vải, mỗi xe tầm 13-15 tấn. Năm nay sản lượng bán vải tăng hơn”.


Ông Hồ Phước Hải - Giám đốc Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ đầu mối nông sản thực phẩm Bình Điền cho biết, sau khi Ban quản lý chợ vận động thì đã có khoảng 10 thương nhân tham gia kinh doanh tiêu thụ vải thiều. Trung bình mỗi đêm chợ tiêu thụ khoảng 50-60 tấn vải nhưng đến nay lên tới 100 tấn/đêm.

 

Đỗ Loan  


 

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.