Hạ tầng

Giao TP.HCM nghiên cứu tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

10/06/2021, 10:52

Bộ GTVT vừa có văn bản đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu phương án hướng tuyến dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành.

img

Bộ GTVT kiến nghị UBND TP.HCM thống nhất phương án hướng tuyến dự án TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành

Cao tốc đoạn TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành thuộc quy hoạch chi tiết đường Hồ Chí Minh có điểm đầu tại Ngã tư Bình Phước, TP.HCM và điểm cuối giao với đường Hồ Chí Minh tại khu vực thị trấn Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.

Tổng chiều dài khoảng 69 km, đi qua địa bàn các tỉnh gồm TP.HCM dài 2km, tỉnh Bình Dương dài 60km, tỉnh Bình Phước dài 7km.

Về phương án hướng tuyến đoạn qua TP.HCM, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu, thống nhất các nội dung như sau:

Phương án 1: từ nút giao Gò Dưa (Km 0+00) tuyến đi dọc theo tỉnh lộ 43 (thuộc TP. Thủ Đức) khoảng 800m, rồi rẽ phải theo ĐT.743B. Phạm vi điều chỉnh quy hoạch khoảng 900m dọc theo tuyến, gồm 400m là mở đường mới và 500m mở rộng đường Bình Chiểu từ 30m lên 60m.

Phương án 2: Điểm đầu giao với đường Xuyên Á tại giao lộ ngã tư Gò Dưa, đi theo tỉnh lộ 43 khoảng 2,2km (đến hết địa phận TP.HCM) rồi rẽ phải để kết nối với ĐT.743B.

Với phương án tuyến này, trên địa phận TP. Thuận An cần điều chỉnh quy hoạch trên chiều dài tuyến khoảng 2,5km và tuyến cắt một phần vào khu công nghiệp Đồng An, đặc biệt là tuyến cắt qua trường quân sự quân đoàn 4.

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM phối hợp với UBND tỉnh Bình Phước triển khai ý kiến chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng Chính phủ.

Dự án cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (BOT, xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Tổng kinh phí khoảng 36.000 tỉ đồng, vốn nhà nước tham gia dự kiến chiếm 47% (tương đương 17.000 tỉ đồng), nhà đầu tư bỏ vốn 19.000 tỉ đồng. Dự kiến khởi công trong giai đoạn 2021 - 2025 và hoàn thành sau năm 2025.

Tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành là tuyến huyết mạch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế liên vùng. Dự án sau khi hoàn thành sẽ rút ngắn kết nối giao thông giữa các tỉnh Bình Dương, Bình Phước với TP.HCM, tạo động lực cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.