Hồ sơ tài liệu

Giao tranh miền Đông Ukraine, phép thử cho quan hệ Nga-Mỹ

06/02/2017, 08:20

Giao tranh đẫm máu tại miền Đông Ukraine tuần qua được coi như phép thử đầu tiên đối với quan hệ Nga - Mỹ.

3d

Nhà cửa đổ nát vì giao tranh tại Donetsk, miền Đông Ukraine.

Giao tranh đẫm máu tại miền Đông Ukraine tuần qua được coi như phép thử đầu tiên đối với quan hệ Nga - Mỹ, vốn được hy vọng sẽ cải thiện dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Đẫm máu thương vong

Tuần qua, miền Đông Ukraine lại rền tiếng bom đạn giao tranh giữa các lực lượng Chính phủ và phe ly khai khiến ít nhất 33 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương, theo AFP. Reuters đưa tin có hơn 40 người thiệt mạng. Trong đó, chỉ huy cấp cao Oleg Anashchenko của lực lượng quân sự phe ly khai tại vùng Luhansk cùng 1 người khác thiệt mạng khi chiếc ô tô chở cả hai phát nổ trong một cuộc giao tranh – hãng tin AFP dẫn lời phe ly khai cho biết ngày 5/2.

Con số thương vong nói trên đánh dấu số người thiệt mạng nhiều nhất từ năm 2015 đến nay tại khu vực miền Đông Ukraine, bất chấp thoả thuận hòa bình mà Pháp và Đức làm trung gian có hiệu lực từ tháng 2/2015.

Xem thêm video:

Thị trấn Avdiivka thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ nằm ngay gần thành phố Donetsk mà phe ly khai chiếm giữ là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc xung đột. Mặc dù một lệnh ngừng bắn tạm thời được đưa ra để hai bên khôi phục nguồn điện khi bom đạn tạm ngớt vào ban ngày nhưng các lực lượng lại tăng cường dội bom vào ban đêm. Cảnh mưa bom, bão đạn diễn ra hàng ngày khiến 35.000 người dân địa phương tại thị trấn công nghiệp này hoảng loạn và sợ hãi.

“Tôi không thể tin thảm cảnh này lại diễn ra. Tôi phải ngủ trong phòng tắm. Họ có thể sẽ giết chết tôi ngay trong căn phòng này”, bà Liliana Nikolaina, 72 tuổi lo sợ.

“Đây là năm thứ 4 của cuộc chiến. Cả hai bên đều là người Ukraine, đều sống vì một Ukraine thống nhất. Chúng tôi chỉ muốn cuộc chiến dừng lại. Hãy nói với ông Poroshenko (Tổng thống Ukraine) để tìm cách chấm dứt chuyện này”, một người cho biết tên là Vera, 56 tuổi nói rồi bật khóc.

Nhiều tổ chức trên thế giới lên tiếng chỉ trích những cuộc giao tranh đẫm máu. “Thật không thể chấp nhận! Các bên phải dừng giao chiến ngay lập tức”, Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) chỉ trích qua thông báo trên trang Facebook chính thức. Ông Alexander Hug, Phó giám đốc Phái bộ giám sát đặc biệt của OSCE cho biết: “Chúng tôi chứng kiến cả hai bên đều vi phạm lệnh ngừng bắn”. Tuy nhiên, hiện nay, cả hai bên đều đổ lỗi cho nhau gây chiến.

Phép thử quan hệ Nga-Mỹ

Trước tình hình trên, ngày 5/2, theo giờ VN, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đây là lần liên lạc trực tiếp đầu tiên giữa hai lãnh đạo kể từ khi ông Trump nhậm chức. Sau cuộc điện đàm, Nhà Trắng ra thông báo cho biết, “Mỹ sẵn sàng hợp tác với Ukraine, Nga và tất cả các bên khác liên quan để khôi phục hòa bình”.

Văn phòng Tổng thống Poroshenko cho biết, cuộc điện đàm với ông Trump đặc biệt chú trọng tới vấn đề “giải quyết tình hình tại miền Đông Ukraine (bao gồm Donetsk và Luhansk) và tiến tới hòa bình thông qua phương thức ngoại giao và chính trị”. “Cả hai bên đã bàn về việc tăng cường quan hệ chiến lược giữa Ukraine và Mỹ”, thông báo cho biết thêm.

Cả thế giới đang theo dõi sát sao động thái của ông Trump trong cuộc xung đột tại miền Đông Ukraine bởi khác với người tiền nhiệm Barack Obama, ông Trump luôn tỏ ra muốn xây dựng quan hệ gần gũi với Nga. Những phản ứng và động thái của ông Trump trong diễn biến tại miền Đông Ukraine lần này sẽ là căn cứ để xác định Mỹ có thể hợp tác với Nga trong tương lai hay không.

Trong cuộc phỏng vấn ngày 4/2 với FoxNew, ông Trump khẳng định, “ông Putin là lãnh đạo nước Nga và việc hợp tác với Nga sẽ tốt hơn là không. Nếu Nga giúp chúng ta trong cuộc chiến chống khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) – cuộc chiến quan trọng, chủ nghĩa khủng bố sẽ kết thúc trên toàn thế giới, đó là điều rất tốt”, ông Trump nói. Nhưng, ông bỏ ngỏ: “Liệu tôi có hợp với ông Putin không? Tôi không biết, rất có khả năng tôi sẽ không”.

Hiện nay, Mỹ vẫn đang rất thận trọng trong từng lời nói, hành động khi phản ứng trước vụ xung đột tại miền Đông Ukraine. Thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ về xung đột được chau chuốt cẩn trọng và tránh nhắc đến Nga, điểm vô cùng khác biệt so với chính quyền Mỹ trước thường nhắm vào Nga để chỉ trích mỗi khi xảy ra giao tranh tại khu vực này. Đồng thời, Bộ Ngoại giao tái khẳng định việc Washington ủng hộ thỏa thuận hòa bình Minsk để chấm dứt nội chiến.

Về phần mình, lâu nay, Nga luôn phản bác mọi cáo buộc Moscow hỗ trợ phe ly khai miền Đông Ukraine trong cuộc nội chiến đẫm máu của nước này. Về tình hình xung đột mới bùng phát, Tổng thống Nga Vladimir Putin cáo buộc Chính phủ Ukraine khơi mào xung đột và cho rằng, đây là âm mưu để giành sự ủng hộ của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.