Đời sống

Giật mình với giỏ quà Tết siêu rẻ

18/01/2021, 06:21

So với giỏ quà bánh kẹo Tết thông thường, giỏ quà hàng nhái có giá rẻ hơn một nửa mà bề ngoài “sang chảnh” không kém.

img

Hàng loạt sản phẩm nhái siêu rẻ dùng để đưa vào gói quà Tết

Người bán còn nói với khách quen: “Mã đẹp thôi, muốn ăn thì mua hàng khác”…

Hoa mắt với bánh kẹo “nhái”

Tại một cửa hàng tạp hóa tấp nập người mua trên đường liên xã huyện Hoài Đức (Hà Nội), một giỏ quà Tết bắt mắt với đủ “ngũ phẩm” nặng tay gồm: Rượu, bánh, kẹo, chè, mứt sen chỉ vỏn vẹn 150 nghìn đồng.

Thấy khách ngạc nhiên với giá quá rẻ, chị chủ quán đon đả: “Hàng này đi biếu cho sang thôi em”. Nói rồi, chị chỉ lên kệ chưng bày các mẫu bánh đậu xanh thỏi vàng bóng loáng chỉ có giá từ 15.000 - 90.000 đồng/sản phẩm tùy kích cỡ to nhỏ. “Nói thật, hàng này để thờ cho đẹp chứ không nên ăn”, người bán chia sẻ.

Nhìn lại những giỏ quà Tết siêu rẻ trên, thành phần hầu hết là bánh kẹo “nhái” các hãng nổi tiếng trên thị trường, thậm chí từ mẫu mã, màu sắc tới tên sản phẩm cũng na ná, nhiều khi không phân biệt nổi thật giả.

Chẳng hạn bánh trứng Jippo làm “nhái” theo Tipo; bánh Orio “nhái” thương hiệu OREO; bánh bông lan cuộn Salite nhái theo “Solite”… hay những sản phẩm “nhái” chỉ khác vài chữ như: ChocoPai với Chocopie, Danisa thành Daimisa…

Theo tìm hiểu, các sản phẩm “nhái” các thương hiệu bánh kẹo lớn trên đều được sản xuất tại La Phù (Hoài Đức, Hà Nội). Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn thoáng qua có thể nhầm lẫn với bao bì của các hãng bánh nổi tiếng, thậm chí là được làm giống như hàng nhập ngoại.

Bởi lẽ, trong khi tiếng nước ngoài như Hàn Quốc, Thái Lan... được in rất to và choán hầu hết vỏ hộp thì nhãn tiếng Việt ghi nơi sản xuất lại được thiết kế rất khuất và nhỏ in ở phần đáy, phải căng mắt mới nhìn ra.

Khi xác minh được giá nhập các loại bánh trên mới khiến chúng tôi giật mình, không hiểu sao lại rẻ như vậy! Cụ thể, hộp bánh Daimisa chỉ có giá 13.000 đồng; bánh trứng Jippo 12.000 đồng/hộp; ChocoPai 12.000 đồng/hộp… Các loại bánh khác đồng giá 9.000 đồng/hộp.

Ngoài ra, các loại kẹo hoa quả hay socola “nhái” bắt mắt cũng chỉ có giá từ 13.000 - 24.000 đồng/hộp.

Đáng chú ý, tất cả những hộp bánh “nhái” sau khi bóc, người dùng mới phát hiện, phần ruột bên trong nhẹ hơn phần vỏ. Chẳng hạn, một hộp bánh Daimisa, khối lượng ghi trên bao bì là 800gram nhưng bên trong chỉ có 1 túi bánh khoảng 300gram!

Covid-19 khiến hàng rẻ lên ngôi

Lần theo địa chỉ trên các hộp bánh kẹo “nhái”, chúng tôi có mặt tại La Phù - công xưởng “khủng” chuyên sản xuất bánh kẹo của miền Bắc. Thời gian cận Tết, nơi đây luôn tấp nập ô tô chở hàng nối đuôi vào ra.

Tại một kho xưởng sản xuất bánh trứng chỉ khoảng 200m2, hàng dãy máy móc thô sơ nằm bên cạnh vô số loại bột, hóa chất không rõ nguồn gốc, nhãn mác. Các gói bánh được đổ thành từng đống cao trên sàn, hàng chục thợ thoăn thoắt xếp vào hộp.

Khi ngỏ lời muốn làm đại lý phân phối, ngay lập tức những người lạ như chúng tôi bị từ chối. “Muốn trở thành cơ sở phân phối phải làm luật và được người quen giới thiệu. Sau thời gian đảm bảo doanh số mới được nhận đơn hàng tiếp theo”, người chủ tại đây cho biết.

Chuyển sang một xưởng kẹo cách đó không xa, người chủ cũng cho biết, muốn lấy hàng phải đặt trước rằm tháng Chạp, sau đó sẽ không nhận thêm bất cứ đơn hàng nào.

Chìa hộp kẹo hoa quả chào hàng, người này tự hào khoe: “Nhìn giống kẹo Tràng An không? Hàng của chị có kém gì đâu mà còn chất lượng hơn nhé, giá chỉ chỉ 13.000 đồng/hộp thôi. Kẹo cứng này đóng giỏ quà thì quá đẹp rồi”.

Các chủ xưởng tại La Phù cho hay, chính nhờ dịch Covid-19, hàng nhái, hàng rẻ lại “lên ngôi” trong vụ Tết năm nay.

“Dịch bệnh nên hàng giá rẻ lại bán được thế nó mới hay. Trong Nam ngoài Bắc có hết, nhà nào cũng cháy hàng”, một chủ xưởng nói và lý giải: “Dịch bệnh nên giá nhiều loại bánh kẹo nhập tăng cao. Các cơ sở trong nước cũng sợ dịch nên sản xuất cầm chừng. Do đó, hàng rẻ đóng giỏ quà Tết là lựa chọn khôn khéo khi túi tiền của người dân bị thắt lại”.

Nhận định về sản phẩm bánh kẹo “nhái”, luật sư Bùi Quang Hưng (Văn phòng Luật sư BQH và Cộng sự) cho biết: “Việc sử dụng nhãn hiệu na ná, gần giống hoặc có ký tự chữ viết tương tự với sản phẩm đang thịnh hành trên thị trường khiến người tiêu dùng hiểu nhầm, chính là hành xi xâm phạm quyền của chủ sở hữu nhãn hiệu đó.

Theo Luật Sở hữu trí tuệ, tùy theo hành vi, tính chất đối tượng vi phạm, mức phạt từ 100 nghìn đồng đến 70 triệu đồng đối với hành vi buôn bán hàng giả; từ 200 nghìn đồng tới 100 triệu đồng đối với hành vi sản xuất hàng giả”.

Cũng theo ông Hưng, hành vi làm nhái thương hiệu, không chỉ gây ảnh hưởng tới các DN sản xuất mà còn ảnh hưởng trực tiếp quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

“Nếu sản phẩm gây ảnh hưởng tới sức khỏe con người, sẽ bị xử lý theo quy định của Luật An toàn thực phẩm. Thậm chí nếu gây hậu quả nghiêm trọng có thể khởi tố hình sự”, luật sư Hưng nhấn mạnh.

Đồng loạt ra quân ngăn chặn hàng nhái, hàng rởm dịp Tết

Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa có văn bản yêu cầu các cơ quan y tế địa phương tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; phối hợp liên ngành trong kiểm soát việc sản xuất, kinh doanh hàng giả.

Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cũng đã yêu cầu Ban chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố bảo đảm các sở, ngành, lực lượng chức năng cung cấp đủ nguồn hàng tiêu dùng đạt chất lượng cho nhân dân; tăng cường công tác xử lý hành vi sản xuất, buôn bán hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng và các hành vi vi phạm về niêm yết giá…

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.