Giao thông

Giàu lên từ biển

22/02/2015, 13:05

Cơ quan quản lý Nhà nước sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân làm giầu từ biển.

541
Cục trưởng Hàng hải VN Nguyễn Nhật

Vào thẳng“danh sách trắng”

Thưa ông, năm qua tin vui nào lớn nhất trong nỗ lực đồng hành cùng doanh nghiệp (DN) vượt khó của các cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải?

Tin vui đến vào những ngày cuối năm, kết quả được xem xét vào ngày 31/12/2014 của Tokyo MOU cho thấy, cả năm 2014, tàu biển Việt Nam (VN) bị lưu giữ tại cảng biển nước ngoài chỉ còn 3,49%. Không những thoát khỏi “Danh sách đen” mà còn bỏ qua “danh sách xám” đầy ám ảnh suốt hơn 10 năm qua, đội tàu biển VN vào thẳng “Danh sách trắng” - đội tàu biển quốc gia có độ an toàn cao.

Khi được xếp vào thứ hạng cao trong “Danh sách trắng” của Tokyo MOU, tàu treo cờ VN sau một năm, thậm chí một năm rưỡi hoặc hai năm, mới bị chính quyền các cảng quốc tế kiểm tra một lần thay vì hai tháng, có khi một tháng/lần như trước đây. Các chủ tàu, đại lý khi ký kết hợp đồng, khi vận tải qua các cảng quốc tế, vì thế thuận lợi hơn rất nhiều.

Để có được kết quả này, là do có sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ trưởng Đinh La Thăng với hàng loạt các giải pháp tổng thể đã được các cơ quan Nhà nước cùng với DN phối hợp thực hiện. Đặc biệt, việc kiểm soát tàu rời cảng được thực hiện nghiêm ngặt. 100% tàu từng bị lưu giữ đã được kiểm tra kiểm soát trước khi rời cảng VN đi nước ngoài. Các tàu chưa bị lưu giữ cũng được kiểm tra, nếu trong vòng hai tháng chưa được kiểm tra bởi một cảng vụ hàng hải nào. Trong năm 2014, 25 cảng vụ Hàng hải đã thực hiện kiểm tra 822 lượt tàu biển VN hoạt động tuyến quốc tế, phát hiện 743 lượt tàu có khiếm khuyết với tổng số 9.309 khiếm khuyết, yêu cầu khắc phục.

Trước đây, cảng vụ phải ráo riết xuống tàu kiểm tra trong sự khó chịu của các chủ tàu, thì nay chủ tàu chủ động đề nghị được cảng vụ bố trí xuống kiểm tra để có thể yên tâm vượt biển làm ăn.

542

Tàu biển Việt Nam đã thoát khỏi việc bị kiểm tra gắt gao như trước đây - Ảnh: Võ Thái Bình

Tuyến vận tải biển mới Bắc - Nam hoạt động hiệu quả

Với đội tàu chạy trong nước, tuyến vận tải biển mới chạy suốt từ Bắc đến Nam được Bộ GTVT đưa vào hoạt động từ giữa năm 2014 đã có tác động thế nào đến DN vận tải biển, thưa ông?

Ngay khi tuyến vận tải mới được khai trương trên biển, chạy suốt Bắc - Nam đã lập tức được các DN vận tải biển chào đón. Thực ra trước đây, tuy chưa được công nhận chính thức và hàng hóa chưa nhiều, song nhu cầu đã có. Chủ trương mở tuyến vận tải biển mới chạy ven biển Bắc - Nam, tăng năng lực vận tải đường biển để giảm tải cho đường bộ là một chủ trương hợp lòng dân, đã giúp giải quyết nhu cầu chính đáng của DN vận tải biển nhiều chục năm nay.

Số tàu SB chạy ven biển tới đây sẽ tiếp tục tăng nhanh. Hiện có 250 tàu trọng tải từ 500 - 5.000 tấn đang hoạt động trên các tuyến ven biển. Tính từ tháng 7 - 11/2014, lượng hàng tàu SB vận chuyển trong khu vực từ Quảng Ninh đến Thừa Thiên - Huế đạt gần 700 nghìn tấn với khoảng 500 lượt tàu.

Trong bối cảnh kinh doanh vận tải biển còn nhiều khó khăn, Cục Hàng hải VN đã triển khai triệt để chỉ đạo của Bộ GTVT, hạn chế tàu nước ngoài vận tải nội địa. Hiện, đội tàu VN đảm nhận gần như 100% lượng hàng nội địa đường biển. Riêng tàu container, sau hơn một năm thực hiện chính sách trên, số lượng tàu vận tải nội địa đã tăng từ 19 lên trên 30 tàu. 

Hiện nay, vận tải đường biển mới đảm nhiệm 20% thị phần hàng hóa vận chuyển trong nước, tiềm năng còn rất lớn. Phát huy lợi thế của vận tải khối lượng lớn, giá cước thấp, vận chuyển hàng đi xa, tăng trưởng sản lượng vận tải của đội tàu biển VN sẽ tiếp tục có những bứt phá lớn hơn nữa.

Hội nhập sâu hơn với hàng hải quốc tế

Hàng hải là ngành tham gia sớm nhất vào cơ chế một cửa quốc gia, trước mắt cung cấp các thủ tục cho tàu biển nhập cảnh, xuất cảnh và quá cảnh. Điều này có ý nghĩa như thế nào, thưa ông?

Việc kết nối này nhằm hiện đại hóa hoạt động XNK trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, tạo thuận lợi thương mại cho DN, đồng thời đẩy mạnh và cụ thể hóa cải cách hành chính theo Đề án 30 của Chính phủ.

Trong phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ GTVT, Hàng hải đi đầu kết nối 3/11 thủ tục hành chính thuộc bốn lĩnh vực toàn ngành với Cổng thông tin điện tử quốc gia.

Thủ tục cho tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh là ba thủ tục cơ bản nhất, là mấu chốt để thực hiện kế hoạch đã cam kết với các nước trong khu vực ASEAN. Doanh nghiệp chỉ cần gửi thông tin lên Cổng thông tin điện tử và nhận kết quả xử lý từ đầu mối duy nhất này. Khi đó, DN xuất nhập khẩu sẽ mất ít nhất thời gian, chi phí cho việc làm thủ tục thông quan. Và khi đã làm tờ thủ tục một lần ở cơ quan hải quan của nước này, sẽ được miễn làm thủ tục ở các nước còn lại có kết nối thông quan điện tử với nhau.

Sau khi thực hiện thí điểm ở cảng Hải Phòng cho ba DN có lượng hàng hóa tương đối lớn và có tính chất đặc thù, trong quý I/2015 Cục Hàng hải VN sẽ tiếp tục triển khai rộng cả ba khu vực Hải Phòng, Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh cho 50 doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Tới tháng 6/2015 sẽ triển khai tại tất cả 25 cửa khẩu cảng biển cho tất cả các doanh nghiệp có đăng ký tham gia. Sau này, việc đăng ký thông quan qua Cổng thông tin điện tử sẽ là bắt buộc với tất cả các doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Theo Công ước tạo điều kiện thuận lợi hàng hải mà VN ký cam kết với các nước ASEAN, có trên 15 thủ tục tất cả. Chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện cam kết theo đúng tiến độ.

Theo ông, để tiếp tục hỗ trợ người dân và DN làm kinh tế biển, những việc trước hết phải làm trong kế hoạch tới đây của cơ quan quản lý Nhà nước về hàng hải là gì?

Việc hoàn thiện hệ thống văn bản về hàng hải là rất cần thiết. Trọng tâm năm 2015 này là hoàn thiện Bộ luật Hàng hải để trình Quốc hội phê chuẩn vào kỳ họp tháng 10/2015. Cùng đó, Cục tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm bớt và bãi bỏ các thủ tục rườm rà không cần thiết, nâng lên cấp độ IV - cấp độ cao nhất, toàn bộ các dịch vụ công của Cục được thực hiện trực tuyến, giúp giảm chi phí, giảm thời gian đi lại cho DN và minh bạch hóa hành chính công.

Tăng trưởng của khối cảng và tỉ trọng đảm nhiệm của vận tải đường biển chưa cao; Đào tạo thuyền viên chất lượng còn thấp hơn đòi hỏi của thị trường quốc tế; Thiếu các nguồn vốn xã hội hóa để đầu tư mới và duy tu hệ thống cơ sở hạ tầng hàng hải; Đầu tư hệ thống phao tiêu biển báo cho các tuyến vận tải từ bờ ra đảo; Xử lý các hãng tàu nước ngoài tăng phí tùy tiện với hàng xuất khẩu của VN; Tăng cường năng lực cơ sở vật chất cho công tác tìm kiếm cứu nạn hàng hải… là những nội dung quản lý Nhà nước về hàng hải cần phải đặc biệt quan tâm, để giải quyết những đòi hỏi của người dân, của DN và phát huy tiềm năng của kinh tế biển.

Cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.