Chuyện dọc đường

Giàu lên vì đất, nghèo đi vì đất

04/05/2022, 21:48

Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất.

Cùng với nhiều nội dung quan trọng khác, Hội nghị Trung ương 5 (diễn ra từ ngày 4- 10/5) sẽ xem xét, cho ý kiến về việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai (Nghị quyết 19).

Phát biểu khai mạc Hội nghị, đề cập đến vấn đề đất đai, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất... Không phải ngẫu nhiên mà trong thời gian qua có tới hơn 70% số vụ tố cáo, khiếu nại thuộc về lĩnh vực đất đai”.

img

Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII khai mạc sáng ngày 4/5 tại Thủ đô Hà Nội.

Lời nhận xét, đánh giá, cũng là một lời nhắc nhở của người đứng đầu Đảng, dù ngắn gọn nhưng cũng đủ để khái quát được thực trạng quản lý và sử dụng đất đai ở nước ta hiện nay.

Từ trước đến nay, đất đai luôn là vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, liên quan đến mọi mặt của đời sống kinh tế và xã hội, mọi người dân. Các chủ trương, chính sách pháp luật về đất đai trong bất kỳ thời điểm nào cũng luôn được quan tâm đặc biệt.

Luật Đất đai năm 2013 được ban hành và có hiệu lực từ ngày 1/7/2014. Để tổ chức thi hành, đến nay đã có 25 nghị định, 59 thông tư, thông tư liên tịch được ban hành để hướng dẫn triển khai, tạo sự chuyển biến tích cực trong công tác quản lý và sử dụng đất đai.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, thực tiễn cũng đã bộc lộ một số mâu thuẫn, chồng chéo giữa pháp luật về đất đai với các luật khác, quy định khác.

Những mâu thuẫn, chồng chéo nói trên đã được các chuyên gia, nhà quản lý chỉ ra trong quá trình tổng kết thi hành Luật Đất đai 2013, từ vấn đề khung giá đất, giao đất các dự án, đấu giá tài sản công (đất đai)… cho đến thu hồi đất, hoán đổi đất khi Nhà nước thu hồi…

Những vướng mắc này khiến nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Tại nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp.

Đất đai, một nguồn lực vô cùng quý giá thay vì được đưa vào sản xuất, hoạt động thương mại dịch vụ, tạo ra công ăn việc làm thì lại bị bỏ hoang hoá nhiều năm hoặc chia lô bán nền, đem lại lợi nhuận cho một vài cá nhân hoặc một nhóm. Những người này thuộc nhóm những người “giàu lên nhờ đất”.

Trong khi đó, việc xác định giá đất cụ thể để tính tiền bồi thường một số nơi chưa phù hợp với giá thị trường, mất nhiều thời gian GPMB, ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của nhà đầu tư khi tiến độ dự án bị kéo dài.

Phần lớn các địa phương thực hiện việc hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề bằng tiền một lần cho người có đất nông nghiệp bị thu hồi mà chưa quan tâm giải quyết sinh kế lâu dài cho họ. Bởi thế, có rất nhiều người “nghèo đi vì đất”.

Thực tế cũng cho thấy, tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi khiến số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc lĩnh vực này vẫn rất phức tạp.

Việc hàng loạt quan chức cỡ chủ tịch, phó chủ tịch cấp tỉnh, bộ trưởng, thứ trưởng, tướng lĩnh bị kỷ luật, xử án tù trong vài năm qua đã cho thấy rõ điều này.

Cũng vì các quy định chưa đầy đủ, rõ ràng, còn kẽ hở nên thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững, tiềm ẩn nhiều rủi ro... Những vụ đấu giá đất gây nhũng nhiễu thị trường hay đầu cơ thổi giá, tạo ra những “cơn sốt” không điểm dừng thời gian qua là ví dụ điển hình…

Bởi vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khoá XI về đất đai lần này được kỳ vọng và trông chờ rất nhiều.

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XIII sẽ là định hướng lớn để thống nhất về nhận thức và hành động, tiếp tục thể chế hoá, hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai, sát hợp với thực tế, có tầm nhìn dài hạn.

Đây cũng là cơ sở chính trị quan trọng để dự án sửa đổi Luật Đất đai 2013 sớm trình Quốc hội, giải quyết các bất cập đang kìm hãm sự phát triển, giải phóng nguồn lực đất đai- vốn là tư liệu sản xuất cơ bản, tài sản đặc biệt của quốc gia.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.