Thế giới

Giông tố chờ hàng không Anh sau Brexit

29/06/2016, 10:14

Chừng nào Anh còn chưa đàm phán xong để bảo vệ các điều kiện ưu đãi này, hàng không sẽ tiếp tục liêu xiêu.

Hàng không Anh đứng trước nguy cơ lao đao  vì Brex

Thủ tướng Anh David Cameron trong một lần phát biểu trước các nhân viên hãng hàng không Easyjet

Động thái đa số người Anh quyết định "rút chân" khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà nước này vốn là thành viên cứng suốt hàng chục năm được dự đoán sẽ làm đảo lộn nhiều ngành, trong đó có ngành Hàng không.

Các quy định bị đảo lộn

Đầu tiên, Anh không tham gia Hiệp ước Tự do đi lại Schengen nên người dân luôn bị kiểm tra tại điểm nhập cảnh của các nước EU. Họ phải trình hộ chiếu, nhưng không cần phải đóng dấu nhập cảnh. Các chuyên gia cho rằng, sau khi ra khỏi EU, người Anh có thể vào các nước trong khu vực Schengen mà không cần hải quan phải đóng dấu hộ chiếu. Chỉ có điều, tại các điểm nhập cảnh, người Anh sẽ đứng ở hàng dành cho công dân không thuộc EU.

Khi là thành viên của EU, Anh cùng phần còn lại của liên minh ký kết hàng loạt thỏa thuận về hàng không. Do đó, việc tách ra sẽ khiến các thỏa thuận này hỗn loạn. Trong EU, hệ thống quản lý đã dỡ bỏ những rào cản thương mại đối với các hãng hàng không của nước thành viên và các hãng có trụ sở đặt tại châu Âu.

Do vậy, chừng nào Anh còn chưa đàm phán xong để bảo vệ các điều kiện ưu đãi này, hàng không sẽ tiếp tục liêu xiêu. Điển hình, Anh sẽ không còn được hưởng các quyền tự do định giá vé, thoải mái mở tuyến mà không cần xin giấy phép chính quyền trước. Cụ thể hơn, khách hàng đến/đi từ Anh sẽ đối mặt với mức thuế khác và các hãng hàng không Anh mất rất nhiều thời gian mới có thể ra mắt một tuyến bay mới.

Hai thành viên chính Hàng không Anh là EasyJet và Tập đoàn các hãng hàng không Quốc tế (IAG) bị tổn hại nghiêm trọng ngay sau Brexit. Cổ phiếu của EasyJet và IAG đã mất giá tương đương 14,35% và 22,54% tại thị trường London. Kinh tế trưởng tại Cơ quan Cố vấn chuyến bay toàn cầu Peter Morris cho biết, những ngày tháng tươi đẹp đã không còn đối với các hãng hàng không, sân bay hay khách du lịch hàng không Anh.

Thiệt hại nặng về kinh tế

Ngay khi có kết quả Brexit, EasyJet cảnh báo điều này sẽ tổn hại tới ngành Hàng không trong 6 tháng tới. Theo EasyJet, lợi nhuận/ghế sẽ bị giảm ít nhất 5% trong 6 tháng đầu năm tính tới ngày 30/9 so với cùng kỳ năm ngoái.

Ngoài các thỏa thuận trong nội bộ EU, Anh cũng tham gia vào các thỏa thuận giữa EU với các nước đối tác thứ ba (điển hình là thỏa thuận "Bầu trời mở" giữa EU - Mỹ). Do đó, Brexit có tác động tới không chỉ các nước trong khu vực mà sẽ còn liên quan cả với Mỹ, châu Á. Thậm chí, cổ phiếu của American Airlines, hãng hàng không Mỹ có quan hệ đối tác lâu năm Anh quốc bị giảm tới 6,5%, sau thông tin Brexit.

EasyJet cho rằng, chính sách “Bầu trời mở” của EU đã giúp hàng không tăng sức cạnh tranh, trở nên hấp dẫn hơn, làm nở rộ hàng không giá rẻ. Giám đốc điều hành EasyJet Carolyn McCall đánh giá: “Nhờ các quy định này, người dân Anh đã được hưởng giá vé giảm 40% và số tuyến tăng lên 170%”. Nay, khi Anh rút khỏi các thỏa thuận này, Tổ chức Phân tích, cố vấn Oxera (Anh) cho rằng, rào cản vì các thỏa thuận bị dỡ bỏ sẽ khiến giá vé tăng 15 - 30%. Hiệp hội Hàng không Quốc tế (IATA) dự đoán, số lượng hành khách có thể sẽ giảm 3 -5% cho tới năm 2020.

Brexit không ảnh hưởng nhiều tới hàng không VN

Trao đổi với PV Báo Giao thông cuối giờ chiều qua, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không nhận định, sự kiện Anh rời EU là cú sốc lớn đối với nền kinh tế toàn cầu. Ngay cả với những nước không có mối liên hệ nhiều với Anh như Việt Nam cũng sẽ chịu những tác động nhất định.Riêng với hàng không, đến thời điểm này, chưa thể nói rõ việc Anh rời EU sẽ tác động như thế nào, ảnh hưởng ra sao, thị trường có suy giảm hay không.

Tuy nhiên, cũng theo vị này, việc ảnh hưởng nếu có cũng không nhiều. Bởi thực tế, hành khách đi Anh thường không đi các nước châu Âu khác (và ngược lại) do chính sách thị thực nhập cảnh (visa).  Cụ thể, ngay cả khi Anh vẫn ở lại EU thì khách đi Anh muốn vào khu vực Schengen (Schengen là hiệp ước về đi lại tự do do một số nước châu Âu ký kết trong đó có Pháp, Đức, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan, Phần Lan, Đan Mạch, Thuỵ Điển, Na Uy, Ý…) vẫn phải xin visa riêng.

Điều này có nghĩa là các nước trong Schengen xin visa một lần thì được đi tất cả các nước trong hiệp ước, còn visa Anh thì chỉ đi được Anh.Cuối cùng, chuyên gia này cũng cho rằng, trước mắt, việc Anh rời EU sẽ không ảnh hưởng nhiều đến hàng không. “Tất nhiên, nếu Anh thoát EU, đồng tiền Anh có thể mất giá thì ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thương mại, du lịch, thăm thân. Từ đó hàng không cũng có thể ảnh hưởng”, vị này nói và cho biết thêm: Cần thời gian mới có thể có câu trả lời rõ ràng, chính xác.

Thanh Bình

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.