Xã hội

Giữ cội gốc Việt ở xứ người

28/01/2017, 11:50
image

Ngôi nhà ấy là lớp học tiếng Việt dành cho những người lớn tuổi mang quốc tịch Pháp gốc Việt.

1

Lớp học tiếng Việt cho lứa tuổi 7-10 tại số 16 đường Petit Musc (Thủ đô Paris, Pháp)Ảnh: Hội người Việt tại Pháp.

Trong cái lạnh dưới 10OC, những tiếng phát âm chậm rãi từ một ngôi nhà nghiêm ngắn ở số 16 đường Petit Musc, TP Paris đủ khiến cho những người xa quê cảm thấy ấm lòng. Ngôi nhà ấy là lớp học tiếng Việt dành cho những người lớn tuổi mang quốc tịch Pháp gốc Việt.

Buổi học đã mở rộng thành một cuộc thảo luận đầy hào hứng về những món ăn ngày Tết ở quê nhà. Chuyện của những người già học tiếng mẹ đẻ đã gợi cho tôi ý tưởng đi tìm những câu chuyện gìn giữ cái gốc Việt nơi xứ người, trong vỏn vẹn chỉ nửa tháng ở trời Âu...

Tìm về tiếng mẹ đẻ

Ông Didier Hồ Văn mang trong mình hai dòng máu Pháp - Việt. Trước khi xảy ra Thế chiến thứ hai vào năm 1939, cha ông đã từ biệt xứ Đông Dương gia nhập đội quân Lê dương rồi có cơ duyên sang Pháp. Người đàn ông chân lấm tay bùn từ một miền quê nghèo Trung bộ đó đã ở lại, định cư, kết hôn với một người Pháp và có bốn người con. Cho tới khi đã sang bên kia thế giới, chưa một lần cha ông có dịp trở lại nguyên quán của mình. Cuộc trở về đó, chỉ kịp thành điều trăn trối trước khi cha ông nhắm mắt.

Khi những cuốn lịch sử đã lật sang thế kỷ thứ 21, ông Didier Hồ Văn mới thực hiện được mong muốn của cha mình. Tết Canh Dần 2010, trong một nhà thờ họ Hồ ở tỉnh Nghệ An, lần đầu tiên ông thắp hương bái tổ. Cũng lần đầu tiên, ông được ăn chiếc bánh chưng gói ở quê nhà. Nhưng có rất nhiều câu chuyện muốn kể trong cuộc hội ngộ bất ngờ ấy đã không thể thực hiện qua người phiên dịch. Quyết tâm học tiếng Việt của ông Hồ Văn đã nung nấu từ ngày đó. Nó chỉ để thực hiện một mong muốn là: “Nếu được dịp trở lại quê nhà lần nữa thì thoải mái mà nói chuyện với những người anh em, để hiểu hơn về ngày Tết cổ truyền của quê mình”.

Xem thêm video:

Bà Vitrant Marie Thíresè, người có mẹ gốc Việt cũng cứ day dứt mãi rằng: “Nhà có 5 anh, chị em thì chỉ có một mình tôi không biết nói tiếng Việt, cũng vì điều kiện cuộc sống. Nhưng mỗi khi có dịp quây quần, tôi có cảm giác như mình đứng ngoài trong một gia đình người Việt. Đôi lúc cảm thấy tủi thân”. Bà Văn Thi Nguyễn, người đã có nhiều dịp về nước trong vai trò điều hành một công ty du lịch cũng đầy trăn trở: “Tôi luôn nhớ khi còn nhỏ, ba của tôi luôn dạy rằng, chỉ cần trong người có một giọt máu Việt Nam, nghĩa là mình là người Việt Nam. Đó là nguồn cội”.

Hơn 20 học viên trong lớp học ở số 16 đường Petit Musc hôm đó đều thuộc thế hệ thứ hai của gia đình người Việt, sinh ra ở Pháp từ cách đây hơn nửa thế kỷ trước. Tất cả đều có chung mong muốn được nói tiếng mẹ đẻ. Có lẽ vì thế mà khóa học họ tham dự đã được đặt tên là “Về nguồn”. Cô Nguyễn Thị Gái, giáo viên đứng lớp ngay từ những ngày đầu tiên chia sẻ: “Thực ra mỗi ngày là một câu chuyện Việt Nam. Chúng tôi kể về quan hệ gia đình, nếp sinh hoạt và phong tục tập quán, chẳng hạn như hôm nay nói về món ăn ngày Tết”. Lớp học duy trì đã hai năm nay mà theo cô Gái thì ý nghĩa lan tỏa rất lớn. Bởi, câu chuyện từ lớp học được kể cho nhiều người khác nữa. “Hình như ở tuổi xế chiều, ai cũng trăn trở về cội gốc của mình”, cô Gái nói.

Hương vị quê nhà

Quận 13, TP Paris giống như “thủ phủ” của gần 40 vạn người Việt ở Pháp. Dấu ấn Việt Nam tại đây dễ nhận thấy hơn cả là vào buổi tối, khi những biển hiệu nhà hàng sáng đèn. Ông Thái Thành Thiêm, Giám đốc Công ty Du lịch Pacific Voyages đưa chúng tôi tới một địa chỉ thân thuộc với người Việt: Phở 13. Ông chủ của thương hiệu này là anh Anthony Trương Tấn Thông. Anh hồ hởi khoe, vừa mới bỏ ra cỡ 1 triệu USD để đầu tư hạ tầng bài bản hơn. Do đó, quy mô nhà hàng giờ đã tăng lên gấp 10 lần so với những ngày khởi nghiệp. Cùng lúc, nhà hàng của anh có thể phục vụ tới 500 thực khách mà nhiều hôm chật kín, không còn chỗ ngồi.

Người đàn ông nhỏ thó, tự đặt lên vai mình trách nhiệm quảng bá phở Việt Nam, Anthony Trương Tấn Thông năm nào cũng trở về Việt Nam một vài chuyến. Có những chuyến kéo dài hàng tháng trời. Anh đi khắp các vùng miền từ Nam ra Bắc, chỉ để mỗi vùng đất ăn thử một bát phở. Để rồi từng nguyên liệu, hương liệu học được sau mỗi chuyến đi đều mang theo sang bên kia trùng dương. Vì sao Phở 13 đông khách? Anthony hỏi, rồi tự trả lời luôn: “Bí quyết của chúng tôi đơn giản là ở hương vị. Dù có đi đến đâu, bạn cũng không thể quên được những hương vị quê hương đã quen thuộc trong từng bữa ăn thuở nhỏ. Thế nên, mỗi bát phở của chúng tôi đều mang hương vị quê nhà”.

Nhưng cái thứ hương vị có thể ám ảnh cả một đời người, thì không gì khác ngoài những món ăn ngày Tết. Ông Thiêm, người đã có dịp đi khắp nước Pháp nói rằng: “Không ít người Việt mình, dù đã xa quê đằng đẵng nhiều thập kỷ, vẫn muốn tận tay chế biến những món ăn ngày Tết theo khẩu vị của gia đình. Vì vậy, họ sẽ tìm tới một phiên chợ Tết đậm chất Việt giữa Paris. Đó là chợ Tết Thanh Bình”. Thực ra, đó là một chuỗi siêu thị đã có mặt tại Paris gần 60 năm nay. Từ 1 địa chỉ ban đầu, hệ thống đã phát triển ở 5 địa chỉ khác nhau. Từ một vài mặt hàng đơn điệu, các kệ hàng ngày nay đã không thiếu một loại thực phẩm nào, tất thảy đều có xuất xứ từ quê nhà.

Vài năm nay, mỗi dịp cận Tết, lượng hàng ở chợ tết Thanh Bình đều tăng 20-30%. Và thành lệ, trước Tết cả tháng, một trong những kệ hàng được bày trang trọng ngay lối vào, ấy là lá dong. Với những người như bà Cogizia, người có mẹ Việt Nam, cha Italia nhưng mang quốc tịch Pháp, đó là một món hàng không thể thiếu mỗi dịp Tết về. Người phụ nữ hay cười đó chia sẻ rất thực câu chuyện của mình: “Từ những năm 1964, 1965 tới nay, năm nào gia đình tôi cũng gói bánh chưng. Bánh chưng là bánh của người Việt. Không có bánh chưng thì không có Tết”. Vài năm nay, lá dong thường “cháy hàng”, dù giá cả tăng tới 8 EUR/bó, nên bà Cogizia thường phải đi mua sớm hơn. Nhưng cũng có những người khá thong thả khi đến chợ Tết Thanh Bình, như ông Nguyễn Khanh. Đó là người cha của hai đứa con sinh ra ở nước ngoài và chưa từng có dịp về quê. Cuối tuần, ông đưa con gái tới đây, chỉ để “cho nó biết không khí chợ Tết, để nó không quên gốc gác của mình”.

Thế hệ thứ hai

Những người Việt trẻ ý thức như thế nào về việc giữ cội gốc Việt Nam khi ở xứ người? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi đã tìm tới TP Antwerp, Bỉ. Đây là nơi điển hình nhất thế giới về sự đa dạng sắc tộc, với dân số chỉ 500 nghìn người mà quốc tịch tới từ 180 quốc gia khác nhau. “Sự pha trộn quốc tịch, sắc tộc là điều dễ thấy trong một gia đình ở thành phố này, như có người nói vui đó là những gia đình “toàn cầu”. Nhưng dù có thế nào thì truyền thống của mỗi một con người đều phải được tôn trọng”, anh Lê Nguyên Tùng, một đại diện Việt Nam ở Antwerp đã mở đầu câu chuyện như vậy, trong hành trình hơn một giờ đồng hồ từ Brussel về nơi gia đình anh sinh sống. Và gia đình anh cũng là điển hình cho sự pha trộn đó, với người vợ Đức, các con quốc tịch Bỉ, còn ngôn ngữ giao tiếp trong gia đình thì có đủ: Việt, Đức, Anh, Hà Lan.

Trong ngôi nhà nhỏ của anh Tùng nằm kề bên khu phố có đông người Do Thái định cư, những cành hoa Forsythia đã bung những cánh đầu tiên. Đó là một loài hoa thường được người Việt mua về để trang hoàng ngày Tết, thay thế cho hoa mai, hoa đào. Melina, vợ anh Tùng cuối tuần rồi cũng kịp mua về để trang trí trên ban thờ. Cô cũng đã quen với việc chồng thắp nhang cúng gia tiên mỗi dịp đặc biệt như Giao thừa. Thường thì những việc đó, cô được chồng hướng dẫn tận tình, cũng giống như khi cô giới thiệu về những sinh hoạt của người Đức. “Có bàn thờ gia tiên trong nhà, mình cảm thấy yên lòng lắm. Các con mình thấy thế, chúng sẽ biết “uống nước nhớ nguồn” và không bao giờ quên mình từ đâu tới”, anh Tùng tâm sự.

Dù công việc ở một tập đoàn đa quốc gia khá bận rộn, nhưng năm nào anh Lê Nguyên Tùng cũng tranh thủ từng dịp nghỉ để đưa vợ con về Việt Nam. Có lẽ vì thế mà Melina và cả đứa con trai lớn của anh là Leonard đã ăn phở như một món khoái khẩu. Ông Lê Vương Văn Vệ, cha ruột của anh Tùng cứ phấn khởi mãi với cái lý rằng, các cháu tôi thường xuyên về quê, nói tiếng Việt rành lắm. Bà Ngoan, vợ ông cũng tấm tắc rằng, luôn răn dạy con cháu phải nhớ cội nguồn. Có lẽ chính vì sự giáo dục trong gia đình như thế, mà anh Lê Nguyên Tùng, người đã có một gia đình “đa quốc tịch” vẫn cứ nhắc đi nhắc lại rằng: “Tôi là người Việt Nam”...

Xem thêm video:

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.