Xã hội

Giữ lửa nghề ở làng may cờ Tổ quốc

01/09/2020, 06:24

Tiếng máy khâu dồn dập, tiếng cắt vải xoèn xoẹt đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc của làng quê quanh năm rợp bóng cờ hoa này.

img
Bà Nhung tỉ mẩn hướng dẫn cháu Lan Anh trên từng mũi thêu của lá cờ Tổ quốc.

Càng gần đến ngày Quốc khánh 2/9, những gia đình làm cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân (xã Lê Lợi, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) càng trở nên tất bật hơn bao giờ hết. Tiếng máy khâu dồn dập, tiếng cắt vải xoèn xoẹt đã trở thành thứ âm thanh quen thuộc của làng quê quanh năm rợp bóng cờ hoa này.

Nâng niu từng đường kim mũi chỉ

Những ngày đầu tháng 8, tại cơ sở sản xuất in, thêu cờ Hướng Nhung của làng Từ Vân như rộn ràng, tất bật hơn. Theo bà Vương Thị Nhung (SN 1976) - chủ cơ sở vừa luôn tay xem lại đơn hàng, vừa chạy ra chạy vào để kiểm tra các thùng carton chứa lá cờ đang được xếp lên chiếc xe tải nhỏ trước cổng xưởng cho biết: “Ở làng chúng tôi, mong lúc nào cũng như những ngày gần kề Quốc khánh, đơn hàng về nhiều. Bình thường xưởng chỉ có chục người làm, giờ thuê thêm tới gần 30 người”.

Trong góc xưởng, cháu Lê Thị Lan Anh (15 tuổi) đang tỉ mẩn thêu ngôi sao vàng năm cánh trên lá cờ Tổ quốc. Lan Anh cho biết, tranh thủ dịp nghỉ hè, em xin ra xưởng làm thêm vừa để học nghề, vừa để kiếm thêm chút tiền mua sách bút vào năm học mới.

Quan sát và chỉ cho Lan Anh những nét thêu chuẩn hơn, bà Nhung cho biết, làng Từ Vân hầu như ai cũng biết thêu cờ, nhưng để thêu cờ Tổ quốc được đẹp thì cũng chỉ còn ít người, một số cháu gái trẻ khéo tay thêu rất đẹp nhưng phải có người lớn kèm và chỉ dẫn thì bức thêu mới hoàn hảo được.

Là người đã theo nghề ngót nghét 30 năm, bà Nhung kể, trước gia đình có 10 anh chị em, trong đó 3 người làm nghề truyền thống, nhưng giờ chỉ còn duy nhất bà bám trụ lại. Bởi nghề may cờ không cho thu nhập cao, mà người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỉ mẩn trong từng đường kim, mũi chỉ, do đó phải ai thực sự đam mê mới gắn bó được với nghề này.

“Trước đây, một lá cờ làm hoàn toàn thủ công nên mất nhiều thời gian, có khi nửa ngày mới may xong 1 lá cờ, nếu là cờ thêu thì có khi mất vài ngày. Nay có máy móc hỗ trợ thì nhanh hơn, nhưng làm cờ thì không ẩu được. Để có được một lá cờ đẹp phải trải qua nhiều công đoạn như pha vải, đo, cắt, chèn sao, khâu vá..., khâu nào cũng phải cẩn trọng, nâng niu để lá cờ phẳng phiu, đường kim mũi chỉ gọn gàng thẳng hàng. May cờ khó nhất là khâu đính sao vàng ở chính giữa sao cho cân đối”, bà Nhung cho hay.

Cụ Đặng San (79 tuổi) cho biết, Từ Vân vốn là làng nghề thêu dệt có tiếng, từ hàng trăm năm trước nhiều người làng đã lên Hà Nội và mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu. Và trong những lá cờ tung bay ở Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2/9/1945, rất nhiều được làm ở Từ Vân.

“Để chuẩn bị cho ngày trọng đại 2/9/1945, những nghệ nhân giỏi nhất ở Từ Vân đã được Ủy ban Kháng chiến mời về Hà Nội để làm cờ Tổ quốc. Họ được tuyển vào Hợp tác xã Cờ đỏ trên phố Hàng Bông, tự tay làm mọi công đoạn, từ mua vải may cờ (vải sa) ở La Khê, Hà Đông, đến mua tua ở Triều Khúc, Thanh Trì. Chúng tôi tự hào vì trong dòng người náo nức và rừng cờ phấp phới trên Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, đã có những lá cờ đỏ sao vàng được tạo nên bởi bàn tay tài hoa của những người thợ làng Từ Vân”, cụ San xúc động tâm sự.

Theo cụ Đặng San, sau sự kiện lịch sử ngày 2/9/1945 ấy, lá quân kì của người dân làng Từ Vân thêu được treo ở những nơi trang trọng của đất nước. “Tôi đã từng được bộ phận lễ tân của Văn phòng Chính phủ thời cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt về đặt thêu cờ, rồi cờ cho các Tổng Liên đoàn, cờ lực lượng vũ trang, cờ Bộ Quốc phòng và cờ các tỉnh miền Bắc… Trước kia để làm một lá cờ Tổ quốc, đòi hỏi phải qua các công đoạn thủ công như: Cắt khung, gin vải lên thành hình ông sao, kẻ khung dán chữ từng mảnh hình ông sao, rồi dán vào khung, dùi lỗ, kẹp giấy chỉnh cẩn thận rồi đến công đoạn thêu tay… Giờ làm cờ có máy khâu, máy cắt hỗ trợ, nhưng cờ Tổ quốc thêu ở Từ Vân vẫn có thể gọi là độc nhất vô nhị ở Thủ đô Hà Nội”, cụ San tự hào khoe.

Giữ nghề cho làng

img
Làng Từ Vân rộn ràng chuẩn bị cờ cho ngày Quốc khánh

Tại cơ sở sản xuất in, thêu cờ được coi là to nhất của làng Từ Vân hiện nay, ông Nguyễn Văn Phục (46 tuổi), chủ cơ sở cho hay, từ khi còn nhỏ, ông đã học làm cờ, theo ông nội rồi đến bố. May cờ, với ông, như là duyên nghiệp cần phải giữ.

“Giống nhiều làng nghề khác, làng cờ Từ Vân gặp không ít khó khăn khi bước vào nền kinh tế thị trường, từ giá bán, thời gian sản xuất tới chất lượng sản phẩm. Trước đây, nghề may cờ khó nhất là khâu chọn vải và thêu. Vải chọn sao mà màu phải bền, không bị nếp gấp. Nhưng giờ ưu tiên lại là công nghệ và máy móc. Do đó, để đáp ứng nhu cầu thị trường, hàng năm tôi đều bỏ tiền ra để cập nhật những cách làm mới, sao cho cờ may được đẹp hơn, nhanh hơn. Năm trước, tôi bỏ ra vài trăm triệu đồng để mua máy cắt lazer và máy in màu. Ngoài may cờ, tôi cũng nhận làm nhiều việc nữa, từ băng rôn, khẩu hiệu, cờ lưu niệm… để xưởng có thêm doanh thu”, ông Phục nói.

Tuy nhiên, ông Phục cho biết, dù mở rộng thêm mặt hàng sản xuất, nhưng cờ Tổ quốc vẫn là mặt hàng chính của xưởng. Bởi, nhu cầu về cờ luôn ổn định và sản xuất cờ không chỉ là kinh doanh, mà còn là sự tự hào của làng nghề với quê hương, với đất nước.

“Hàng ngày, cơ sở của tôi sản xuất ra vài nghìn cái cờ các loại, nhưng khi được huyện Lũng Cú, tỉnh Hà Giang đặt cờ Tổ quốc để treo lên cột cờ Lũng Cú thì tự hào lắm. Để làm lá cờ này, tôi đích thân chọn vải đẹp, khó phai màu, may từng đường may chắc chắn, những mối thêu cũng phải bền vì treo trên cao gió rất mạnh. Và khi tham dự buổi lễ, nhìn lá đại kỳ mình làm ra được phần phật tung bay trên đất trời bao la giáp biên giới, đó là biểu tượng của Tổ quốc, là sự khẳng định chủ quyền quốc gia, thì tự hào nhân lên gấp bội”, ông Phục chia sẻ.

Theo ông Phục, một lý do để ông giữ và tìm mọi cách phát triển nghề sản xuất cờ, còn để đảm bảo thu nhập cho nhiều người dân quê hương. Thợ làm cờ, những người có tay nghề, ngày công cũng phải vài trăm nghìn, còn thợ mới thì cũng gần 200.000 đồng. Nguồn thu này, so với nghề nông, là cao hơn và công việc lại không vất vả bằng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Kỳ (SN 1961), trưởng thôn Từ Vân, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề xã Lê Lợi cho biết, trước đây gần 100% người làng Từ Vân làm nghề thêu cờ Tổ quốc nhưng những năm trở lại đây số lượng đã giảm dần. “Nghề may cờ ở Từ Vân có từ lâu, cứ người này truyền lại người kia, vừa giúp giữ được một nghề cao quý, vừa để có thêm thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, để gìn giữ làng nghề, cần có sự hỗ trợ để các nghệ nhân thêu có thể mở lớp truyền nghề cho lớp trẻ, cũng như hỗ trợ những chương trình giới thiệu sản phẩm để cờ Tổ quốc Từ Vân “phủ sóng” nhiều hơn ở thị trường trong và ngoài nước”, ông Kỳ nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.