Thời sự Quốc tế

Nga đầu tư hàng tỉ USD vào Indonesia giữa lúc phương Tây cấm vận

02/07/2022, 15:37

Nga và Indonesia đã đạt được một số dấu hiệu tích cực về đầu tư hạ tầng, năng lượng,...

Xây dựng nhà máy lọc dầu trị giá 16 tỉ USD

Hãng tin Straits Times dẫn lời một quan chức Indonesia cho biết Jakarta có kế hoạch cùng Nga xây dựng 1 nhà máy lọc dầu trị giá 16 tỉ USD ở Đông Java. Nga cũng bày tỏ mong muốn đầu tư vào đường sắt ở thủ đô mới của Indonesia.

Các đề nghị trên được đưa ra giữa lúc Moscow đang đối mặt với các lệnh trừng phạt chưa từng có từ phương Tây với mục đích làm suy yếu Nga để hạn chế hoạt động quân sự tại Ukraine, do đó, Nga đang chuyển sự tập trung sang châu Á và châu Phi.

Straits Times dẫn thông tin từ một quan chức Indonesia cho biết, Công ty dầu mỏ quốc gia Pertamina của nước này và Rosneft (Nga) đang tiến hành dự án xây dựng một nhà máy lọc dầu ở tỉnh Đông Java để sản xuất nhiên liệu và vật liệu thô cho ngành công nghiệp hóa dầu.

Quan chức giấu tên đang tham gia giám sát dự án này cho biết: “Phía Nga đang đàm phán để được ưu đãi thuế. Dự án vẫn đang đi theo đúng tiến độ”.

img

Tổng thống Indonesia Joko Widodo bắt tay với Tổng thống Nga Vladimir Putin

Hai công ty trên đã lập công ty liên doanh đặt tại Jakarta có tên PT Pertamina Rosneft Pengolahan dan Petrokimia để quản lý Công ty New Grass Refinery Root ở Đông Java. Công ty lọc dầu này dự kiến có công xuất đầu ra là 229.000 thùng xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay mỗi ngày.

Dự án có 45% thuộc sở hữu của Rosneft và 55% thuộc sở hữu của Pertamina, với tổng trị giá 16 tỉ USD và hiện đã xong giai đoạn lập kế hoạch.

Một khi hoàn thành, dự án này sẽ giúp Indonesia giảm phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu.

Hiện tại, đất nước 270 triệu dân đang đối mặt với giá nhiên liệu tăng cao, chịu ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Indonesia đã tăng trợ giá năng lượng trong năm nay lên 500.000 tỉ rupiah (khoảng 33 tỉ USD), từ ngân sách ban đầu chỉ 152.000 tỉ rupiah.

Đề xuất đầu tư vào đường sắt tại thủ đô mới Nusantara của Indonesia

Ngoài dự án trên, Nga và Indonesia cũng tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khác.

Theo hãng tin Bloomberg, trong chuyến thăm Nga của ông Widodo, phía Indonesia xác nhận Nga cũng đề xuất đầu tư vào đường sắt tại thủ đô mới Nusantara của Indonesia.

Thủ đô Nusantara, đặt tại khu vực Kalimantan, dự kiến bắt đầu khởi công từ tháng 8/2022 sau thời gian trì hoãn do dịch Covid-19.

Tại cuộc gặp với ông Widodo, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng cho biết, các công ty năng lượng Nga muốn đến và đầu tư vào Indonesia, đặc biệt trong các lĩnh vực điện hạt nhân.

Năng lượng nguyên tử là một phần quan trọng trong kế hoạch giảm phát thải bằng 0 của Indonesia. Bên cạnh đó Indonesia đang đối mặt với tình trạng thiếu điện, nhất là ở khu vực Kalimantan và Sulawesi.

Trong tuần qua, ông Widodo đã đến Ukraine và Nga nhằm tạo cầu nối giữa 2 quốc gia và chấm dứt chiến tranh. Ông cũng hy vọng giải quyết được cuộc khủng hoảng lương thực và giá cả leo thang do tác động từ cuộc chiến.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp người đồng cấp Indonesia Joko Widodo tại Moscow trong ngày 30/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Moscow sẵn sàng đáp ứng nhu cầu phân bón của Jakarta.

Cũng theo ông Putin, Nga sẽ tôn trọng nghĩa vụ theo các hợp đồng cung cấp năng lượng, thực phẩm và phân bón với nước ngoài.

Về phần mình, Tổng thống Widodo khẳng định Indonesia sẽ tiếp tục hợp tác với Nga. Về xung đột ở Ukraine, ông cho rằng yêu cầu quan trọng là phải tiến tới giải quyết cuộc xung đột bằng biện pháp hòa bình.

Tổng thống Widodo cho biết đã chuyển một bức thông điệp từ nhà lãnh đạo Ukraine tới Tổng thống Putin, bày tỏ sẵn sàng thiết lập kênh liên lạc giữa hai nhà lãnh đạo này. Tuy nhiên, ông Widodo không tiết lộ chi tiết thông điệp.

Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã trở thành nhà lãnh đạo châu Á đầu tiên đến thăm Nga và Ukraine kể từ khi xảy ra xung đột. Ông thực hiện chuyến thăm cả Ukraine và Nga để gặp lãnh đạo hai quốc gia xung đột này sau khi dự Hội nghị G7 tại Đức.

Kể từ khi xung đột nổ ra, ông Widodo đã tìm cách giữ vị trí trung lập và ông hy vọng các nỗ lực của mình sẽ dẫn đến một lệnh ngừng bắn, sau cùng là đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo hai bên.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.