Y tế

Giữa phong tỏa Covid-19, nhiều bệnh nhân phục hồi ngoạn mục tại BV Bạch Mai

02/04/2020, 10:29

Trước khi có lệnh phong tỏa BV Bạch Mai, nhiều bệnh nhân nặng ở tuyến dưới chuyển lên Khoa cấp cứu (A9) và được cứu sống ngoạn mục.

img
BV Bạch Mai bị phong tỏa vì dịch bệnh Covid-19 từ ngày 28/3 (ảnh: Mạnh Thắng)

Bệnh nhân nặng phục hồi ngoạn mục giữa "tâm dịch Covid-19"

Trước khi có lệnh phong tỏa BV Bạch Mai vào ngày 28/3, nhiều bệnh nhân nặng ở tuyến dưới đã kịp thời được chuyển đến Khoa Cấp cứu A9 và lội ngược dòng phục hồi nhờ đội ngũ y bác sĩ cùng kỹ thuật tiên tiến ở nơi đây.

Theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Văn Chi, Trưởng Khoa Cấp cứu A9, một bệnh nhân còn trẻ, hơn 40 tuổi, có tiền sử khá khỏe mạnh nhưng đột ngột bị đột quỵ, được chuyển đến Khoa A9 trước 2 giờ đồng hồ khi có lệnh phong tỏa bệnh viện.

Bệnh nhân đến Khoa A9 vào giờ thứ 4, trong tình trạng liệt nửa người, hôn mê, rối loạn ý thức, thất ngôn, không nói được. Kết quả chụp mạch phát hiện bệnh nhân bị tắc động mạch cảnh trong bên trái và động mạch não giữa M1 bên trái. Đây là tổn thương lớn đối với não và thông thường với những tổn thương lớn như thế này nếu không được can thiệp kịp thời thì tỷ lệ tử vong rất cao và nếu còn sống thì cũng để lại di chứng rất nặng nề.

Ngay sau khi đánh giá tình trạng, bệnh nhân đã được can thiệp rất kịp thời, dùng phương pháp luồn catheter vào trong chỗ tắc và dùng dụng cụ chuyên dụng lấy cục máu đông ra, tái thông mạch máu bị tắc.

"Ngay sau khi được can thiệp, bệnh nhân đã có tín hiệu phục hồi tương đối tốt. Tình trạng liệt của bệnh nhân được cải thiện dần. Sau 2 ngày điều trị, bệnh nhân đã co được tay và nói trở lại. Đến hôm nay sau 1 tuần, bệnh nhân đã nói khá rõ và vận động được các động tác tinh vi như cầm đũa, thìa...", BS. Chi cho hay.

img
Các bác sĩ A9 BV Bạch Mai hội chẩn cho một bệnh nhân ngay tại giường bệnh (ảnh Mai Thanh)

Một bệnh nhân khác cũng may mắn được chuyển đến A9 trước khi có lệnh phong tỏa đúng 1h. Bệnh nhân đến viện trong tình trạng rất nặng, hôn mê sâu do vỡ túi phình mạch não, gây chảy máu vào khoang dưới nhện. Sau khi can thiệp bằng coil để bít túi phình vỡ thì bệnh nhân có biến cố là giãn não thất cấp và tăng áp lực động mạch sọ. Các bác sĩ tiếp tục phẫu thuật để dẫn lưu não thất và bơm thuốc tiêu sợi huyết vào trong não thất để tiêu sợi huyết, điều trị tăng áp lực động mạch sọ.

Theo BS. Chi, đây là kỹ thuật vô cùng khó và hiện nay ở Việt Nam chỉ ít cơ sở y tế triển khai được. Nếu chỉ lùi lại vài giờ, khi bệnh viện có lệnh phong tỏa, bệnh nhân không đến được Bạch Mai, không thực hiện được kỹ thuật này thì bệnh nhân sẽ phải chịu thiệt thòi rất lớn.

Bệnh nhân nguy kịch vẫn được chuyển về BV Bạch Mai

BV Bạch Mai là tuyến cuối, lớn nhất cả nước, mỗi ngày tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân bị mắc nhiều loại bệnh nặng, rất nặng từ tuyến dưới chuyển lên, cần được cứu chữa nếu không nguy cơ tử vong rất lớn.

Nếu BV Bạch Mai bị phong toả dài ngày thì sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên sẽ mất cơ hội được cứu sống. Theo ước tính mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng (cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, ECMO…) cần chuyển đến BV Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong…

Chính vì vậy vẫn trong vòng phong tỏa vì dịch Covid-19, BV đã được sự đồng ý cho tiếp nhận các ca bệnh nặng, nguy kịch đúng quy trình đảm bảo phòng chống dịch bệnh Covid-19; Đồng thời, tham gia hội chẩn chuyên môn từ xa trong điều trị bệnh các ca nặng ở các tuyến y tế khác. Bệnh viện đã xây dựng quy trình tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cấp cứu.

Theo đó, quy trình tiếp nhận bệnh nhân nguy kịch ở BV Bạch Mai:

Bước 1: Đơn vị dự kiến chuyển người bệnh hội chẩn trực tuyến trước (hoặc liên hệ trước qua điện thoại với Khoa Cấp cứu về tình trạng người bệnh theo SĐT: 0869 587 707), Khoa Cấp cứu BV Bạch Mai căn cứ thực tế người bệnh sẽ đồng ý tiếp nhận người bệnh.

Bước 2: Nhân viên Khoa Cấp cứu chuẩn bị các phương tiện cần thiết để cấp cứu người bệnh, chuẩn bị sẵn sàng đón người bệnh từ vùng đệm tại Cổng số 1 đường Giải Phóng. Nhân viên mặc quần áo bảo hộ, phương tiện vận chuyển được khử khuẩn. Trường hợp cần thiết cho 1 người nhà người bệnh được ở trong bệnh viện để phối hợp giải quyết các việc liên quan.

Bước 3: Khoa Cấp cứu phân luồng riêng đưa người bệnh vào buồng cách ly để tiếp tục điều trị. Người bệnh và người nhà người bệnh cần được sàng lọc dịch tễ và chỉ định làm xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay lúc vào Khoa.

Bước 4: Trường hợp người bệnh cần chuyển vào các khoa khác, Khoa Cấp cứu cần liên hệ trước và phân luồng riêng để vận chuyển người bệnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.