Tâm sự

Giúp dân gượng dậy sau bão số 10

20/09/2017, 08:19

Cơn bão số 10 đổ bộ các tỉnh miền Trung đã phá tan bao công sức của người nông dân vùng thiệt hại...

17

Anh Trịnh Văn Linh (xã Trung Sơn, Gio Linh) bên vườn cao su tan hoang sau bão số 10

Dân quảng trị khóc “vàng trắng” tan hoang sau bão

Nhìn vườn cao su gãy đổ ngổn ngang, vợ chồng anh Trịnh Văn Linh (45 tuổi, thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn, huyện Gio Linh, Quảng Trị) rầu rĩ: “Chăm bón, vun xới được 280 cây cao su 10 năm nay, mới thu hoạch được hơn 3 năm, giờ tan hoang hết cả”. Theo anh Linh, bình quân mỗi hecta cao su mỗi ngày cho thu hoạch trên dưới 400.000 đồng. Sau bão số 10, thu nhập giảm đến hơn nửa.

Tại thôn Tân Sơn (xã Trung Sơn), hàng loạt vườn cao su của các hộ dân cũng bị thiệt hại nặng nề. Bà Lê Thị Thanh (thôn Tân Sơn) cho biết, gia đình phải vay vốn ngân hàng trồng, chăm sóc 7 năm trời mới đến ngày thu hoạch thì liên tiếp gặp hai cơn bão số 4 và số 10 làm hơn 100 cây bị gãy đổ. Giá mủ cao su vốn thấp, nay cây trồng thêm hư hại khiến nỗi lo trả nợ ngân hàng thêm bế tắc.

Nhìn các gốc cao su đang thu hoạch bỗng chốc gãy ngang gần hết, chị Trần Thị Tuyên (thôn Nam Cường, xã Vĩnh Nam, huyện Vĩnh Linh) bỏ cơm, lo lắng. “Cả nhà trông chờ vào vườn cao su. Giờ bão thổi bay hết cả, không biết con em lấy tiền gì học hành”, chị Tuyên nói. Tương tự, 6 sào cao su đang thu hoạch của gia đình cụ Phan Bông (đội 6, xã Vĩnh Trung) cũng chỉ còn lại 1 sào, toàn bộ số cây bị gãy phải cưa cắt để hồi sinh... Hơn 5 sào cao su 10 tuổi mới thu hoạch 3- 4 năm của gia đình cụ Nguyễn Văn Lớn (đội 4, xã Vĩnh Trung) cũng gãy đổ gần hết...

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị, bão số 10 đã gây thiệt hại trên 3.273,86 ha cao su và hồ tiêu. Địa phương thiệt hại nặng nhất là huyện Vĩnh Linh (2.291,5 ha), Gio Linh 899,76 ha, Cam Lộ 70,6 ha... Ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh cho biết, trước mắt chính quyền địa phương và ngành chức năng động viên, hỗ trợ nhân lực, phương pháp kỹ thuật giúp đỡ bà con nông dân khắc phục hồi sinh số cây cao su bị ảnh hưởng nhẹ. Đồng thời kiểm tra, kiểm đếm thực tế để huyện, tỉnh có phương án hỗ trợ một phần thiệt hại.

18

Ông Nguyễn Văn Hùng buồn rầu khi chứng kiến đầm tôm bị thiệt hại nặng nề

Người nuôi tôm thanh hóa thiệt hại nặng...

Nếu không có cơn bão số 10 thì đây đã là thời điểm thu hoạch vụ tôm của bà con xã Hoằng Phụ (huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa). Thay vì niềm vui được mùa, các hộ gia đình tại đây lại lao đao, đội nắng để thu dọn bãi chiến trường của cơn bão số 10 để lại. Ngồi bần thần bên đầm tôm hoang tàn, ông Nguyễn Văn Hùng (64 tuổi, thôn Xuân Phụ, xã Hoằng Phụ) tâm sự: “Bao công nuôi trồng bấy lâu nay coi như bỏ bể. Vụ vừa qua, gia đình vay mượn thêm ít tiền để mong vực dậy sau thiệt hại vụ trước. Ai ngờ, hơn 1 ha tôm sắp đến vụ thu hoạch với tổng số tiền trên 1 tỷ đồng nay bão về cuốn ra biển hết rồi. Cả nhà trông chờ vào mỗi vụ tôm nhưng giờ thế này biết lấy đâu mà trả nợ”.

Cùng cảnh ngộ với ông Hùng, gia đình ông Nguyễn Văn Dũng (59 tuổi, thôn Xuân Phụ) than vãn: “Nhà làm tôm được 3 năm nay, đây là lần đầu mà gia đình thiệt hại nặng nề đến như vậy. Cả đầm tôm chỉ còn khoảng 20 ngày nữa là xuất bán. Bão về kéo theo nước to tràn vào đầm, cuốn bay toàn bộ số tôm. Bây giờ muốn nuôi lại thì cũng khó khăn vì lấy tiền đâu mà tu bổ, sửa máy, làm lại đầm. Năm nay, nhà tôi thả hơn 2 triệu con tôm thẻ, ước tính thiệt hại lần này hơn 2 tỷ đồng”.

Trước kia tại Hoằng Phụ chỉ vài hộ dân thuê đất để nuôi tôm, thế nhưng những năm gần đây số hộ nuôi tôm ngày một gia tăng. Người nuôi tôm có vốn thì ít, chủ yếu chỉ là những hộ vay mượn rồi ôm mộng “đổi đời” từ nuôi tôm thẻ. Đến khi gặp sự cố, những khoản vay, những món nợ bắt đầu chồng chất lên nhau. Chị Đặng Thị Huệ (36 tuổi, thôn Tân Xuân) chia sẻ: “Nghề làm tôm như đánh canh bạc, đỏ thì được, đen thì coi như mất trắng. Nhà tôi cùng anh em làm gần 3 ha, cơn bão vừa rồi cuốn mất 2/3 số đầm nuôi với thiệt hại trên 1 tỷ đồng. Ngày trước nuôi tôm năng suất lắm, từ 1 năm trở lại đây, bờ biển bị xâm thực, nước biển vào sát tận kè đê nên thường xuyên xảy ra tràn đầm nuôi tôm, dẫn đến mất trắng.

Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND xã Hoằng Phụ cho biết: Sau cơn bão số 10 vừa qua, trên địa bàn toàn xã có 6 hộ dân bị thiệt hại nặng nề nhất, với 6 ha bị mất trắng. Ngoài ra, còn có 102 ha đầm tôm ngoài đê bị ngập nước khiến số lượng tôm nuôi bị hao hụt. Ước tính thiệt hại trên 10 tỷ đồng. “Điều kiện của các hộ dân bây giờ cũng hết sức khó khăn. Khu vực các đầm nuôi bị mất trắng thường là gần cửa biển nên không tránh khỏi những sự cố. Hiện địa phương đang phối hợp với huyện thống kê và tìm hướng khắc phục sự cố sau bão”, ông Bình cho biết thêm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.