Cuộc sống an toàn

Gỡ khó đào tạo, cấp GPLX cho đồng bào miền núi

07/11/2021, 17:53

Để kéo giảm tai nạn giao thông (TNGT) ở vùng miền núi, đồng bào dân tộc, cần chú trọng giải pháp đào tạo lái xe linh hoạt theo đặc thù...

Còn nhiều vướng mắc

Mô tô, xe máy đang là phương tiện sử dụng phổ biến trong việc đi lại, sinh hoạt và sản xuất của người dân, nên nhu cầu tham gia thi sát hạch để được cấp GPLX mô tô khá cao.

Hiện có một bộ phận không nhỏ quần chúng nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số chưa có GPLX vẫn thường xuyên điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Việc này tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và là nguyên nhân gây nên các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng.

img

Cần nhiều giải pháp đồng bộ để phổ cập GPLX đến đồng bào dân tộc miền núi - Ảnh minh họa

TS. Vũ Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu GTVT Việt Đức, Trường Đại học Việt Đức cho hay, việc tuyên truyền pháp luật ATGT và thi sát hạch cấp GPLX trên địa bàn miền núi gặp nhiều khó khăn.

“Nguyên nhân do trình độ học vấn của đồng bào vùng sâu vùng xa còn thấp, nhiều trường hợp không biết chữ nên không đủ điều kiện để được đào tạo, thi sát hạch cấp GPLX, dù các đối tượng này đều đủ năng lực, hành vi về điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông và nhu cầu có GPLX rất cao. Tuy chưa có GPLX, nhưng họ vẫn thường xuyên điều khiển phương tiện tham gia giao thông, khi gặp lực lượng chức năng thường tránh né hoặc bỏ chạy”, ông Tuấn nói.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia giao thông, GS.TS Từ Sỹ Sùa, giảng viên cao cấp Trường Đại học GTVT cho rằng, các tỉnh miền núi đang phải đối mặt với thách thức lớn trong công tác bảo đảm ATGT.

“Những năm qua, việc đào tạo, cấp GPLX cho đồng bào dân tộc dù đã được quan tâm, nhưng do địa bàn miền núi rộng, dân cư thưa thớt lại thiếu lực lượng chức năng kiểm soá, tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng tỷ lệ người dân được cấp GPLX vẫn còn khá thấp.

Bên cạnh đó, sự hiểu biết về Luật Giao thông đường bộ của phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số còn hạn chế. Nhiều phong tục tập quán lạc hậu tồn tại, hội hè kéo dài, uống rượu say vẫn điều khiển phương tiện giao thông làm gia tăng tai nạn giao thông”, ông Sùa nói.

Ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ phương tiện và người lái, Tổng cục Đường bộ VN cho hay, để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ được điều khiển xe mô tô, Bộ GTVT đã xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, trong đó đã chú ý đưa ra các quy định liên quan tới việc đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đối với một số trường hợp đặc thù, bao gồm cả trường hợp đồng bào dân tộc thiểu số không biết chữ.

“Giáo trình đào tạo giấy phép lái xe hạng A1 được sử dụng chung cho cả người biết chữ và không biết chữ. Tuy nhiên, về hình thức đào tạo, nội dung và phương án tổ chức sát hạch, để cấp giấy phép lái xe mô tô hạng A1 cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt đã được phân cấp cho các Sở GTVT xây dựng, báo cáo UBND cấp tỉnh phê duyệt phù hợp điều kiện thực tế địa phương”, ông Thống cho hay.

Cần thêm nhiều giải pháp đồng bộ

Theo TS. Vũ Anh Tuấn, chúng ta đã có nhiều giải pháp để tác động nhằm nâng cao ý thức của người tham gia giao thông nói chung. Trong đó, đã áp dụng cả biện pháp kinh tế, hành chính, pháp luật răn đe và đào tạo, sát hạch cấp GPLX.

Tuy nhiên, chuyển biến trên thực tế vẫn còn chậm, nhất là người tham gia giao thông ở khu vực miền núi. Chúng ta cần tiếp tục nghiên cứu, tiến tới những giải pháp đặc thù hơn đối với từng khu vực, địa bàn.

Có thể áp dụng các hình thức đào tạo GPLX thông qua mô hình; biên dịch nội dung tuyên truyền về pháp luật ATGT ra tiếng dân tộc để bà con dễ hiểu, dễ tiếp thu. Đặc biệt, cần quan tâm đến việc mở những lớp đào tạo sơ cứu y tế cho bà con nhằm giảm bớt được thiệt hại về người do TNGT gây ra.

Đồng bào các dân tộc thiểu số thường sống trong khu vực khó khăn về mọi mặt. Học vấn của một số người số còn thấp, bà con ít giao tiếp, thậm chí nói tiếng Kinh chưa sõi. Do đó, chúng ta không thể áp dụng những hình thức tuyên truyền, đào tạo cấp giấy phép lái xe hay in tờ rơi cùng nội dung như các đối tượng tham gia giao thông khác.

“Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân khi tham gia giao thông có ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATGT hơn. Có thể tranh thủ cán bộ văn hóa xã, già làng, trưởng bản, người có uy tín tham gia tuyên truyền, vận động bà con tham gia học và hiểu rõ lợi ích khi được cấp GPLX”, ông Tuấn nói.

Cũng theo ông Tuấn, các tỉnh miền núi, đặc biệt là những địa phương vùng sâu, vùng xa hiện cũng gặp nhiều khó khăn trong kinh phí dành cho công tác này. Nên có cơ chế “san sẻ” kinh phí tuyên truyền từ những tỉnh có mức xử phạt cao cho các tỉnh miền núi có số tiền xử phạt thấp. Điều này nghe có vẻ hơi phi lý, nhưng xét về lâu dài sẽ tạo được sự chuyển dịch toàn diện ở khắp các địa phương, giải quyết được tình trạng ngân sách của tỉnh hạn hẹp dành cho công tác này.

GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, thông qua công tác đào tạo sát hạch cấp GPLX mô tô cho đồng bào các dân tộc miền núi thời gian qua đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật nói chung và ý thức chấp hành pháp luật giao thông đường bộ cũng như kỹ năng điều khiển mô tô, xe máy khi tham gia giao thông trên đường và góp phần giảm thiểu TNGT.

Tuy vậy, thời gian tới vẫn cần nghiên cứu, bổ sung như: nội dung chương trình đào tạo còn một số điểm chưa phù hợp với tình hình giao thông ở miền núi. Một số trường hợp chưa đảm bảo kiến thức vì không dự học mà vẫn dự thi dẫn đến kết quả đạt thấp.

Chủ trương đào tạo sát hạch cấp GPLX mô tô miễn phí cho đồng bào các dân tộc miền núi là một trong những giải pháp đúng nên cần được duy trì và tổ chức chặt chẽ, nhân rộng tại tất cả các địa phương.

“Để góp phần đưa công tác đào tạo, sát hạch cấp GPLX miễn phí cho đồng bào các dân tộc miền núi thiết thực có hiệu quả cao, cần xem xét mở rộng đối tượng được hưởng lợi từ chương trình này như: các hộ nghèo là người Kinh ở miền núi, trình độ văn hóa thấp, đối tượng là các gia đình chính sách nghèo khó”, ông Sùa nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.