Quản lý

Gỡ khó, đẩy nhanh tiến độ dự án thu phí không dừng

29/11/2019, 10:08

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao các đơn vị có báo cáo một cách tổng quan nhất liên quan đến dự án để thông tin đến người dân.

img
Các vướng mắc của dự án thu phí tự động không dừng giai đoạn sẽ được Bộ GTVT quyết liệt tháo gỡ (Trong ảnh: Trạm thu phí dự án BOT Hà Nội – Bắc Giang trên QL1)

Chiều 28/11, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể chủ trì cuộc họp liên quan đến dự án thu phí không dừng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ dự án này.

Vì sao xin giãn tiến độ sang năm 2020?

Báo cáo tiến độ dự án, ông Nguyễn Viết Huy, Vụ phó Vụ đối tác công - tư cho biết, các trạm thuộc dự án giai đoạn 1 đến nay đã cơ bản hoàn thành thu phí không dừng, chỉ còn 4 dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc VN (VEC) chưa triển khai được do chưa có nguồn vốn.

“Do VEC được chuyển sang Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN, vướng mắc về thẩm quyền nên không ai quyết được nguồn vốn lấy từ đâu để thực hiện lắp thiết bị thu phí không dừng. Vừa qua, Công ty TNHH Thu phí tự động VETC có xin dừng dự án, nhưng điều này không xảy ra, VETC sẽ tiếp tục thực hiện dự án và sẽ tìm đối tác có năng lực để triển khai”, ông Huy cho biết.

Về dự án giai đoạn 2, ông Huy cho biết, có 33 trạm, vướng nhất là thành lập doanh nghiệp dự án của liên danh nhà đầu tư. Theo ông Huy, việc lựa chọn nhà đầu tư được đấu thầu rộng rãi trong nước và quốc tế. Trong quá trình lấy ý kiến, Bộ Quốc phòng đã có ý kiến Viettel tham gia dự án là đúng quy định và đồng ý cho Viettel góp vốn.

Tuy nhiên, theo ông Huy, do Quyết định 18 về tái cơ cấu Viettel Thủ tướng ký ban hành sau khi Tổng cục Đường bộ VN lựa chọn nhà đầu tư nên phải trình lại Thủ tướng xin sửa đổi quyết định 18 mới thành lập được doanh nghiệp dự án.

“Giai đoạn 1, Bộ GTVT đã ký hợp đồng dự án với hầu hết các nhà đầu tư BOT. Tuy nhiên, việc ký hợp đồng dịch vụ giữa VETC và nhà đầu tư BOT chưa được nhiều trạm. Còn đối với dự án giai đoạn 2, trong năm nay thành lập được doanh nghiệp dự án, nhà đầu tư cam kết đến tháng 6/2020 sẽ hoàn thành dự án giai đoạn 2. Còn các dự án của VEC khó cam kết vì phụ thuộc nhiều vào VEC”, ông Huy cho biết.

Lý giải thêm về nguyên nhân dự án chậm tiến độ, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, phụ lục hợp đồng Bộ GTVT ký với nhà đầu tư BOT đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, hợp đồng dịch vụ giữa VETC và nhà đầu tư BOT mới được 11/31 trạm được ký kết. Tổng cục Đường bộ VN vẫn đang làm “trọng tài” để đàm phán. Bên cạnh đó, để giảm bớt khó khăn về tài chính, tổng cục phối hợp với CSGT, phân luồng phương tiện đi vào làn thu phí không dừng để VETC tăng doanh thu.

“Đối với dự án của VEC, chúng tôi đã tính đến phương án thuê thiết bị và kết nối với VETC, nhưng giá thuê khoảng 200 tỷ đồng/năm, trong 5 năm phải mất tới 1.000 tỷ đồng nên không thực hiện được, phương án vốn của VEC đang tắc”, ông Huyện nói.

Đối với dự án giai đoạn 2, ông Huyện cho biết, trong thời gian trình Chính phủ, tổng cục đã chỉ đạo hoàn thành công tác khảo sát, thiết kế, khi Chính phủ có chủ trương thành lập dự án, đến tháng 6/2020 đảm bảo sẽ hoàn thành tiến độ.

Công khai quá trình triển khai dự án

img
Đồ họa: Nguyễn Tường

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giao các đơn vị phối hợp với Báo Giao thông có báo cáo một cách tổng quan nhất liên quan đến dự án để thông tin đến người dân. Trong đó, cần giải thích rõ lý do vì sao Bộ GTVT phải đề xuất lùi tiến độ dự án sang năm 2020.

Đối với 4 dự án của VEC, với trên 200 làn thu phí chậm tiến độ, dù đã có nhiều cuộc họp, nhiều văn bản đôn đốc, thậm chí báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo nhưng đến nay không có chuyển biến. Ngoài các dự án của VEC, các dự án còn lại của giai đoạn 1 cũng phải nêu rõ tiến độ thực hiện.

Đối với dự án giai đoạn 1, Bộ trưởng cũng yêu cầu cung cấp thông tin lý do chậm, trong đó cần công khai quá trình tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã đảm bảo công khai, đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, khi công bố trúng thầu phát sinh vấn đề Viettel tái cơ cấu, nảy sinh vướng mắc không thành lập được doanh nghiệp dự án. Vì vậy, không đủ tư cách pháp nhân ký hợp đồng, mua thiết bị để triển khai nên phải chờ. Nếu trong tháng 12 này, Chính phủ cho phép thành lập doanh nghiệp dự án thì đến tháng 6/2020 dự án giai đoạn 2 mới hoàn thành.

Đối với các dự án của VEC, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu có báo cáo chính thức báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN có nguồn vốn để triển khai. “Chúng ta đã cố gắng, nhưng Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN không vào cuộc sẽ không triển khai được. Trong đó, cần báo cáo Chính phủ đến hết năm 2019 dừng thu phí đối với các dự án của VEC để Chính phủ cho chỉ đạo”, Bộ trưởng nói.

Các dự án còn lại của giai đoạn 1, Bộ trưởng yêu cầu VETC khẩn trương thực hiện hoàn thành theo đúng tiến độ Thủ tướng đã chỉ đạo. Các đơn vị hỗ trợ VETC hỗ trợ khung pháp lý trong việc yêu cầu chủ phương tiện dán thẻ thu phí không dừng. Đến hết năm 2019, xe nào không dán thẻ sẽ không được đi vào làn thu phí tự động. Tổng cục Đường bộ làm trung gian hỗ trợ nhà đầu tư BOT và VETC ký hợp đồng dịch vụ đồng bộ với hợp đồng giữa Bộ GTVT và nhà đầu tư BOT.

“Đối với dự án giai đoạn 2, Bộ GTVT sẽ nỗ lực tham mưu, đề xuất cơ chế với Chính phủ chủ trương hình thành doanh nghiệp dự án. Nhà đầu tư giai đoạn 2 phải khẩn trương khảo sát toàn bộ 33 trạm thuộc dự án, có giải pháp triển khai ngay. Trong liên danh có doanh nghiệp đủ pháp nhân để mua thiết bị cần chuẩn bị trước thủ tục cho việc này. Chúng ta phải nỗ lực, còn việc dự án chậm do yếu tố bất khả kháng báo cáo Thủ tướng chỉ đạo”, Bộ trưởng yêu cầu.

Ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc Tổng Công ty giải pháp doanh nghiệp Viettel:
Đã hoàn thành khảo sát, thiết kế 33 trạm

Đến thời điểm hiện nay, công tác khảo sát, thiết kế 33 trạm đã hoàn thành. Viettel đã chủ động đàm phán ký hợp đồng dịch vụ được 40% số trạm. Tuy nhiên, khi chưa có doanh nghiệp dự án, các nội dung pháp lý đến ký hợp đồng dịch vụ, mua sắm thiết bị, bảo lãnh ngân hàng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Trọng Vinh, Công ty TNHH thu phí tự động VETC:
Doanh thu của VETC hiện chỉ đạt khoảng 10% so với phương án tài chính

Dự án giai đoạn 1 có 44 trạm, trong đó, VETC lắp đặt 27 trạm, đến nay đã vận hành 23 trạm, các trạm còn lại cuối tháng 12 sẽ hoàn thành vận hành, đảm bảo yêu cầu. 17 trạm do nhà đầu tư BOT tự đầu tư và kết nối dữ liệu với VEC, đã hoàn thành kết nối 4 trạm, 13 trạm sẽ hoàn thành kết nối trong tháng 12/2019. VETC đã kết nối với 7 ví điện tử để nạp tiền vào tài khoản giao thông, tạo điều kiện thanh toán thuận tiện cho khách hàng. Đến nay, VETC đã dán được khoảng 800.000 trong tổng số 3 triệu phương tiện.

Tiến độ dự án đảm bảo yêu cầu nhưng việc ký hợp đồng dịch vụ gặp vướng mắc do nhà đầu tư BOT chưa đồng ý về mức phí dịch vụ. Doanh thu của VETC hiện chỉ đạt khoảng 10% so với phương án tài chính và dự án đang lỗ khoảng 300 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều trạm đã hoàn thành thu phí nhưng VETC chưa được hưởng phí dịch vụ”, ông Vinh cho biết.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.