Hạ tầng

Gỡ khó giải phóng mặt bằng 3 dự án cao tốc qua Quảng Bình, Quảng Trị

06/10/2022, 17:40

Những vấn đề vướng mắc, phát sinh trong bồi thường giải phóng mặt bằng đã được Bộ cùng với 2 tỉnh từng bước tháo gỡ.

Chiều nay (6/10), tiếp tục chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đã có buổi làm việc với 2 tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị về công tác GPMB.

Nhiều vấn đề phát sinh khi bồi thường, GPMB

Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua 2 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị gồm 3 dự án thành phần, chia làm 3 đoạn: Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ. Tổng chiều dài 158,7km. Toàn bộ phần bồi thường giải phóng mặt bằng được giao cho các địa phương thực hiện.

img

Dự kiến vào tháng 12/2022, Bộ GTVT sẽ khởi công các dự án thành phần cao tốc Bắc Nam giai đoạn 2. (Ảnh: Thi công Dự án cao tốc đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt)

Ông Đoàn Ngọc Lâm - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho biết: Hiện tại, Hội đồng GPMB các địa phương đã hoàn thành công tác trích đo theo mốc GPMB và đang tiến hành kiểm kê, kiểm đếm đất, tài sản trên đất. Trong đó, có TP Đồng Hới và huyện Quảng Trạch ban hành quyết định duyệt phương án bồi thường và tiến hành chi trả cho các hộ dân. Cùng đó, tỉnh cũng đang tiến hành thẩm định và quy hoạch các khu tái định cư.

Về mỏ vật liệu và bãi đổ thải, ông Lâm cho biết: Đến nay tỉnh đã quy hoạch chi tiết và cung cấp sơ đồ cho các đơn vị tư vấn và các Ban QLDA. Ở Quảng Bình, chúng tôi coi đất bóc phong hóa là tài nguyên nên giao cho các huyện bố trí điểm tập kết để lưu trữ, sau này hình thành mỏ vật liệu san lấp. Chỉ một phần rất nhỏ không tận dụng được sẽ đưa đi đổ tại các vị trí được chỉ định.

Trong công tác GPMB, ông Lâm kiến nghị: Đối với các công trình đặc thù như trường học, chợ, trụ sở ủy ban (thuộc Thị xã Ba Đồn) bị đường cao tốc cắt ngang, mất đi 1 nửa, hoặc 1 phần diện tích... theo quy định chỉ được đền bù phần bị ảnh hưởng. Nhưng với diện tích và hạng mục còn lại thì không đủ điều kiện để tiếp tục sử dụng, vì vậy tỉnh kiến nghị Bộ GTVT xem xét phương án cho di dời toàn bộ.

img

Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng luôn gặp rất nhiều khó khăn bởi các vấn đề vướng mắc phát sinh (Ảnh: GPMB cao tốc đoạn qua huyện Hưng Nguyên, Nghệ An)

Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: Dự án cao tốc đi qua Quảng Trị có chiều dài 32,5km, trong đó có 9km đi qua khu vực dân cư, còn lại là rừng cao su, đất nông nghiệp. Hiện các huyện đang triển khai kiểm đếm và áp giá đền bù. Phấn đấu đến 20/11/2022 sẽ bàn giao 70% mặt bằng đảm bảo điều kiện để Bộ tổ chức khởi công dự án.

Ở Quảng Trị thời điểm này bắt đầu phát sinh vấn đề vướng mắc, ông Tiến nói: 12 khu tái định cư, tỉnh giao cho 3 huyện làm chủ đầu tư. Huyện đã chọn vị trí, lập quy hoạch chi tiết, nhưng định mức xây dựng trong khu tái định cư chỉ là 300m2/suất. Người dân thuộc diện tái định cư ở Quảng Trị chủ yếu là người nông thôn. Họ mất rất nhiều đất ở, đất vườn. Giờ họ mong muốn được giao thêm đất sản xuất liền kề ngay trong khu tái định cư để ổn định cuộc sống. Tỉnh đề nghị Bộ GTVT xem xét, kiến nghị điều chỉnh khung chính sách, nhằm đảm bảo tiêu chí “nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ”, như Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.

img

Ông Lê Đức Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nêu các vấn đề phát sinh khi GPMB.

Ngoài ra, ông Tiến cũng kiến nghị về giá đất. Hiện chưa có quy định mới về khung giá đất ở. Luật Đất đai, Nghị định và Thông tư hướng dẫn đều yêu cầu đền bù theo giá thị trường, nhưng giá đất hiện lên xuống thất thường, tỉnh gặp rất nhiều khó khăn trong trong việc xác định giá.

Giải bài toán áp giá đền bù đất ở theo giá thị trường

Sau khi lắng nghe các ý kiến, Thứ trưởng Lê Đình Thọ đánh giá rất cao những nỗ lực của 2 tỉnh trong công tác GPMB. So với nhiều địa phương khác, các tỉnh Khu vực Bắc Miền Trung đang GPMB rất tốt; đáp ứng khả năng đạt mốc bàn giao 70% mặt bằng vào ngày 20/11/2022.

img

Thứ trưởng Lê Đình Thọ yêu cầu tất cả các bước khi thực hiện phải có hồ sơ, làm một cách chắc chắn, đúng quy định của pháp luật.

Về kiến nghị của lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, Thứ trưởng Thọ cho rằng: Vấn đề này nằm trong thẩm quyền của tỉnh. Nếu tỉnh còn quỹ đất, có thể bồi thường cho người dân theo hình thức đất đổi đất lấy đất, hoặc vừa đổi, vừa đền bù một phần. Đây không phải là vấn đề mới mà chủ yếu là cách làm của tỉnh, cách giải thích làm sao cho dân hiểu.

Địa phương xây dựng phương án bồi thường GPMB, tái định cư, chính sách hỗ trợ... Bộ hoàn toàn đồng tình với các phương án tốt, giúp người dân đến nơi ở mới tốt hơn nơi ở cũ. Để hỗ trợ địa phương, Bộ sẽ ủy quyền cho Ban QLDA để thỏa thuận với địa phương trong phương án bồi thường GPMB, xây dựng khu tái định cư.

Riêng về giá đất, thị trường hiện nay biến động rất nhiều, tập trung chủ yếu vào đất ở. Theo quy định của pháp luật muốn xác định giá theo sát giá thị trường, các tỉnh phải thành lập hội đồng tư vấn, khảo sát xây dựng bảng giá đất cụ thể. Căn cứ vào đó, hội đồng GPMB địa phương thực hiện áp giá đền bù.

Đối với công trình di dời hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, cáp quang...), có thể đền bù để đơn vị chủ quản tự di dời. Trong trường hợp địa phương đứng ra thực hiện thì phải có sự ràng buộc, vào cuộc ngay từ đầu của các đơn vị chủ quản.

Đối với kiến nghị của tỉnh Quảng Bình, Thứ trưởng Thọ cho biết: Sẽ nghiên cứu kỹ lại hồ sơ, hướng tuyến. Đây cũng là vấn đề xảy ra ở các địa phương khác. Đề nghị các địa phương tập hợp lại để Bộ GTVT báo cáo xin ý kiến Ban chỉ đạo của Chính phủ.

Thứ trưởng cũng đặc biệt lưu ý, đây là dự án trọng điểm quốc gia, thực hiện chỉ định thầu nên tất cả các bước đều phải có hồ sơ, thực hiện một cách chắc chắn, đúng quy định, theo hướng “tối ưu nhất, hiệu quả nhất”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.