Hàng hải

Gỡ “nút thắt” hạ tầng kết nối cảng Lạch Huyện

31/01/2021, 07:01

Cảng nước sâu Lạch Huyện có tiềm năng rất lớn nhưng chưa hấp dẫn các hãng tàu bởi luồng bất ổn định, độ sâu trước bến và hạ tầng kết nối...

img

Hai bến khởi động tại Cảng Lạch Huyện đang có tăng trưởng ấn tượng về hàng hóa thông qua, đòi hỏi các bến cảng mới cần sớm được đầu tư để nâng cao khả năng đón tàu mẹ

Dù tiềm năng phát triển tại cảng nước sâu Lạch Huyện rất lớn, song thời gian qua, cảng cửa ngõ tại khu vực phía Bắc vẫn mất đi sức hấp dẫn bởi sự bất ổn định của luồng, độ sâu trước bến và hạ tầng kết nối...

Công suất khai thác chưa đạt kỳ vọng

Nhiều hãng tàu cho biết, 6 tháng qua, tuần nào cập cảng, tàu tải trọng hơn 100.000 DWT cũng phải giảm tải 20-30% lượng hàng so với kế hoạch ban đầu. Có những con tàu dự kiến xếp 18.000 tấn hàng nhưng cuối cùng chỉ xếp được hơn 14.000 tấn.

“Tình trạng này do bồi lắng nghiêm trọng tại hai bến khởi động cảng Lạch Huyện khi độ sâu trước cầu số 1 chỉ còn 8,5m, cầu số 2 là 9,6m. Trong khi đó, thủy diện trước bến theo thiết kế là 16m”, Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng Nguyễn Anh Vũ nói.

Theo nhận định của các doanh nghiệp vận tải biển, công suất khai thác tại cảng Lạch Huyện vẫn chưa đạt kỳ vọng do luồng hàng hải dẫn vào cảng cũng liên tục bị bồi lắng, hiện chỉ còn khoảng 12,5m so với chuẩn tắc là 14m. Bên cạnh bất cập về luồng lạch, giao thông kết nối cũng là “nút thắt” lớn.

Tại Đề án nâng cao hiệu quả quản lý khai thác cảng biển Hải Phòng và khu bến cảng Lạch Huyện, Cục Hàng hải VN nhận định, với tuyến đường vào bến cảng Lạch Huyện (đường Cầu Tân Vũ nối liên khu bến Lạch Huyện tại Cát Hải với hệ thống giao thông quốc gia) do hiện nay hàng hóa chưa nhiều nên chưa gây ra việc ùn tắc.

Theo quy hoạch Cát Hải 1/2000 chỉ có tuyến đường giao thông đồng mức. Khi các cầu bến cảng được đầu tư đưa vào khai thác, hàng hóa gia tăng, hạ tầng đường bộ không được đầu tư đồng bộ sẽ chắc chắn xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông. Điều này sẽ tương tự như tuyến đường 356 (rộng 68m) do không có đường gom và nút giao khác mức đi qua khu vực cảng Đình Vũ nên hiện nay giao thông thường xuyên bị tắc nghẽn.

Ông Nguyễn Tường Anh, TGĐ Công ty CP Cảng Hải Phòng cho rằng, tại khu vực Lạch Huyện, đường bộ vẫn là phương thức kết nối giao thông chính bởi thời gian vận chuyển nhanh, không phải nhiều lần bốc dỡ lên xuống so với vận chuyển bằng đường thủy. Vì vậy, TP Hải Phòng cần sớm xây dựng cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2 để tăng năng lực giải phóng hàng hóa từ Lạch Huyện đến các khu vực và ngược lại.

Ông Nguyễn Anh Vũ cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả khai thác cảng cửa ngõ Lạch Huyện, cơ quan chức năng cũng đang nghiên cứu, đề xuất nghiên cứu, mở rộng luồng Lạch Huyện hai chiều để thêm làn chạy tàu cho tàu biển ra, vào khu vực Đình Vũ và sông Cấm; Nghiên cứu thời điểm xây dựng cầu Tân Vũ 2 đáp ứng nhu cầu giải phóng hàng nhanh.

Gần 7.000 tỷ đồng đầu tư bến 3, 4 Lạch Huyện

Theo ông Vũ, sau hai năm kể từ khi được đưa vào khai thác, hai bến khởi động cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Lạch Huyện) đang có tốc độ tăng trưởng hàng hóa thông qua ấn tượng.

Nếu thời điểm từ tháng 5 - 12/2018, sản lượng hàng hóa thông qua hai bến cảng Lạch Huyện chỉ đạt khoảng 6% công suất (hơn 65.000 Teus), đến hết năm 2019, con số này tăng trưởng 40%. Trong năm 2020, sản lượng hàng hóa thông qua đã đạt 650.000 Teus (chiếm 15% tổng sản lượng hàng hóa container thông qua cảng biển Hải Phòng), tăng trưởng 50% so với năm trước.

Thông tin về tiến độ dự án đầu tư xây dựng hai bến cảng số 3, 4 cảng Lạch Huyện, ông Nguyễn Tường Anh cho biết, ngay sau khi có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ (10/2019), đơn vị gấp rút thực hiện các thủ tục chuẩn bị đầu tư. Đến nay đã lập thiết kế cơ sở, phương án phòng cháy chữa cháy, thủ tục đánh giá tác động môi trường.

Do dự án đầu tư xây dựng hai bến 3, 4 Lạch Huyện có tổng mức đầu tư gần 7.000 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ của công ty nên trước khi tiến hành các bước đấu thầu, đơn vị phải báo cáo với cổ đông lớn là Tổng công ty Hàng hải VN. Khi được tổng công ty cho ý kiến, đơn vị sẽ tổ chức Đại hội cổ đông bất thường để phê duyệt dự án (dự kiến vào tháng 3/2021).

Dự kiến, quý III/2021, dự án đầu tư xây dựng hai bến tại cảng Lạch Huyện sẽ được khởi công. Trong đó, cuối năm 2023, cầu bến số 3 sẽ được hoàn thành và đưa vào khai thác. Cầu bến số 4 sẽ được hoàn thiện sau đó 2 năm (2025). Hai bến 3, 4 sẽ có tổng chiều dài 750m, khả năng tiếp nhận tàu container trọng tải đến 160.000 DWT đáp ứng sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 1,1 triệu Teus/năm.

Cảng hiện hữu tại Hải Phòng có ảnh hưởng?

Trước câu hỏi về việc khi Công ty CP Cảng Hải Phòng tập trung nguồn lực phát triển hai bến số 3, 4 tại cụm cảng Lạch Huyện, lượng hàng tại các cảng container trong sông Cấm có bị ảnh hưởng, ông Nguyễn Tường Anh nhận định, khi các bến container ngoài Lạch Huyện đi vào hoạt động, các cảng container như Đình Vũ, Tân Vũ sẽ không tránh được ảnh hưởng về sản lượng do một số hãng tàu tăng kích cỡ để vào cảng nước sâu.

Tuy nhiên, mục tiêu các bến container tại Lạch Huyện hướng đến là các tuyến vận tải xa, từ Hải Phòng đi trực tiếp châu Âu, Mỹ. Các cảng phía trong như: Đình Vũ, Tân Vũ sẽ vẫn giữ nguyên công năng tiếp nhận tàu hàng container cỡ nhỏ (dưới 2.000 Teus).

Còn theo ông Nguyễn Anh Vũ, lường trước tình huống thị trường container dịch chuyển sau khi các bến cảng ở Lạch Huyện lần lượt ra đời nên tại Thông tư 54/2018, Bộ GTVT đã đặt mức giá sàn dịch vụ xếp dỡ tại cảng biển khu vực trong sông Cấm, Bạch Đằng thấp hơn giá xếp dỡ tại Lạch Huyện nhằm điều tiết, cân bằng hàng hóa giữa các khu vực.

Khu vực cảng nước sâu sẽ phù hợp với hãng tàu lớn, có lượng hàng nhiều. Những hãng tàu nhỏ, chạy tuyến ngắn vẫn sẽ lựa chọn các cảng phía trong để tiết kiệm chi phí.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.