Cuộc sống an toàn

Gỡ vướng đào tạo cấp GPLX cho đồng bào thiểu số ở Bình Thuận

17/12/2021, 15:15

Tỉnh Bình Thuận ban hành quy định mới để tạo thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) được thi và cấp bằng lái xe.

Luật Giao thông đường bộ quy định điều kiện của người lái xe tham gia giao thông là phải có giấy phép lái xe (GPLX) phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Tuy nhiên, hiện nay đang tồn tại tình trạng nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại một số xã, huyện miền núi vùng sâu, vùng xa nhiều tỉnh, thành trên cả nước vẫn chưa có GPLX khi lưu thông trên đường.

Gỡ khó trong đào tạo cấp GPLX

Giữa năm 2021, tỉnh Bình Thuận đã có giải pháp mới tạo điều kiện cho người dân có nhu cầu được tiếp cận học và thi sát hạch, cấp GPLX theo bộ đề riêng. Đây là giải pháp mang tính đột phá nhằm tháo gỡ, tạo thuận lợi cho người dân đồng bào DTTS trong việc học và sát hạch lái xe.

img

Ảnh minh họa

Theo người dân huyện Bắc Bình (nơi có đông bà con đồng bào Chăm cư trú) những năm qua đời sống đồng bào được nâng cao, đường sá thuận lợi nên thường xuyên sử dụng xe mô tô di chuyển và vận chuyển hàng hóa.

Trong đó có một số người lớn tuổi nhưng không biết chữ nên chưa có GPLX mô tô theo quy định. Do vậy vẫn có tình trạng người điều khiển mô tô, xe máy chưa có GPLX vẫn ra đường chạy “chui” vi phạm Luật giao thông. Do vậy khi được lãnh đạo tỉnh tạo điều kiện cho người dân không biết chữ có thể học và thi riêng nên họ rất vui mừng.

Anh Quách T, một người dân tộc Chăm ở huyện Bắc Bình cho biết, phần lớn số thanh thiếu niên đồng bào tại các xã miền núi đều được đi học và biết chữ nên có thể học và thi lái xe mô tô, ô tô bình thường. Thực tế hầu hết người dân đều biết chữ có thể tự học theo chương trình đào tạo hiện hành và thi khi trượt thì thi lại, đậu và được cấp GPLX.

Tuy nhiên cũng có một số ít người lớn tuổi chưa biết chữ nên việc học và thi sát hạch để có bằng lái gặp trở ngại. “Việc UBND tỉnh, Sở GTVT có hướng dẫn quy định mới tạo điều kiện cho thi bằng lái đối với người không biết chữ là rất cần thiết. Bởi xe máy là phương tiện chính của người dân đi lại và chở hàng nông sản”, anh T cho hay.

Đào tạo kết hợp tuyên truyền ATGT

Theo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận để tạo điều kiện cho đồng bào thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh, tháng 5/2021, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ban hành ký Quyết định về đào tạo, sát hạch cấp GPLX mô tô hai bánh hạng A1 đối với đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt trên địa bàn tỉnh.

img

Tỉnh Bình Thuận đã ban hành quy trình đào tạo cấp bằng riêng cho đồng bào DTTS tạo thuận lợi cho học viên được cấp GPLX.

Đối tượng áp dụng quy định mới này dành cho đồng bào dân tộc thiểu số không biết đọc, viết tiếng Việt đủ 18 tuổi trở lên (tính đến ngày dự sát hạch). Các học viên khi học và thi sát hạch sẽ được Trung tâm đào tạo và sát hạch lái xe hướng dẫn theo cơ chế đặc thù.

Thí sinh dự sát hạch không biết ký tên thì được điểm chỉ (lăn tay) vào bài sát hạch lý thuyết, biên bản tổng hợp kết quả sát hạch. Đối với những thí sinh không nói, nghe được tiếng Việt phải có người phiên dịch.

Ông Lê Bảy - Trưởng phòng quản lý vận tải người lái và phương tiện Sở GTVT Bình Thuận cho biết, đối với học viên giáo án đào tạo được biên soạn riêng. Những tháng qua do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên công tác đào tạo, sát hạch cho đồng bào DTTS chưa được triển khai.

Để thi và sát hạch đối với đồng bào dân tộc, Sở đã xây dựng nội dung giáo án tập trung chủ yếu vào nhận diện hệ thống biển báo hiệu đường bộ, điều kiện để tham gia giao thông, quy tắc giao thông đường bộ, các hành vi bị nghiêm cấm...

Sử dụng phương pháp giảng dạy trực quan, chủ yếu bằng hình ảnh, bằng động tác mẫu, bằng chỉ dẫn và hỏi đáp. Khi giảng dạy các Trung tâm sát hạch yêu cầu phải có đầy đủ hình ảnh mẫu về những vi phạm Luật giao thông. Thời lượng đào tạo lý thuyết là 10 giờ và đào tạo thực hành là 2 giờ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.