Hồ sơ tài liệu

Góc khuất sau những siêu tàu du lịch tại xứ sở ăn chơi Venice

09/06/2021, 08:28

Trong mùa hè này, tàu Costa Deliziosa của Costa Cruise cũng có lịch trình sử dụng Venice làm cảng xuất phát cho hành trình từ ngày 26/6.

img

Những con tàu du lịch khổng lồ mang lại lợi ích kinh tế nhưng tiềm ẩn nguy cơ môi trường sinh thái

Đằng sau những chuyến tàu du lịch biển hào nhoáng, có lộ trình đi qua thành phố kênh đào Venice là những bế tắc chính trị, giằng co giữa lợi ích kinh tế hay môi trường của chính quyền Italy nói chung và Venice nói riêng.

Bế tắc, tranh cãi suốt nhiều năm

Cuối tháng 4 vừa qua, Chính phủ Italy công bố nghị định chuẩn bị cấm tàu biển và tàu thương mại cỡ lớn vào phá Venetian và kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng cảng mới bên ngoài phá.

Tuy nhiên, chỉ 15 ngày sau, Tập đoàn Vận hành tàu du lịch biển MSC Cruise lại thông báo lịch trình của siêu du thuyền MSC Orchestra, đi qua kênh đào Giudecca nằm trong trong phá Venetian, Quảng trường lịch sử St Mark và cập cảng trung tâm TP Venice ngày 5/6.

Trong mùa hè này, tàu Costa Deliziosa của Costa Cruise cũng có lịch trình sử dụng Venice làm cảng xuất phát cho hành trình từ ngày 26/6. Những thông báo bất nhất từ Chính phủ với các hãng tàu khiến dư luận khó hiểu và một lần nữa cho thấy sự bế tắc của chính quyền Italy trong bài toán chọn lợi ích kinh tế hay bảo vệ môi trường tồn tại suốt nhiều năm nay.

Lâu nay, để đi đến cảng Venice trong trung tâm thành phố, những con tàu khổng lồ như những tòa nhà di động sẽ đi qua Quảng trường St Mark (Di sản Thế giới UNESCO), di chuyển dọc kênh Giudecca - phân tách giữa trung tâm Venice với đảo Giudecca. Con kênh này là tuyến đường thủy quan trọng cho giao thông phà và dịch vụ “taxi” dưới nước.

Một số các nhà phê bình phản đối tàu biển cho rằng, sự xuất hiện của những con tàu khổng lồ sẽ phá hoại cảnh quan lịch sử độc đáo. Chưa kể, tàu biển khổng lồ làm thay đổi tiêu cực hệ sinh thái trong phá, tổn hại tới thành phố vì sóng nước rất mạnh khi tàu lớn di chuyển.

Thực tế, đã từng xảy ra một số vụ tai nạn liên quan tới tàu biển, như vụ việc xảy ra vào khoảng tháng 6/2019 liên quan đến tàu MSC Opera khi con tàu này đâm vào một con thuyền nhỏ, làm hư hại vỉa hè của thành phố Venice, khiến 4 người bị thương.

Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ dư luận, các chuyên gia và chính trị gia ủng hộ lại nhấn mạnh đến lợi ích kinh tế. Đó là khoảng 4.200 nhân công liên quan tới ngành công nghiệp tàu du lịch biển, bao gồm hơn 1.700 việc làm có liên quan trực tiếp tới hành khách, hãng tin CNN dẫn số liệu từ cảng Venice cho biết.

“Tàu biển rất quan trọng với chúng tôi... Cảng Venice tạo ra thu nhập cho thành phố và đó là những nguồn tiền rất chất lượng từ chi tiêu của hành khách và những người ở lại thăm quan”, ông Andrea Tomaello, Phó Thị trưởng Venice cho biết.

Số liệu năm 2018, thời điểm tàu biển hoạt động bình thường nhất trước khi Venice hứng chịu một loạt cơn bão lớn rồi dịch bệnh Covid-19 kéo dài, cho thấy có khoảng 1,8 triệu hành khách đi qua Venice và chi tiêu khoảng 67 triệu USD. Venice đang là cảng bận rộn thứ 2 của Italy và đông đúc thứ 5 của Địa Trung Hải.

Quan trọng hơn cả, theo phó thị trưởng thành phố này, Venice là cảng xuất phát (homeport) lớn nhất của Italy, tức là hành khách gần như ở lại thành phố trước và sau hành trình rồi bay tới các sân bay địa phương. Ước tính, ngành du lịch biển mang về 3,2% tổng sản phẩm nội địa (GDP).

Loay hoay các phương án giải quyết

img

Biểu tình phản đối tàu biển là cảnh tượng thường thấy tại Venice

Hiện đang có 3 đến 4 đề xuất để cải thiện tình hình tại cảng được đệ trình lên chính quyền trung ương tại Rome. Phương án thứ nhất là cho phép tàu tiếp tục đi qua kênh Giudecca, một trong số ít các tuyến đủ sâu để cho tàu du thuyền cỡ lớn.

Phương án thứ hai là chuyển cảng dành cho siêu du thuyền tới Porto Marghera, nơi có sẵn một cảng thương mại ngay cạnh trung tâm công nghiệp Marghera, cũng thuộc TP Venice.

Nhưng để tới Marghera, các tàu sẽ không sử dụng kênh Giudecca, bỏ qua khu vực trung tâm thành phố và đi qua bến tàu Fusina vốn dành cho phà để cập cảng thương mại tại Marghera.

Cuối cùng, còn một lựa chọn nữa là xây dựng cảng mới ở một nơi nào đó bên ngoài phá Venetian, với lợi thế sẽ tránh được tác động tới môi trường nhưng lại cần rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Trước đó, hồi năm 2019, Bộ trưởng Giao thông Italy đã thông báo kế hoạch thay đổi tuyến theo phương án thứ 2. Lúc đó, phương án này được ca ngợi là bước tiến mới của Chính phủ Italy nhưng cuối cùng lại bị xếp xó.

Tiếp đó, đến tháng 12/2020, chính phủ cùng đại diện chính quyền địa phương công bố cam kết tái thực hiện kế hoạch năm 2019. Chính quyền cảng nhanh chóng xây dựng thủ tục đấu thầu xây dựng nhà ga riêng cho tàu du lịch biển.

Khi kế hoạch gần xong, chính phủ đương nhiệm đã ra quyết định ngày 31/3 nêu trên, không bàn đến việc xây dựng cảng cho du thuyền ngoài Marghera nữa. Tình trạng “trống đánh xuôi kèn thổi ngược” này khiến người lao động nói riêng, toàn ngành công nghiệp tàu biển thế giới hoang mang.

Phó Thị trưởng Venice Andrea Tomaello cho rằng: “Điều quan trọng nhất đối với chúng tôi đó là phải có quyết định rõ ràng cho người lao động”.

TP Venice đã tổn thất không nhỏ khi chính quyền trung ương chần chừ quyết định. Tập đoàn tàu biển Royal Caribbean đã rời cảng Venice từ nay cho đến ít nhất là năm 2021, chuyển sang cảng Ravenna cách phá Venetian khoảng 2,5 giờ di chuyển về phía Nam.

Costa Cruises, một tập đoàn tàu biển lớn khác, đang sử dụng Venice làm cảng xuất phát với tàu Costa Deliziosa trong năm nay nhưng lại chuyển phần lớn hoạt động của các tàu khác đến cảng nước sâu Trieste, cách phía Đông Venice khoảng 2 giờ di chuyển. Ông Tomaello lo ngại, tương lai bất định của phá Venetian sẽ khiến thêm nhiều công ty tàu biển rời thành phố.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.