Xã hội

Góc khuất “thần dược” sâm Ngọc Linh

07/02/2021, 07:19

Người dân bán cả thân, lá sâm Ngọc Linh, tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng tự nhiên, giảm giá trị của cây sâm...

img

Lá sâm Ngọc Linh có giá bán lên đến 15 triệu đồng/kg

Đến giờ, chẳng ai hoài nghi về chất lượng lẫn giá trị kinh tế của cây sâm trên đỉnh Ngọc Linh (giáp ranh hai tỉnh Quảng Nam, Kon Tum) nhưng ít ai biết thị trường giao dịch loại “thần dược” này vẫn có những gam màu sáng tối.

Lớ ngớ vớ phải sâm Ngọc Linh giả

Những ngày cuối năm, anh Trung, Giám đốc một doanh nghiệp ở TP HCM lặn lội lên huyện Nam Trà My (Quảng Nam) với hy vọng mua được sâm Ngọc Linh chuẩn.

Theo chỉ dẫn của người dân, anh vào sâu trong thôn Tăk Ngo (thôn 2), một trong hai thôn (cùng thôn 3, xã Trà Linh) được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh. Vừa vào quán tạp hóa đầu làng, anh chủ quán Lê Viết Ân nhắc: “Vào đến đây cũng chưa hẳn mua được sâm chuẩn. Thương lái săn lùng nhiều lắm, thật giả khó lường. Muốn mua sâm tại vườn phải có người quen giới thiệu”.

Rồi chủ quán lấy điện thoại gọi cho hai người dân địa phương. Sau hồi trao đổi, mỗi lạng sâm tại vườn được chốt giá 21 triệu đồng nhưng phải đợi đến 14h chiều mới có. Anh Ân lấy ra một vài loại sâm nhỏ, 3 năm tuổi có giá 9,5 triệu đồng/100g vừa mua của người dân trong làng. “Nhiều giá, nhiều loại lắm, tùy năm tuổi”, anh Ân nói.

Tiếp tục đi sâu vào thôn 2, anh Trung được một chủ hàng tạp hóa khác chào bán loại sâm còn nguyên củ, thân, lá, với giá 13,5 triệu đồng/100g. Nhìn bề ngoài, loại sâm này củ ngắn và to hơn, thân cây thấp, mập, lá ít và vàng hơn... Như chưa “ưng cái bụng”, anh Trung quyết bám lại thủ phủ sâm Ngọc Linh để chọn đúng loại kỳ vọng.

Anh Trung từng ra chợ sâm do tỉnh Quảng Nam tổ chức, loại sâm Ngọc Linh rẻ nhất có giá 70 triệu đồng/kg, loại 4 giá 80 triệu đồng/kg, loại 3 giá 90 triệu đồng/kg, loại 2 giá 100 triệu đồng/kg, còn loại 1 giá 200 triệu đồng/kg.

“Nhưng khi hỏi mua, hầu hết các chủ quầy cho hay, sâm loại 3, 4, 5 đề bảng vậy chứ không có hàng bán. Hỏi kỹ, họ bảo chỉ có hàng từ 100 triệu - 500 triệu đồng/kg. Lúc ấy, tôi có cảm giác rơi vào “ma trận”, lớ ngớ không mua được sâm thật”, anh Trung chia sẻ.

Muôn kiểu tận diệt sâm Ngọc Linh

img

Anh Lê Viết Ân, chủ quán tạp hóa ở thôn Tăk Ngo giới thiệu sâm Ngọc Linh cho khách

Kỹ sư Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Kỹ thuật nông nghiệp huyện Nam Trà My cho biết, để tận thu, thời gian qua, người dân bán cả thân, lá sâm Ngọc Linh. Điều này tác động tiêu cực đến quá trình sinh trưởng tự nhiên, giảm giá trị của cây sâm.

“Do cung không đủ cầu, không chỉ sâm củ Ngọc Linh liên tục tăng giá mà giá lá sâm, hạt sâm cũng tăng mạnh. Lúc trước, 1kg lá sâm được bán 800.000 - 1 triệu đồng, nay có giá trên dưới 15 triệu đồng. 1 hạt sâm lúc trước chỉ 50.000 đồng, nay tăng lên 200.000 đồng”, ông Quý thông tin.

Theo lý giải của kỹ sư Trịnh Minh Quý, sâm Ngọc Linh chỉ phát triển, tồn tại ở độ cao từ 1.200m trở lên, nhiệt độ trung bình từ 20-21 độ C, ở nơi có rừng nguyên sinh với tán che phủ ít nhất 70%, độ mùn của lá cây tích tụ lâu năm dày trên 10cm, độ ẩm 80% trở lên.

Từ các điều kiện trên, cây sâm tự phát triển, hình thành thân, rễ, củ, đến mùa lạnh nó “ngủ đông”, tự trút lá, teo cây. Củ sâm nằm im dưới đất, sang mùa xuân lại nứt lộc, mọc thân cây mới. Sau 3 năm kể từ khi trồng, cây sâm sẽ ra hoa, kết trái, tự nhân thêm cây mới, rồi lại trút lá, ngủ đông...

Thế nhưng, theo ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh (huyện Nam Trà My), hiện nay có nhiều người mua cây giống sâm Ngọc Linh mang về trồng ở vùng đồi núi thấp, bón phân hữu cơ, thậm chí cả phân vô cơ.

Các hành vi làm giảm giá trị cây sâm Ngọc Linh này đều bị cấm ở xã Trà Linh, tuy nhiên thật khó kiểm soát, phát hiện, xử lý vì có cả người dân, doanh nghiệp, đơn vị Nhà nước cùng tham gia trồng sâm trên địa bàn.

Ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, trong những năm qua, đặc biệt từ năm 2013 - 2015, công tác sản xuất cây giống sâm Ngọc Linh gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, điều kiện sản xuất chưa đáp ứng yêu cầu; quy trình kỹ thuật chưa phù hợp với điều kiện thực tiễn, vì vậy phải chấn chỉnh ngay từ khâu sản xuất cây giống.

Theo ông Bửu, hiện nay tỉnh Quảng Nam đang triển khai, thực hiện các hợp phần của dự án Bảo tồn sâm Ngọc Linh, trong đó có hợp phần ứng dụng công nghệ IoT&Blockchain để quản lý, kiểm soát, truy xuất nguồn gốc, chất lượng chuỗi sản phẩm sâm củ Ngọc Linh.

Đồng thời, đẩy mạnh công tác điều tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp đưa các loại giống giả sâm Ngọc Linh vào trồng trên địa bàn, cũng như việc trao đổi mua bán các sản phẩm giả sâm Ngọc Linh.

Nhức nhối nạn trộm sâm Ngọc Linh

Ông Hồ Văn Thể, Chủ tịch UBND xã Trà Linh (Nam Trà My) cho biết, toàn xã có 3 thôn với 693 hộ tham gia trồng sâm Ngọc Linh. Bà con cũng đã hình thành 60 chốt để bảo vệ sâm 24/24h. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng mất trộm sâm Ngọc Linh vẫn thường xuyên xảy ra.

Thượng tá Mai Xuân Sang, Trưởng Công an huyện Nam Trà My cho hay, Công an huyện đã xử lý nhiều vụ án liên quan đến hành vi trộm cắp sâm Ngọc Linh. Mới đây nhất, ngày 22/12/2020, Công an huyện bắt khẩn cấp Hồ Văn Phân (28 tuổi, trú thôn 3, xã Trà Linh) để điều tra về hành vi trộm 10 củ sâm Ngọc Linh, nặng 400g, trị giá 37 triệu đồng. Trước đó, Công an huyện Nam Trà My đã bắt giữ, điều tra, khởi tố 8 đối tượng về tội trộm cắp sâm Ngọc Linh. Điều đáng nói, cả 8 đối tượng đều là thanh niên Xê Đăng ở địa phương và có quan hệ họ hàng, làng xóm với những nạn nhân.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.