Hồ sơ tài liệu

Góc khuất xu hướng dùng trí tuệ nhân tạo để quản lý nhà nước ở Trung Quốc

14/06/2021, 19:00

Nếu không cẩn trọng và tính toán kỹ lưỡng, cách làm này có thể gây lãng phí, hình thành thói quan liêu...

img

Quận Haidian, Bắc Kinh ứng dụng hệ thống trí thông minh nhân tạo trong quản lý đô thị

Theo SCMP, chính quyền các cấp tại Trung Quốc đang đua nhau ứng dụng công nghệ trí thông minh nhân tạo (AI) vào hoạt động quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, nếu không cẩn trọng và tính toán kỹ lưỡng, cách làm này có thể gây lãng phí, hình thành thói quan liêu, tiềm ẩn nguy cơ thông tin cá nhân bị lợi dụng…

“Bộ não thành phố”

Những ngày gần đây, quận Linshu miền Đông Trung Quốc có thêm một trung tâm mới có màn hình cực lớn, choán toàn bộ bức tường phía trước trụ sở quận.

Đây chính là nơi thu thập toàn bộ hình ảnh từ 10.838 camera theo dõi được lắp đặt trên toàn địa bàn, cung cấp thông tin thực về 600.000 người dân địa phương, cho phép chính quyền tiếp cận mọi chi tiết được cập nhật lên cơ sở dữ liệu của chính phủ và tất cả khiếu nại từ người dân địa phương.

Hệ thống này được gọi là “bộ não thành phố”, sử dụng trí thông minh nhân tạo để hỗ trợ công tác quản lý Nhà nước.

Nếu như trước đây chỉ có những siêu thành phố của nước này mới quan tâm và chịu chi để lắp đặt thì nay chính quyền khắp quận, huyện, tỉnh, thành tại Trung Quốc đua nhau ứng dụng mô hình “bộ não thành phố” vào mọi hoạt động.

Đó có thể là truy vết dịch bệnh Covid-19, theo dõi việc tụ tập đông người nơi công cộng cho đến phát hiện ô nhiễm sông ngòi.

Quận Haidian thuộc thành phố Bắc Kinh đã xây dựng mô hình quản lý như vậy từ tháng 2, cho phép địa phương ước tính có bao nhiêu ngôi nhà bị bỏ trống nhờ quan sát lượng tiêu thụ điện.

Henshui, một quận nhỏ dân số 150.000 người thuộc tỉnh Gansu cũng vừa ký thỏa thuận với tập đoàn viễn thông Huawei để lắp đặt một hệ thống tương tự. Quận Linshu được nhắc tới ở trên bắt đầu ứng dụng hệ thống từ tháng trước…

Một trong những yếu tố thúc đẩy các địa phương tăng cường ứng dụng đó là nhu cầu kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và sự phát triển nhanh chóng của công nghệ. Từ đây, AI đã được áp dụng rộng rãi và biến hóa thêm nhiều chức năng khác nhau.

Thực chất, khái niệm “thành phố thông minh” đã được bàn đến tại Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước, trong đó chính quyền sẽ thu thập dữ liệu qua một mạng lưới kết nối Internet và sử dụng máy tính để phân tích dữ liệu rồi đưa ra đề xuất.

Chẳng hạn như thu thập dữ liệu đường sá, giúp chính quyền địa phương quyết định có cần xây dựng đường mới hay không.

Nhưng, trong cách Trung Quốc áp dụng hiện nay, AI được ứng dụng sâu rộng với nhiều mục đích hơn, điển hình như mô hình “bộ não thành phố” đầu tiên được phát triển tại Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang năm 2016 do Công ty công nghệ Alibaba thực hiện.

Ban đầu, hệ thống này được ứng dụng để kiểm soát hệ thống đèn giao thông trong thành phố từ đó cải thiện tốc độ giao thông lên 15%.

Nhưng sau đó, Alibaba đã phát triển chính công nghệ này lên mức có thể sử dụng để giả lập những sự kiện quy mô lớn như bị tấn công khủng bố và dạy hệ thống cách xử lý hay dự đoán Hàng Châu có thể phát triển như thế nào trong những thập kỷ tới.

Nguy cơ hình thành thói quan liêu thời kỹ thuật số

Bên cạnh vô vàn lợi ích và thuận tiện, ứng dụng công nghệ này tồn tại một số vấn đề và tiềm ẩn nhiều hệ luỵ đáng kể. Trước hết là chi phí thực hiện không hề rẻ. Một “bộ não thành phố” tại Hải Khẩu, thủ phủ tỉnh Hải Nam có giá hơn 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 156,3 triệu USD).

Hệ thống này thường liên quan tới 2 phần: Một phần kho lưu dữ liệu và xử lý; phần còn lại là nơi chứa hệ thống máy tính hiệu năng cao.

Chi phí mỗi hệ thống sẽ tùy thuộc vào quy mô và mức độ phức tạp, trung bình dao động khoảng vài trăm triệu nhân dân tệ, theo thông tin từ truyền thông và các trang web của chính phủ.

Vì vậy, ông Suo Liming, Giáo sư Khoa Quản lý Nhà nước thuộc Đại học Nankai, Thiên Tân đặt vấn đề, liệu những hệ thống này có thực sự cần, đặc biệt ở những khu vực nhỏ.

“Kinh phí xây dựng một hệ thống như vậy thực sự đắt và nếu đầu tư những khoản tiền lớn chỉ để giúp chính quyền khu vực đưa ra một quyết định nhỏ thì thực sự là không kinh tế”, ông Suo nhấn mạnh.

Vị học giả còn chỉ ra: “Nếu các chính quyền địa phương vội vàng xúc tiến mà thiếu kiểm duyệt, rất có thể dẫn đến lắp đặt ồ ạt, lãng phí nguồn lực và nhiều vấn đề khác”.

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia và người dân Trung Quốc cũng e ngại về an ninh dữ liệu và thông tin cá nhân, thậm chí là cả nguy cơ phát sinh thói “quan liêu thời kỹ thuật số” (dùng trí tuệ nhân tạo để kiểm soát mọi vấn đề, ngóc ngách trong xã hội) khi công nghệ AI được triển khai sâu rộng.

Ông Liang Zheng, Giáo sư Khoa Quản lý và Chính sách Công tại Đại học Thanh Hoa thừa nhận hiệu quả của ứng dụng công nghệ nhưng lưu ý an ninh dữ liệu là vấn đề rất lớn.

Theo ông, trong thời điểm này, việc đề phòng, kịp thời ngăn chặn các đối tác của chính phủ khai thác dữ liệu công vì mục đích thương mại là vô cùng quan trọng.

Giáo sư về quản lý thông tin tại Đại học Phúc Đán, Thượng Hải Liu Jie chỉ ra một nguy cơ khác đó là khả năng xã hội sẽ bị quá phụ thuộc vào AI. Khi hệ thống này dần dần đi sâu và mở rộng, con người bị dẫn theo cuộc sống được hoạch định sẵn, không còn sáng tạo trong khi chính phủ lại đi theo thể chế kỹ trị, ông Liu nói.

Đôi khi, chính sự thông minh của hệ thống giám sát, quản lý khiến một bộ phận lãnh đạo địa phương tại Trung Quốc ngần ngại áp dụng sâu. Bởi, nhiều hệ thống quản lý giúp đẩy nhanh quá trình tiếp nhận xử lý khiếu nại từ người dân, phát hiện các vấn đề trong quá trình quản trị và hành vi tham nhũng…

Đơn cử, nếu có một cán bộ hoặc người thân của cán bộ tham gia đấu thầu một dự án Nhà nước, hệ thống thông minh có dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau hoàn toàn có thể phát hiện và chỉ ra sai phạm.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.