Thị trường

Gói hỗ trợ phục hồi kinh tế: Làm sao để tiền không vào tiêu dùng, đầu cơ?

05/12/2021, 13:39

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường nhấn mạnh vấn đề hấp thụ của nền kinh tế khi thực hiện gói hỗ trợ phục hồi sau dịch.

Lo tiền "đi" vào kênh tiêu dùng, đầu cơ

Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 sáng nay (5/12), ông Hoàng Văn Cường phân tích tốc độ chuyển vốn vào đầu tư và phát triển thông qua hai yếu tố là tốc độ giải ngân vốn đầu tư công và tốc độ tăng trưởng tín dụng thì thấy cả hai chỉ tiêu này đều chậm.

img

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế Quốc dân Hoàng Văn Cường

Cụ thể, ông Cường cho biết, giải ngân vốn đầu tư công kể từ đầu năm đến nay chỉ hơn 70%, trong khi tăng trưởng vốn tín dụng cũng chỉ khoảng trên 10%. “Như vậy, so với kỳ vọng, việc đưa vốn vào nền kinh tế là thấp, chuyển vốn chậm”, ông Cường nói.

Vấn đề nguy hiểm hơn mà ông Cường nhấn mạnh là vốn có đi vào sản xuất hay không.

Trên cơ sở tỷ lệ vốn đầu tư so với tổng giá trị sản phẩm tạo ra, ông Cường phân tích, nếu hiệu quả đầu tư tốt thì đầu tư 1 đồng sẽ tạo ra hơn 1 đồng giá trị sản phẩm.

“Nhưng hiện nay, tiền vốn đầu tư 1 đồng thì giá trị sản phẩm tạo ra không được 1 đồng”, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân nói.

Vậy tiền này không đi vào sản xuất mà thất thoát đi đâu?

“Nó đi vào tiêu dùng làm giá tiêu dùng tăng, có thể làm tăng lạm phát. Thứ hai, nguy hiểm hơn là nó vào kênh đầu cơ, làm giá bất động sản tăng lên, giá chứng khoán tăng lên. Tốc độ tăng trưởng chứng khoán giai đoạn này tăng nhanh là biểu hiện của dòng tiền đổ vào đó làm giá cổ phiếu tăng, chứ không phải lợi nhuận doanh nghiệp tăng làm thị trường chứng khoán tăng”, GS. TS. Cường nhấn mạnh.

“Hai điều này đều nói lên sức hấp thụ nền kinh tế có vấn đề. Nhưng không phải vì thế mà không tăng đầu tư. Nên cần phải giải quyết điều này”, chuyên gia này nói.

Phải thay đổi phương thức tiếp cận tín dụng

Đề xuất tăng hấp thụ vốn tín dụng, ông Cường cho rằng không phải doanh nghiệp trông chờ vào việc giảm lãi suất vì với lãi suất hiện nay doanh nghiệp cũng không tiếp cận được. Trong khi đó, hệ thống ngân hàng cũng phải duy trì chất lượng tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống.

Tuy nhiên, ở đây phải thay đổi phương thức tiếp cận tín dụng. Không nên câu nệ vào tài sản thế chấp mà phải chuyển sang phương thức ngân hàng đồng hành với doanh nghiệp, giải ngân theo hợp đồng cần vốn. Ông Cường cho rằng, nếu thực hiện được cách thức cho vay này thì ngân hàng sẽ không coi trọng chi tiết truyền thống mà coi trọng dòng tiền đi đâu, doanh nghiệp dùng tiền đó để làm gì.

“Nhất là trong bối cảnh đẩy mạnh không dùng tiền mặt thì tiền đi đâu ngân hàng sẽ kiểm soát được hết, không còn trục lợi như trước đây”, ông Cường nói.

Về giải pháp đầu tư công, ông Cường đề xuất, trong bối cảnh đặc biệt thì cần giải pháp đặc biệt. Giai đoạn này hãy đặt hàng tư nhân giải ngân vốn đầu tư công mà không phải cơ quan, bộ ngành, địa phương hay tập đoàn nhà nước. Giai đoạn này Chính phủ có cơ hội dùng tiền vốn đầu tư vào các lĩnh vực mà trước đây phải cạnh tranh làm giá tăng, xảy ra đầu cơ (như nhà ở xã hội…) thì nay dùng tiền đặt hàng đầu tư vào các công trình, các dự án trụ cột.

“Đây là giai đoạn Chính phủ dùng tiền vốn của mình đặt hàng vào các ngành, lĩnh vực sản xuất trụ cột: Nhà ở xã hội; Đường sắt đô thị; Hậu cần biển để phát triển kinh tế biển; Chuyển đổi số, công nghệ số… Chúng ta phải đi đầu, làm chủ chứ đừng đi theo thế giới”, ông Cường nhấn mạnh.

Ông Cường cũng cho rằng, Chương trình phục hồi kinh tế này nên gắn chặt với Chương trình tái cấu trúc nền kinh tế giai đoạn tới.

Theo đề xuất của Nhóm nghiên cứu Thường trực Ủy ban Kinh tế và các chuyên gia, tổng nguồn lực cho các chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ phục hồi kinh tế tương đương khoảng 5,41% GDP, giá trị tuyệt đối là 439.759 tỷ đồng. Nhóm cũng đề xuất thêm khoản đầu tư của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC) vào các doanh nghiệp khoảng 6.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 0,07% GDP. Như vậy, tổng hợp các chính sách, gói hỗ trợ có thể lên tới 445.760 tỷ đồng, chiếm 5,48% GDP.

Đối tượng hưởng lợi của gói chính sách trên là người lao động và doanh nghiệp, kéo dài trong 2 năm 2022-2023, có thể chia thành 3 giai đoạn: Chuẩn bị kích hoạt chương trình và mở cửa nền kinh tế, phục hồi rõ nét hơn (hết quý 2/2022); Tạo lập nền tảng, phục hồi nhanh và tăng tốc (đến hết quý 3/2023); Kết thúc chương trình và bước sang quỹ đạo mới (từ quý 4/2023).

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.