Tài chính

Gói phục hồi kinh tế bao nhiêu là đủ, nguồn từ đâu?

01/12/2021, 08:00

Bộ KH&ĐT vừa đưa ra các nhóm giải pháp phục hồi kinh tế. Đây là điều được trông đợi trong bối cảnh nền kinh tế chịu tác động lớn bởi Covid-19.

Tuy nhiên, nguồn lực dành cho gói hỗ trợ phục hồi này là bao nhiêu, huy động thế nào, tập trung cho những ngành nghề, lĩnh vực nào là bài toán không dễ.

img

Huy động nguồn nào để kích cầu kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi là bài toán khó Ảnh: Tạ Hải

Năm giải pháp phục hồi

Theo thông tin từ Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế giai đoạn 2022 - 2023 của Bộ đã đưa ra 5 nhóm giải pháp.

Trong đó, đầu tiên là nhóm chính sách liên quan đến phòng, chống dịch bệnh và y tế với nội dung chính là “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.

Nhóm giải pháp thứ hai là chính sách về an sinh xã hội. Lý do là an sinh xã hội là mục tiêu trọng tâm trong phát triển bền vững, dù kinh tế gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Nhóm giải pháp thứ ba là hỗ trợ doanh nghiệp. Chính phủ sẽ tập trung chủ yếu vào các giải pháp về tài khóa, bao gồm giãn, hoãn, giảm thuế phí, lệ phí trên cơ sở đã thực hiện trong thời gian vừa qua để rà soát và tiếp tục thực hiện; giải pháp về cho vay ưu đãi và cho vay thông qua công cụ hỗ trợ lãi suất.

Thứ tư là giải pháp kích cầu đầu tư công, vừa kích thích chi tiêu đầu tư công trong ngắn hạn để kích thích tăng trưởng, đồng thời tạo ra các kết cấu hạ tầng hiệu quả cho nền kinh tế về dài hạn.

Thứ năm là giải pháp quản lý điều hành, đảm bảo cân đối vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì ổn định và kiểm soát rủi ro.

Theo Bộ KH&ĐT, giải pháp cải cách hành chính đòi hỏi sự đồng thuận cao của các bộ, ngành bởi tỷ trọng đầu tư ngoài Nhà nước đang chiếm hơn 70%.

Nếu tiếp tục cải cách thủ tục hành chính có thể sẽ khuyến khích thêm các nguồn lực đầu tư ngoài Nhà nước khác.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương cho biết, trong số các giải pháp trên, đầu tư công là bài toán khó.

“Đây là vấn đề trong cả ngắn và dài hạn. Ngắn hạn, công tác chuẩn bị phải rất tốt, dự án phải sẵn có, năng lực của nhà thầu thực hiện phải đảm bảo. Nhưng trên thực tế khi chuẩn bị dự án có rất nhiều thủ tục cần nhiều thời gian.

Còn đối với năng lực nhà thầu, hiện nay giá cả nguyên liệu đầu vào đang ở mức cao, không phải nhà thầu nào cũng chịu được sức ép này”, ông Phương nói và cho biết, về dài hạn, giải pháp này sẽ phục vụ cho tăng trưởng của giai đoạn 2026 - 2030, đặc biệt phấn đấu hoàn thành toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.

Trên cơ sở những nhóm giải pháp trên, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính tiền tệ Quốc gia, các nước trên thế giới đã mạnh tay “tung” nhiều gói hỗ trợ quy mô lớn như: Mỹ 27,9% GDP, Nhật Bản 44,8% GDP, Thái Lan 15,6% GDP…

Còn ở Việt Nam, cộng tất cả gói hỗ trợ mà Bộ Tài chính tính toán thì mới vào khoảng 58 nghìn tỷ đồng, tương đương chưa tới 1% GDP.

“Quá ít ỏi so với thực tế cấp bách”, ông Nghĩa nói và cho rằng, quy mô cả gói hỗ trợ phải vào khoảng 8 - 10% GDP.

Ông Nghĩa cũng gợi ý nên chia nhỏ gói hỗ trợ này: Gói bổ sung cho ngân sách để ngân sách chi tiêu an sinh xã hội (chủ yếu là duy trì lực lượng lao động); Gói hỗ trợ trực tiếp các tập đoàn lớn (những tập đoàn quan trọng, động lực phục hồi nền kinh tế nhưng đang vướng mắc về vốn).

Cần những giải pháp chưa có tiền lệ

Về nguồn lực huy động, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, trong tình thế cấp bách hiện nay cần có những gói hỗ trợ khác hẳn các giải pháp trước đây, chưa từng có tiền lệ trên cơ sở chấp nhận bội chi, nợ Chính phủ… để có nguồn lực thực hiện phòng, chống dịch bệnh, chống suy thoái, phục hồi kinh tế.

Đồng tình với quan điểm này, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho rằng, nguồn lực để huy động cho chương trình phục hồi có thể từ tăng chi từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên; Tăng bội chi ngân sách, vay thêm; Sử dụng một phần dự trữ ngoại hối; Tạo nguồn lực qua cải cách thủ tục, cắt giảm chi phí giao dịch cho doanh nghiệp.

Riêng biện pháp tăng bội chi ngân sách, ông Thành tính toán, nếu chấp nhận thâm hụt ngân sách thêm 2%, sẽ có thêm khoảng 7 tỷ USD cho công tác phục hồi kinh tế.

Năm 2021 nếu không đạt tỷ trọng thu ngân sách như mong muốn thì làm gì cũng khó. Trong khi đó, sản xuất kinh doanh sụt giảm nghiêm trọng, cùng với chính sách miễn giảm nợ thuế nên thu ngân sách Nhà nước năm nay sẽ thấp.

Nhiều khoản chỉ có một lần, năm sau không có thì lấy đâu ra? Nhà nước cũng đang rất khó khăn, do đó nếu có gói hỗ trợ thêm thì vẫn phải đi vay.

Vay nhiều, chi lắm thì lạm phát cao, lúc đó lại phải tăng lãi suất, sản xuất lại giảm đi trong khi Quốc hội đặt mục tiêu là phải ổn định kinh tế vĩ mô. Bản thân doanh nghiệp cũng phải tích cực hồi phục, không ai có thể thay cho ông chủ doanh nghiệp được.
TS. Đinh Trọng Thịnh


Tuy nhiên, theo PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính), tăng bội chi thời điểm này không hề dễ dàng. “Ngân sách năm nào cũng thâm hụt, nếu thâm hụt nữa thì thực sự là điều đáng lo ngại.

Nếu đi vay thêm thì sau đó sẽ phải trả. Mà từ năm 2016 đến nay, Việt Nam đã nỗ lực giảm nợ vay nước ngoài rất nhiều và tăng nợ vay trong nước lên.

Năm ngoái, mức trả nợ đã chiếm 27,3% tổng thu ngân sách Nhà nước, vượt ngưỡng Quốc hội cho phép.

Bộ Tài Chính cũng cố co kéo về 24,8%, tức là về dưới 25% tổng thu ngân sách nhưng 25% cũng đã là 1/4 tổng số thu ngân sách rồi, còn tiền đâu mà làm việc khác? Nên khả năng tăng trần nợ bằng cách đi vay là khó”, TS. Thịnh nói.

Tuy nhiên, trước những khó khăn của doanh nghiệp và nền kinh tế hiện nay, nếu không hỗ trợ thêm có thể doanh nghiệp vẫn phục hồi nhưng tốc độ chậm, thời gian dài và làm mất nhiều cơ hội, ông Thịnh cho rằng Chính phủ vẫn có thể đi vay thêm nhưng sẽ không quá nhiều.

“Hỗ trợ cho năm 2022 ra sao thì phải đợi đến cuối năm xem xét nguồn thu cả năm 2021 là bao nhiêu, trên cơ sở đó mới có thể cân đối ngân sách. Để hỗ trợ doanh nghiệp thì gói hỗ trợ bằng giãn, hoãn tiền thuê đất vẫn cần tiếp tục trong năm tới.

Cách đây mấy ngày, Bộ Tài chính tiếp tục giảm 35 loại phí, lệ phí. Cùng với các gói giải pháp trước đó là hỗ trợ lãi suất 20.000 tỷ đồng; Giảm 30% thuế cho các doanh nghiệp có doanh thu năm 2021 dưới 200 tỷ đồng; Giảm thuế giá trị gia tăng… Do đó, hãy tận dụng triệt để và thực hiện thật hiệu quả các gói giải pháp này”, ông Thịnh đề xuất.

Bên cạnh đó, chuyên gia này nhấn mạnh vấn đề tạo điều kiện cho doanh nghiệp quay lại hoạt động, giảm thiểu chi phí tiếp cận hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí quản lý hành chính, giảm thiểu “ngăn sông cấm chợ” cũng là hỗ trợ rất lớn với doanh nghiệp thời điểm hiện nay.

“Chỉ cần chuyển đổi số để giảm chi phí và thực hiện công tác phòng, chống dịch ở mức tốt nhất để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bình thường là họ cũng bật lên được”, ông Thịnh nói.

Trong khi đó, theo TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cần nhanh chóng thiết kế các chương trình phục hồi kinh tế và đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng.

Theo TS. Cung, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 6 - 6,5% cần có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế đủ lớn, trong đó ít nhất 1% GDP là tiền mặt. Giả sử năm nay đạt tăng trưởng 2%, năm sau dự kiến tăng trưởng 5% thì tăng trưởng trung bình 2 năm chỉ khoảng 3,5%.

Đây là mức quá thấp so với mục tiêu tăng trưởng giai đoạn 2021 - 2025. Để đạt mục tiêu tăng trưởng, trong 4 năm còn lại, GDP phải tăng trung bình khoảng 7,5%/năm. Đây là mục tiêu rất cao nên cần có những hành động khác biệt.

“Tôi nhấn mạnh là cần hành động nhanh, sẵn sàng tiêu nhiều và đừng quá nặng nề về thủ tục và cầu toàn, có thể chấp nhận có sai sót ở mức độ nhất định mà quan trọng là chi tiêu phải hiệu quả để nhanh chóng phục hồi tăng trưởng, lấy kết quả tổng thể cuối cùng để đánh giá.

Đây chính là thời điểm thích hợp để đổi mới phương pháp cải cách thể chế, đột phá về cải cách thể chế”, ông Cung nhấn mạnh.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.