Điều tra

Gọi tên "người bị bắt" vụ thảm sát Bình Phước thế nào mới đúng?

19/07/2015, 18:45

Người phát ngôn của cơ quan chức năng vẫn 'vô tư" gọi tên người bị bắt theo thói quen...

nghi-pham-Binh-Phuoc-a1a1f
 Bị can Nguyễn Hải Dương (trái) và Vũ Văn Tiến trong vụ thảm sát 6 người chết ở Bình Phước, vụ án đang trong giai đoạn tố tụng

Vậy gọi tên người bị bắt như thế nào cho đúng: Hung thủ, nghi can, nghi phạm hay một tên gọi khác?   Để có cách gọi chuẩn theo pháp luật, PV đã có cuộc phỏng vấn Luật sư Nguyễn Kiều Hưng - Đoàn Luật sư TP.HCM, Hãng luật Giải phóng về vấn đề nêu trên.

Theo Luật sư Hưng, trước hết, dẫn chiếu từ Hiến pháp: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

Người bị buộc tội được hiểu là người đã bị khởi tố hình sự (khởi tố bị can), cho nên người bị bắt có thể là người chưa bị buộc tội. Hiểu theo quy định này, người bị bắt cho đến khi chưa có bản án có hiệu lực pháp luật thì chưa xem người đó là tội phạm, nên không thể gọi người bị bắt là “hủng thủ” được.

luat-su-nguyen-kieu-hung-nho_1
 Luật sư Nguyễn Kiều Hưng

Gọi nghi can hay nghi phạm?

Hiện trong Hiến pháp và pháp luật về tố tụng và điều tra hình sự, kể cả dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (TTHS) sửa đổi, bổ sung không tồn tại các thuật ngữ pháp lý này. Cho nên, về tên gọi pháp lý, gọi người bị bắt bằng nghi can, nghi phạm, can phạm đều không chính xác.

Ở góc độ ngữ nghĩa, “nghi can” được hiểu là người bị nghi là có liên quan đến vụ án và thuộc trường hợp chưa bị bắt. Còn “nghi phạm” được hiểu là người bị nghi là tội phạm, có dấu hiệu của một tội phạm và đã bị lệnh bắt, cách gọi này có thể chấp nhận được, vì người nghe, người đọc đều hiểu được bản chất của tên gọi.

Ở góc độ pháp lý, theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự chỉ tồn tại các tên gọi: người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Cho nên, “người bị bắt” mới là tên gọi pháp lý khi một người chưa có quyết định khởi tố bị can mà bị bắt. Tuy nhiên, thuật ngữ này không phù hợp với ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, đặc biệt là văn phong nghiệp vụ hình sự và báo chí.

Người mới bị bắt phải gọi là "nghi phạm”

Như đã phân tích, tên gọi pháp lý là “người bị bắt” là không phù hợp, còn tên gọi “nghi can” thì chỉ áp dụng trong trường hợp người đó chưa bị bắt và đang còn trong tầm ngắm của cơ quan điều tra, nên có lẽ tên gọi là “nghi phạm” là phù hợp nhất.

Về ngữ nghĩa và pháp lý, tên gọi “nghi phạm” diễn tả đúng bản chất của nó, tức người bị bắt vì có dấu hiệu của một tội phạm, tuy nhiên, người đó vẫn chưa bị xem là tội phạm vì chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án.

Nhưng, với cơ quan điều tra, dù một nghi can đã bị bắt hay chưa bị bắt thì họ vẫn có thể gọi người đó với tên gọi nghiệp vụ là “đối tượng”.

Như vậy, nếu một người bị nghi ngờ có liên quan đến vụ án thì gọi là “nghi can”, nếu đã có lệnh bắt thì gọi là “nghi phạm”, đã có quyết định khởi tố bị can thì gọi là “bị can” và đã có quyết định đưa vụ án ra xét xử thì gọi là “bị cáo”. Còn đã thụ án trong trại giam thì gọi là “phạm nhân”.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các cơ quan chức năng, báo chí gọi đúng tên gọi của nó, bởi, chỉ vì tên gọi, nếu sau này họ bị oan, thì tên gọi đó, ví dụ là “hung thủ” có phải đã kết án, thậm chí “kết liễu” cuộc đời họ và gia đình họ thay cho tòa án rồi hay sao?

Và cũng hi vọng, các tờ báo, luật sư đồng nghiệp đừng vội ra “phán xét” trước mức án đối với nghi phạm, bởi chỉ cần 0,1% oan sai, thì phán xét và tên gọi đó là vô nhân đạo.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.