Chính trị

Góp ý văn kiện Đại hội Đảng: Bổ sung quyền "thụ hưởng", cần làm rõ cơ chế

15/11/2020, 10:50

Phó trưởng Ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng cho rằng, dự thảo văn kiện Đại hội Đảng rất quan tâm đến nhu cầu chính đáng của người dân...

img
Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng

Dân có quyền "thụ hưởng"

Góp ý vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng, Phó trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho biết, dự thảo văn kiện lần này có nhiều điểm mới, trong đó về thực thi quyền làm chủ của nhân dân, đã bổ sung thêm một quyền nữa của người dân là "thụ hưởng”.

Ông Nhưỡng phân tích, trước đây chúng ta chỉ quan tâm đến quyền của người dân dựa trên khía cạnh kiểm soát quyền lực của Nhà nước, đó là "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra". Lần này, trong dự thảo đã bổ sung thêm một quyền nữa đó là "dân thụ hưởng". Ý nghĩa của vấn đề thụ hưởng là "dân làm, dân thụ hưởng", tuy nhiên muốn hưởng thụ thành quả thì cần phải lao động, làm việc và sáng tạo.

"Như vậy, quyền làm chủ của nhân dân được nhìn nhận đầy đủ, bổ sung cho hoàn thiện hơn để Đảng lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đúng phương châm: "Làm thì phải được hưởng". Việc thụ hưởng không chỉ dừng lại ở vật chất, mà cả phương diện văn hóa và tinh thần", ông Nhưỡng nói.

Khái niệm "dân thụ hưởng" dù chỉ có ba từ nhưng để triển khai vấn đề này đòi hỏi nỗ lực của cả hệ thống chính trị.

Bởi thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, pháp lệnh về dân chủ cơ sở từ trước tới nay chỉ quan tâm đến quyền được biết của người dân (quyền được cung cấp thông tin) quyền được bàn bạc, chất vấn, được tham gia và kiểm soát các chính sách, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước, các cấp chính quyền và việc thực thi chính sách.

Còn ngày nay, để dân được hưởng thụ thì cơ chế phải thay đổi như thế nào? Điều này đặt ra một nhiệm vụ to lớn cho các cơ quan, ban, ngành và chính quyền các cấp.

Mục tiêu năm 2045 thành nước phát triển thu nhập cao là khả thi

Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cũng đồng tình với các mục tiêu trong dự thảo văn kiện, như mục tiêu đến năm 2045, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập nước, phấn đấu nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

"Đó là mục tiêu cao nhưng nếu chúng ta thực hiện tốt các đột phá chiến lược và phát huy mạnh mẽ khát vọng của cả dân tộc vì một "Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc" và quán triệt được tinh thần đổi mới sáng tạo, khơi dậy được sức mạnh văn hóa, sức mạnh và giá trị con người Việt Nam, đặc biệt là chúng ta tranh thủ được thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư thì mục tiêu đó là khả thi", ông Nhưỡng nói.

Ông Nhưỡng cũng đánh giá cao công tác góp ý vào dự thảo văn kiện Đại hội Đảng thời gian qua, khi các cơ quan nghiên cứu đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm chuyên gia lắng nghe ý kiến từ nhiều nơi. Nhiều tổ chức Đảng, nhiều cá nhân đã chủ động viết góp ý gửi tới tiểu ban Văn kiện.

"Có thể nói, lần này làm rất công phu, nghiêm túc. Qua những cuộc hội thảo, tọa đàm, qua lắng nghe ý kiến của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là các chuyên gia, bộ phận biên tập tiếp thu được nhiều, tiếp cận vấn đề ngày càng sáng rõ hơn, được trình bày nhất quán, sâu sắc", Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội nhìn nhận.

Cần Nghị quyết Trung ương về tăng cường năng lực giám sát của Quốc hội, cơ quan dân cử

Về nội dung văn kiện dự thảo có đề cập đến vai trò giám sát tối cao của Quốc hội, ông Nhưỡng cho biết, đề cao vai trò giám sát của Quốc hội đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh là một trong năm vấn đề cần tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ thứ XIV của Quốc hội.

Theo ông Nhưỡng, giám sát là chức năng rất quan trọng bởi vì được coi là chức năng kiểm soát đầu ra của hệ thống.

Nếu chúng ta coi lập pháp quyết định các vấn đề quan trọng nhất là đầu vào cho hệ thống hành pháp và tư pháp thực hiện thì đây chính là cơ chế kiểm soát đầu ra nằm trong hệ thống kiểm soát quyền lực nhà nước. Nếu quản lý Nhà nước không có kiểm soát và giám sát thì coi như không phải quản lý.

"Tôi đề xuất Đảng, đoàn Quốc hội nên tham mưu cho Bộ Chính trị để Bộ Chính trị trình Trung ương thông qua Nghị quyết về tăng cường năng lực giám sát của Quốc hội và của cơ quan dân cử. Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi từ trước đến nay chúng ta chưa có bất kỳ Nghị quyết Trung ương nào về vấn đề giám sát của Quốc hội nói riêng và hệ thống cơ quan dân cử nói chung", ông Nhưỡng đề xuất.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.