Hạ tầng

Góp ý văn kiện ĐH Đảng XIII: Cần lập quỹ riêng cho kết cấu hạ tầng

16/11/2020, 08:58

Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT khẳng định: Tập trung nguồn lực cho giao thông, tránh dàn trải thì giao thông mới có thể đột phá.

img
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng

Dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng đang được đưa ra lấy ý kiến rộng rãi, nhằm tập hợp và phát huy trí tuệ, quyền làm chủ của nhân dân tham gia đóng góp với Đảng trong việc hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng của đất nước.

Ông Lê Đỗ Mười - Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT đã chia sẻ thẳng thắn với Báo Giao thông về những mục tiêu phát triển giao thông đặt ra trong Dự thảo văn kiện.

Mục tiêu đặt ra hoàn toàn phù hợp với nguồn lực

Trong Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII có nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 mới đặt mục tiêu 5000km đường cao tốc. Ông đánh giá như thế nào về mục tiêu này, thưa ông?

Ông Lê Đỗ Mười: Nếu so với nhu cầu thực tế, chúng ta cần hơn rất nhiều. Tuy nhiên, với nguồn lực hiện nay, với kịch bản phát triển KTXH hiện nay cũng như nhìn thẳng vào nguồn vốn hiện nay của đầu tư trung hạn giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2025 - 2030, tôi cho rằng mục tiêu này là phù hợp.

Tất nhiên, đây là mục tiêu tối thiểu. Còn nếu có nguồn lực, tất nhiên có thể làm hơn nữa. Nguồn lực tới đâu, chúng ta làm tới đấy.

Theo quy hoạch phát triển đường cao tốc, tất cả các trung tâm tỉnh, thành, các đầu mối kinh tế của các tỉnh thành đều sẽ có đường bộ cao tốc kết nối. Vì thế từ nay đến 2030, nếu nhu cầu phát sinh và nguồn lực dồi dào, như tôi đã nói trên, chúng ta hoàn toàn có thể làm hơn như thế.

Thế còn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam thì sao, ông đánh giá như thế thế nào mà các mục tiêu đặt ra trong dự thảo?

Ông Lê Đỗ Mười: Theo Dự thảo văn kiện, giai đoạn 2021 - 2025, chúng ta mới bắt đầu chuẩn bị để triển khai một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đến năm 2030 mới triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam.

Trước hết, tôi muốn nhấn mạnh rằng đường sắt tốc độ cao có tính đặc thù rất cao. Công tác chuẩn bị phải hết sức kỹ càng. Nguồn lực đòi hỏi rất lớn. Điều này cũng đồng nghĩa với việc nếu để dành nguồn vốn trung hạn 2021 - 2025 để triển khai ngay dự án thì nguồn lực cũng chưa thể đủ.

Đường sắt khác hẳn đường bộ. Nếu như đường bộ chúng ta làm tới đâu, có thể khai thác tới đó thì đường sắt phải làm từ đầu đến cuối với có thể vận hành, khai thác được.

Vì vậy, việc Dự thảo văn kiện đặt mục tiêu sau 2030 mới triển khai xây dựng theo tôi là phù hợp.

Cơ chế nào để triển khai được dự án đường sắt tốc độ cao đã được gác lại qua 2 nhiệm kỳ, thưa ông?

Ông Lê Đỗ Mười: Với dự án đường sắt tốc độ cao, tôi cho rằng nguồn vốn là quan trọng nhất. Cứ có vốn là sẽ triển khai được.

Cần lập quỹ riêng cho kết cấu hạ tầng

Một trong những nguyên nhân “muôn thủa” lý giải cho việc các dự án giao thông chậm về đích hoặc khởi công ít so với nhu cầu là nguồn vốn đầu tư hạn hẹp. Để khắc phục tình trạng này, theo ông, văn kiện cần bổ sung những giải pháp đột phá gì?

Ông Lê Đỗ Mười: Nói nguồn vốn hạn hẹp thì quá đúng. Thực tế, nhu cầu của ngành GTVT giai đoạn đến 2025 vào khoảng 520 nghìn tỷ đồng, trong đó có 120 nghìn đồng tỷ huy động theo hình thức PPP. Như vậy, nhà nước sẽ phải chi khoảng 400 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn đầu tư công trung hạn dự kiến cấp cho ngành GTVT chỉ khoảng 300 nghìn tỷ đồng. Điều này dẫn đến khó có thể làm đúng quy hoạch tất cả các dự án giao thông.

Nhu cầu lúc nào cũng vượt quá nguồn vốn, vì vậy chúng ta phải cân nhắc rất nhiều xem dự án nào ưu tiên làm trước, dự án nào phải làm sau…

Giải pháp khắc phục tình trạng này đã có nhiều. Tuy nhiên, để có thể đột phá, tôi cho rằng trước mắt, Quốc hội, Chính phủ cần đồng ý bổ sung phí sử dụng đường cao tốc do nhà nước đầu tư vào danh mục các loại phí thuộc lĩnh vực đường bộ.

Đầu tư vào hạ tầng giao thông là một trong 3 đột phá chiến lược đã được Đảng xác định, do đó cũng cần dành nguồn lực cho giao thông, để giao thông có thể đi trước một bước. Như hiện nay, nguồn lực vẫn đang dàn trải, chưa tập trung vào giao thông.

Ngoài ra, để có thể phát triển bền vững hạ tầng giao thông, khai thác tốt và hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện có và trong tương lai, cần tăng nguồn lực dành cho bảo trì ở cả 5 chuyên ngành đường bộ, đường sắt, hàng không, hàng hải và đường thuỷ nội địa. Như hiện nay, mưa lũ sạt lở rất nhiều, nguồn vốn đột xuất không đáp ứng được. Nếu có thể có một quỹ riêng cho kết cấu hạ tầng giao thông, theo tôi là tốt nhất.

Khi văn kiện đặt ra mục tiêu, dự án cụ thể trong từng giai đoạn, theo ông, có cần khẳng định nhà nước phải đảm bảo nguồn lực đầu tư ngân sách để thực hiện được dự án, tránh tình trạng Nhà nước nợ doanh nghiệp như ở dự án QL5, hay tình trạng không giải ngân được vốn nước ngoài như ở dự án Bến Lức -Long Thành hiện nhà thầu đang đề nghị dừng thi công do không được thanh toán.

Ông Lê Đỗ Mười: Cái này theo tôi là đương nhiên. Khi có mục tiêu cụ thể thì đầu tư phải đúng và trúng, không nên dàn trải.

Xin cảm ơn ông!

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.