Pháp đình

Grab lý giải vì sao lỗ ngàn tỷ nhưng vẫn tiếp tục kinh doanh

19/10/2018, 20:05

Kinh doanh lỗ nhưng Grab vẫn ở Việt Nam vì muốn hỗ trợ người dân kết nối công nghệ để cuộc sống dễ dànghơn.

Ông Trương Đình Quý Phó tổng giám đốc Vinasun

Ông Trương Đình Quý Phó tổng giám đốc Vinasun tại tòa

Grab: Thưởng cho tài xế vì họ làm việc chăm chỉ

Ngày 19/10, TAND TP.HCM tiếp tục xét xử vụ Vinasun kiện GrabTaxi (Grab), đòi bồi thường thiệt hại hơn 41 tỷ đồng. 

Trước câu hỏi của đại diện VKS vì sao kinh doanh lỗ 1.700 tỷ đồng nhưng Grab vẫn phát triển ở thị trường Việt Nam? Ông Jerry Lim CEO Grab tại Việt Nam, cho biết ngành nghề kinh doanh Grab đăng ký là ứng dụng máy tính và phát triển phần mềm. Mục tiêu của Grab là đầu tư vào Việt Nam là làm cho thị trường Việt Nam hiểu nền tảng kinh doanh của Grab. Mục tiêu này còn để cho thị trường có thời gian hiểu về công nghệ và khách hàng sử dụng công nghệ trên điện thoại thông minh. Để làm được điều này thì Grab sẵn sàng bỏ tiền đầu tư trong khi vốn điều lệ của Grab là 20 tỉ đồng.

VKS hỏi vì sao doanh thu thấp hơn quảng cáo. Cụ thể vào năm 2017 thì doanh thu chỉ 758 tỉ đồng nhưng lỗ 788 tỉ đồng, các năm trước cũng tương tự?Ông Jerry Lim cho hay, Grab sẵn sàng đầu tư để thị trường Việt Nam hiểu công nghệ, chấp nhận và khuyến khích người dân sử dụng công nghệ của Grab. Nhưng việc lỗ này không hoàn toàn do tiếp thị hay quảng cáo. Năm 2017, Grab lỗ 788 tỉ đồng, và thu 758 tỉ đồng là do chi phí trong bán hàng. Ngoài việc khuyến mãi thì Grab còn thưởng cho đối tác là các tài xế, chi phí nghiên cứu và phát triển để hỗ trợ cho công nghệ của Grab. Nói thêm vì sao Grab thưởng cho lái xe, ông Jerry Lim cho rằng vì các tài xế rất chăm chỉ  làm việc và tạo ra nhiều cuốc xe, giúp xã hội phát triển hơn.

Viện KSND TP.HCM tiếp tục hỏi: “Kinh doanh nhưng việc thu luôn thấp hơn chi thì vậy Grab kinh doanh vì mục đích gì?”. Ông Jerry Lim trả lời: “Mục đích của Grab là cung cấp công nghệ, dịch vụ về công nghệ để từ đó hỗ trợ xã hội, hỗ trợ người dân kết nối công nghệ để cuộc sống của họ dễ dàng hơn. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều dịch vụ khách như giao hàng, giao đồ ăn, thanh toán thông qua kỹ thuật số. Chúng tôi dùng công nghệ để tạo ra cuộc sống tốt hơn và đây cũng là mục tiêu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 mà chúng tôi đang hướng tới”.

Vinasun: Grab đang đánh tráo câu từ để dẫn dắt dư luận

Cũng tại phiên tòa Grab cho rằng trong đơn khởi kiện, Vinasun không có dòng nào nhắc đến Đề án 24 nên tại phiên tòa này, yêu cầu TAND TP.HCM không xem xét đến nội dung trình bày của Vinasun về việc Grab vi phạm Đề án 24. 

Tuy nhiên, đại diện Vinasun cho rằng cách hiểu này là không đúng. Bởi lẽ, trong đơn khởi kiện ban đầu, Vinasun đã nêu rõ: Grab không có chức năng kinh doanh vận tải nhưng lách luật bằng cách sử dụng các phần mềm tin học ứng dụng để kết nối giữa công ty kinh doanh tài xế taxi và người tiêu dùng nhằm kinh doanh vận tải mà không xin phép, không nộp thuế theo luật định. Đây chính là một trong những nội dung cốt lõi liên quan đến Đề án 24 mà Grab bị Vinasun quy buộc.

Hơn nữa, Grab xuất hiện tại thị trường Việt Nam và dùng phần mềm ứng dụng gọi xe để xin Bộ GTVT cho thực hiện thí điểm Đề án 24. Nếu không có Đề án 24, Grab sẽ không được thí điểm phần mềm ứng dụng gọi xe. Trong quá trình thực hiện thí điểm Đề án 24, Grab đã kinh doanh taxi. Như vậy, không thể nói rằng Vinasun không kiện Grab về Đề án 24. Đây là một cách đánh tráo câu từ để dẫn dắt dư luận đi theo định hướng của Grab.

Trước đó VKS cũng đặt câu hỏi: Grab có hoạt động kinh doanh vận tải không? Vị CEO của Grab cũng khẳng định không có. 

Tòa sẽ tiếp tục vào thứ 2 ngày 22/10 tới.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.