Thị trường

Grab tăng cước: “Giỡn chơi” cả khách hàng và tài xế?

07/12/2020, 19:43

Dù cơ quan chức năng khẳng định tăng cước, phí là quyền của Grab nhưng ở bối cảnh hiện nay không khác “giỡn chơi” cả người tiêu dùng lẫn tài xế.

img

Sáng nay (7/12), hàng trăm tài xế Grab đã tập trung tại trụ sở Grab ở Duy Tân, để phản đối mức khấu trừ mới, sau khi áp dụng thuế GTGT trên mỗi cuốc xe.

Tài xế Grab lo đói khách

Ngay sau khi Nghị định 126 có hiệu lực, hãng taxi công nghệ Grab cũng chính thức áp dụng mức giá mới.

Với mức giá mới này, nhiều tài xế xe lo ngại, giá cước tăng lên sẽ khiến người tiêu dùng quay lại dùng dịch vụ truyền thống nhiều hơn, thu nhập của họ vì thế cũng sụt giảm trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 đã kéo dài cả năm, trong khi, số lượng người tham gia hệ thống đang tăng nhanh.

Anh Kỳ Quang (Hà Nội), một tài xế Grab Bike chia sẻ: Ngay từ khi có thông báo tăng giá cước, những anh em Grab đã không hài lòng vì khách phàn nàn “đã khó khăn còn tăng giá” và họ đều khó chịu với mức tăng giá giờ cao điểm.

Vị này cũng cho biết, nhiều anh em cũng đã tắt app để phản đối hãng tăng giá bởi như này không còn đúng bản chất “giá cạnh tranh” của xe công nghệ những năm trước đây. Chưa kể, giá xăng dầu đang xuống thấp, việc Grab tăng cước, phí trong thời điểm hiện nay khác nào “giỡn chơi” với người tiêu dùng lẫn tài xế!

Chị Ngọc Diệp (Cầu Giấy, Hà Nội) thường xuyên di chuyển từ nhà đến cơ quan thông qua các ứng dụng của GrabCar cho biết, bình thường mỗi chuyến đi từ Cầu Giấy đến Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội) chị phải trả mức phí 38 nghìn đồng giờ bình thường và 80-100 nghìn đồng cho giờ cao điểm nhưng kể từ hôm tăng giá cước, số tiền phải trả cho giờ bình thường đã lên đến 50 nghìn đồng.

“Chi phí này đắt hơn cả mức giá 43-45 nghìn đồng nếu đi xe taxi truyền thống. Với thực tế đó, tôi chắc chắn chọn taxi truyền thống có mức giá ổn định. Trong khi, Grab giá cao hơn còn có lúc tăng gấp mấy lần”, chị Diệp khẳng định.

Theo PGS.TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), việc tăng giá cước hay không, hoặc tăng như thế nào phụ thuộc vào chiến lược giá của từng hãng.

Chiến lược giá phù hợp sẽ giúp hãng xe công nghệ, tài xế đảm bảo lợi nhuận, khách hàng chấp nhận và giữ được thị phần cạnh tranh với taxi truyền thống.

Tuy nhiên, nếu không có nước đi đúng đắn, lợi nhuận của doanh nghiệp, thu nhập của tài xế chắc chắn sụt giảm và có thể khách hàng không chấp nhận giá cước mới nếu không đúng thời điểm và sẽ chuyển sang sử dụng ứng dụng khác, từ đó đánh mất thị phần.

Tài xế làm sao để "nắm đằng chuôi"?

Từ 11 giờ ngày 5/12, Grab chính thức áp dụng chính sách giá mới

Cụ thể: Giá cước tính theo km của GrabCar 4 chỗ và 7 chỗ khu vực Hà Nội và Bắc Ninh lần lượt tăng từ 8.500 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 10.000 đồng/km lên 11.000 đồng/km; Khu vực TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai tăng từ 9.000 đồng/km lên 9.500 đồng/km và 11.500 đồng/km lên 12.000 đồng/km.

Tương tự, giá cước GrabBike tính trên mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cũng tăng từ 3.400 đồng/km lên 4.000 đồng/km; giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 đồng/phút lên 350 đồng/phút. Đồng thời, Grab cũng tăng tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabCar và GrabBike.

Theo đó, tỷ lệ khấu trừ tính trên doanh thu cuốc xe đối với đối tác tài xế GrabBike tăng từ 20% lên 27,273% và và tăng từ 28,375% lên 32,841% đối với tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 25%.

Với chính sách mới của Grab, nhiều người đặt câu hỏi: Việc tăng giá cước này có hợp lý và với tư cách là đơn vị kinh doanh vận tải, họ phải thực hiện chế độ gì với người lao động (tài xế) trong mối quan hệ “đối tác” khi Nghị định 126 có hiệu lực buộc họ phải kê khai thuế giá trị gia tăng trên toàn bộ doanh thu như các đơn vị kinh doanh vận tải khác?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân (Tổng cục Thuế) cho biết: Việc tăng giá cước thuộc “quyền kinh doanh của đơn vị”, họ có thể ra các mức giá theo tính toán để đảm bảo lợi nhuận và cạnh tranh trên thị trường.

Bên cạnh đó, dựa vào sự thỏa thuận hợp đồng giữa Grab và tài xế để thực hiện đúng nghĩa vụ cam kết theo các hình thức hợp đồng như hợp đồng hợp tác kinh doanh (đối tác), hợp đồng dịch vụ, hợp đồng lao động.

Từ đó, căn cứ theo pháp luật hiện hành để thực hiện các cam kết và dựa vào đó để kiểm tra, giám sát lẫn nhau.

“Khi có vấn đề gì xảy ra thì có pháp luật, có toà án thẩm định và phán quyết bởi việc hợp tác theo thỏa thuận mang tính dân sự giữa hai bên”, bà Lan nói.

Cũng theo bà Lan, nếu 2 bên thỏa thuận ký hợp đồng lao động theo kiểu tiền công tiền lương thì tài xế sẽ được nhận mức lương theo tháng, có thể cộng thêm tiền thưởng theo quy định từ phía hãng Grab và được đóng tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, người lao động không thể làm việc theo kiểu “thích thì làm không thích thì thôi” như mô hình hiện tại đang phù hợp và thu hút phần lớn những cá nhân có thời gian linh động, tiện lúc nào thì làm lúc đó, lúc nào rỗi thì làm, không thì thôi.

“Cho nên, việc Grab ký hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới mối quan hệ hợp tác cũng không có gì sai bởi rằng buộc giữa việc nếu cá nhân cảm thấy phù hợp, làm được thì làm.

Ngoài ra, mô hình hiện nay rất phù hợp với kinh tế chia sẻ khi ai cũng có thể làm được, không bó buộc thời gian, tạo thuận lợi cho nhiều người muốn kiếm thêm thu nhập.

Song, tài xế cũng có quyền thỏa thuận và yêu cầu được thực hiện theo loại hợp đồng để được đóng bảo hiểm nếu phù hợp với mình”, bà Lan chia sẻ.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.