Đường bộ

Grab tăng giá cước: Vừa nhập nhèm vừa đắt hơn taxi truyền thống?

08/12/2020, 08:05

Phân tích cơ cấu giá sau khi Grab tăng giá cước cho thấy, giá cước mới của Grab đắt hơn taxi truyền thống.

img

Qua phân tích cho thấy, giá cước Grab đang thu của hành khách đắt hơn taxi truyền thống và không rõ ràng - Ảnh minh họa

Grab đồng loạt tăng giá cước

Grab vừa đồng loạt công bố tăng 5 - 6% giá dịch vụ taxi, xe ôm công nghệ trên toàn quốc. Theo đó, giá cước 2 km đầu tiên cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội, Bắc Ninh, TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ tăng lên 27.000 đồng, cao hơn 2.000 so với trước ngày 5/12. Tại các thành phố khác như Hải Phòng, Quảng Ninh, Đà Nẵng..., Grab tăng 3.000 đồng lên 25.000 đồng.

Grab cũng điều chỉnh tăng giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) cho dịch vụ GrabCar 4 chỗ 500 - 1.000 đồng tuỳ từng thành phố. Trong đó, 1.000 đồng là mức tăng lớn nhất áp dụng cho khách hàng tại Hà Nội và Bắc Ninh. Hiện tại, giá mỗi km GrabCar 4 chỗ tại hai thành phố này là 9.500 đồng, tương đương TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Doanh nghiệp này cũng điều chỉnh giá cước dịch vụ GrabCar 7 chỗ với các tỷ lệ tăng tương đương 4 chỗ.

Với dịch vụ xe ôm công nghệ GrabBike, giá cước mỗi km (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 3.400 đồng lên 4.000 đồng. Còn giá cước tính theo thời gian di chuyển (sau 2 km đầu tiên) tăng từ 300 lên 350 đồng mỗi phút.

Đáng chú ý đối với dịch vụ xe GrabCar, Grab thu thêm 400 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển. Đối với dịch vụ GrabCarPlus, Grab thu 500 đồng/phút tính theo thời gian di chuyển.

Những động thái trên được Grab đưa ra ngay sau khi Nghị định 126 có hiệu lực , thay đổi cách tính thuế giá trị gia tăng (VAT) với dịch vụ gọi xe công nghệ như Grab, Gojek...

Cụ thể, trước đây, tài xế chỉ đóng 3% thuế VAT trên doanh thu thực nhận và doanh nghiệp đóng 10% thuế VAT trên phần chiết khấu thu về. Nhưng từ 5/12, các doanh nghiệp như Grab phải kê khai và nộp 10% thuế VAT trên tổng doanh thu mà khách hàng thanh toán cho mỗi chuyến xe. Như vậy, nếu giá cước và tỷ lệ chiết khấu không đổi, thu nhập thực nhận của các tài xế công nghệ sẽ bị giảm.

Grab cũng đã thông báo đến tài xế mức tăng tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe. Với GrabBike, tỷ lệ này là hơn 27,2% gồm 20% phí sử dụng ứng dụng (không đổi) + thuế VAT. Tuy nhiên, mức thu trên chưa gồm 1,5% thuế thu nhập cá nhân khi tài xế đạt doanh thu trên 100 triệu đồng một năm.

Với GrabCar, tỷ lệ khấu trừ trên mỗi chuyến xe (gồm phí sử dụng ứng dụng, thuế thu nhập cá nhân, VAT) cũng tăng lên lần lượt hơn 28,3%, 32,8% với các tài xế chịu phí sử dụng ứng dụng 20% và 25%.

“Việc tăng giá cước của Grab phải làm sao đảm bảo hài hòa giữa lợi ích của tài xế và của hành khách. Grab đã tăng giá cước còn tăng mức khấu trừ của tài xế có hợp lý hay không là vấn đề cần xem xét. Đối với hành khách, Grab tăng giá cước làm sao để người tiêu dùng chấp nhận được. Trong thị trường cạnh tranh, dựa trên chất lượng dịch vụ, giá cả, hành khách có quyền lựa chọn giữa các hãng vận tải khác” - chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long.

Vừa đắt vừa nhập nhèm

Phân tích về cơ cấu giá của Grab, ông Nguyễn Tiến Long, Giám đốc taxi Thăng Long cho biết, giá cước của Grab hiện không ổn định, ở thời gian cao điểm, giá cước tăng gấp 2 - 3 lần so với thời gian thấp điểm.

Cụ thể, ông Long cho biết, giá mở cửa của taxi là 5.000 đồng cho km đầu tiên. Từ km tiếp theo đến km thứ 20 là 11.500 đồng/km và từ km thứ 21 trở đi là 9.500 đồng/km.

“Trong khi đó giá cước mở cửa của Grab là 27.000 đồng cho 2 km đầu tiên. Nếu lấy 27.000 đồng chia cho 2 thì giá mở cửa của Grab là 13.500 đồng/km. Giá km tiếp theo của Grab là 9.500 đồng/km, nhìn có vẻ thấp hơn giá cước taxi truyền thống ở 20 km đầu tiên nhưng trong giá cước của Grab có cộng cả phí thời gian di chuyển của khách hàng là 400 đồng mỗi phút, chiếm khoảng 30% tổng cước phí chuyến đi thì giá cước cao hơn rất nhiều. Hành khách nhìn giá cước Grab niêm yết có vẻ là rất rẻ nhưng Grab lại tính cả phí thời gian di chuyển vào giá cước thì lại không hề rẻ. Như vậy, Grab cao hơn taxi cả về số tuyệt đối cũng như đơn giá/km”, ông Long phân tích.

Đáng nói là trong khi taxi chỉ tính giá cước cho quãng đường di chuyển thì Grab lại tính cả cước thời gian cho hành khách, việc tính phí thời gian di chuyển là hết sức vô lý. Phí thời gian di chuyển được Grab ước tính trước khi chuyến đi được thực hiện, trong khi chưa biết chuyến đi đó sẽ đi hết thời gian bao lâu. Công bố của Grab là 400 đồng/phút cước phí thời gian di chuyển nhưng thời gian chuyến đi là Grab ước tính, không phải thời gian di chuyển thực tế của chuyến đi đó.

“Đặc biệt, trong tổng giá cước chuyến đi cũng không tách bạch loại cước phí này. Đây là sự nhập nhèm trong giá cước của Grab mà cả hành khách và tài xế đều không biết. 400 đồng/phút cước phí thời gian di chuyển mà nhân với thời gian mỗi chuyến đi và nhân với tổng số chuyến xe trong ngày của Grab khoảng 300 - 400 nghìn chuyến đi trong ngày thì mỗi ngày Grab đang thu của khách hàng số tiền khổng lồ mà không ai biết”, ông Long nói.

Để xác thực nhận định của ông Long, vào lúc 12h trưa (không phải cao điểm), PV đặt thử một chuyến xe GrabCar có lộ trình từ 36 Hồ Tùng Mậu - 40 phố Hàng Bài. Trên ứng dụng Grab hiện quãng đường là 7,8km với tổng giá cước là 115.000 đồng.

Từ đây, phân tích cơ cấu giá cước theo công bố của Grab cho thấy: Số tiền tính cho quãng đường di chuyển 27.000 đồng (2 km đầu tiên) x 5,8km x 9.500 đồng/km = 82.100 đồng. Số tiền tính cho thời gian di chuyển (chỉ khoảng tối đa 40 phút vì vào buổi trưa): 40 phút x 400đ/phút = 16.000 đồng. Như vậy tổng cước tính theo công bố chỉ là 82.100 + 16.000 = 98.100 đồng

Nhưng thực tế ứng dụng Grab đưa ra giá cước là 115.000 đồng, tăng 16.900 đồng so với giá công bố.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho biết, hiện nay, mỗi chuyến xe Grab đang thu của khách hàng 3 loại giá cước cùng lúc. Thứ nhất là giá mở cửa 27.000 đồng và giá mỗi km tiếp theo là 9.500 đồng. Thứ hai là phí 400 đồng mỗi phút cho tổng thời gian di chuyển của mỗi chuyến xe. Thứ 3 là thu phí nền tảng của khách hàng 2000 đồng mỗi chuyến xe.

Bản chất là xe đang chạy lại vừa thu giá cước thực tế xe lăn bánh vừa thu phí thời gian di chuyển là vô lý.

“Hiện nay, với việc tăng thuế VAT lên 10% nhưng Grab không nộp mà đẩy hết về phía tài xế và hành khách phải chịu. Bên cạnh đó, thuế thu nhập doanh nghiệp Grab cũng không phải nộp vì họ đang kêu lỗ. Tuy nhiên, nói Grab lỗ là vô lý, rất cần thanh kiểm tra rõ ràng. Với gần 200.000 đối tác tài xế, doanh thu 500.000 đồng/ngày, số tiền thu được là con số khổng lồ”, ông Hùng nói.

Trong ngày hôm nay, hàng trăm tài xế mặc áo xanh đã đồng loạt tắt ứng dụng, tụ tập và diễu hành trên đường phố TP.HCM và Hà Nội để phản đối việc tăng tỷ lệ khấu trừ trên doanh thu mỗi chuyến xe của Grab. Các tài xế tham gia diễu hành cho rằng mức khấu trừ hiện tại là quá cao. Họ mong muốn mức khấu trừ trở về 20% như trước.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.