Đường bộ

Grab thu đủ loại phụ phí, tài xế có được hưởng?

25/08/2022, 18:02

Grab thu thêm nhiều loại phụ phí nhưng đều được gộp chung vào giá cước, sau đó phân chia lại theo tỷ lệ chiết khấu.

“Ngồi mát ăn bát vàng”

Kể từ khi thông báo áp dụng thu thêm phụ phí nắng nóng gay gắt 5.000 đồng trên mỗi cuốc xe từ ngày 6/7/2022. Nhiều người băn khoăn về việc số tiền này các tài xế đối tác của Grab có được hưởng trọn vẹn hay không.

Theo chia sẻ của tài xế Grab thì mức phụ phí nắng nóng tài xế được hưởng chỉ có 2.000 đồng/cuốc xe hoàn thành, khoản còn lại chảy vào túi Grab.

img

Việc thu thêm nhiều loại phụ khí khiến giá cước xe công nghệ luôn ở mức cao - Ảnh minh họa

Ngay sau khi Grab thực hiện thu, khách hàng và cả tài xế của hãng xe công nghệ này đã phản ứng khá dữ dội. Cùng với yêu cầu giải trình của cơ quan quản lý, đúng 1 tháng sau, Grab đã dừng thu loại phụ phí này.

Loại phụ phí lạ đời trên đã nối tiếp thêm các loại phụ phí mà Grab đang thu từ khách hàng đó là những loại phí phụ thu khác như: thời tiết xấu mưa bão, ban đêm, khung giờ cao điểm, phí chờ lâu, nhiều điểm đến.

Trong số này, loại phụ phí giờ cao điểm khiến giá cước cao chóng mặt nhưng không mấy hành khách chú ý. Khoản phụ phí được thu thêm, đối tượng đáng ra được hưởng trọn vẹn là các tài xế vì họ là những người trực tiếp chịu cảnh nắng nôi cực nhọc trên đường. Nhưng không, các tài xế chỉ được hưởng chỉ một phần, hoặc có loại phụ phí họ không được hưởng.

Ngày 24/8, phóng viên đã đặt một cuốc xe GrabCarPlus từ Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội (Cầu Diễn, Bắc Từ Liêm) về Ngọc Khánh (Ba Đình).

Khi đó là 10 giờ sang, trên phần mềm của ứng dụng gọi xe này báo 156.000 đồng cho quãng đường gần 9 km. Đến 17 giờ, khung giờ được Grab xác định là giờ cao điểm, phóng viên tiếp tục đặt xe GrabCarPlus chiều ngược lại, số tiền phải trả đã tăng lên 204.000 đồng. Điều này có nghĩa là khách hàng di chuyển bằng xe Grab vào khung giờ cao điểm đã phải chịu thêm mức phụ phí chiếm 30% giá cước bình thường.

Trong suốt hành trình di chuyển, chia sẻ với chúng tôi, tài xế Mạc Văn Tuấn nói không ngớt về bức xúc của mình, phụ phí giờ cao điểm và các loại phụ phí khác được cộng dồn vào giá cước, và hãng sẽ phân chia lại theo tỷ lệ chiết khấu.

“Grab thu thêm phí giờ cao điểm với lý do nhu cầu tăng là không hợp lý. Đây chỉ là cái cớ để hãng tăng giá cước của khách hàng, thực chất tài xế chúng tôi không nhận được bao nhiêu tiền. Sau khi trừ triết khấu cho hãng 35%, tài xế được hưởng 65%, nghe có vẻ cao nhưng vào giờ cao điểm, đường tắc, thời gian di chuyển lâu gấp 3 bình thường, tiêu thụ xăng cũng tăng theo. Trong lúc giá xăng dầu tăng chóng mặt, số tiền còn lại chúng tôi có được không đáng là bao”, anh Tuấn bức xúc.

Tiếp tục kiểm chứng ở cung đường khác, vào lúc 18 giờ cùng ngày, phóng viên đặt xe GrabCarPlus từ phố Ngọc Khánh về đường Tôn Thất Thuyết (Cầu Giấy). Với quãng đường di chuyển gần 5 km vào khung giờ này, phóng viên phải trả 153.000 đồng. Trong khi đó, cùng hành trình này vào lúc 9 giờ sáng giá chỉ có 81.000 đồng.

Tài xế Mai Văn Giang cho hay, các mức phụ phí được Grab cộng trực tiếp vào giá cước. Tài xế phải gánh rất nhiều chi phí khấu hao xe cộ, xăng dầu và rủi ro, vất vả khi di chuyển vào các khung giờ cao điểm. Lẽ ra số tiền chênh lệch giờ cao điểm chúng tôi phải được hưởng mà không phải chia lại cho Grab đang “ngồi mát ăn bát vàng”.

"Tôi chạy 1 chuyến xe giờ thấp điểm được 100.000 đồng, theo tỷ lệ ăn chia, Grab sẽ nhận khoảng 35.000 đồng. Giờ cao điểm, giá cước cuốc xe sẽ được tăng thêm khoảng 30%, Grab hưởng tỷ lệ ăn chia như giờ bình thường. Với hàng trăm, hàng nghìn, thậm chí hàng triệu chuyến/ngày, thì số tiền Grab thu về là rất lớn.

Các loại phí này phải được tách ra riêng để tài xế được hưởng trọn vẹn chứ không gộp chung vào như vậy. Ngồi máy lạnh, họ vẫn thu tiền phí nắng nóng chứ tài xế có được hưởng riêng đâu”, anh Giang bức xúc.

Ngoài ra, anh Giang cũng cho hay, các hãng xe công nghệ còn thu phí nền tảng, tức những người sử dụng dịch vụ của họ phải đóng thêm từ 1.000 - 2.000 đồng cho mỗi cuốc xe. Các hãng xe công nghệ sẽ hưởng trọn 100% loại phí này, không chia cho đối tác tài xế.

Sẽ phải kê khai giá cước

Liên quan đến các phụ phí được Grab áp dụng, ông Nguyễn Công Hùng, Giám đốc taxi Mai Linh miền Bắc cho biết, được xếp vào loại hình xe hợp đồng nên Grab không phải kê khai giá cước. Để tài xế và khách hàng không bị thiệt, cần quy định các ứng dụng gọi xe cũng phải kê giá cước với cơ quan quản lý.

Trên cơ sở các chi phí đầu vào, doanh nghiệp sẽ tính cơ cấu giá thành vận tải. Grab hưởng tỷ lệ triết khấu 32% trên cơ sở nào. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, giá cước tăng chóng mặt, vậy căn cứ nào để tính giá thành vận tải cao như vậy. Trong trường hợp giá kê khai có bất thường, cơ quan quản lý có quyền yêu cầu doanh nghiệp giải trình”, vị này nhấn mạnh.

Điều đáng nói, tất cả những khoản thu này của Grab đều thực hiện theo kiểu một chiều là hãng chỉ thông báo và thu tiền, khách hàng buộc phải chấp nhận. Đây cũng được coi là nguyên do khiến giá cước của Grab thay đổi liên tục, "nhảy múa" khiến khách hàng nhiều khi gặp phiền toái vì đặt xe rồi mới được thông báo "giá cước có điều chỉnh".

Đẻ ra nhiều loại phí và phụ phí, nhưng phần chia sẻ bù đắp và hỗ trợ cho tài xế từ nguồn phí đó thì ít, trong khi phần nhiều chảy vào túi ai thì đã quá rõ. Đây là hình thức tận thu mới của hãng xe công nghệ này sau khi đã thâu tóm thành công thị trường gọi xe hai bánh và 4 bánh qua ứng dụng đặt xe.

Theo Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi ứng dụng gọi xe công nghệ tăng giá cước, thu thêm phụ phí thì họ vẫn hưởng lợi với phần trăm tăng thêm, trong khi chi phí tài xế và khách hàng gánh hết. Về bản chất, việc một số hãng xe công nghệ đẻ thêm loại phí và tăng phí là hình thức tăng giá dịch vụ.

Việc tăng giá cước, thêm các loại phí để tăng giá cước của hãng công nghệ cần phải được cơ quan chức năng giám sát, thanh tra với những khoản tăng không minh bạch, có dấu hiệu trục lợi.

“Bộ Tài chính cần sửa đổi Luật Giá, bổ sung hình thức quản lý giá phù hợp đối với những mặt hàng, dịch vụ kinh doanh áp dụng công nghệ số. Với vận tải hành khách xe công nghệ, các hãng công nghệ Grab, Be, Gojek... cần phải kê khai, niêm yết, công khai giá cước, phụ phí để cơ quan quản lý giám sát và người tiêu dùng biết”, ông Hiển nói.

Theo lãnh đạo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), Luật GTĐB năm 2008 quy định, vận tải khách đường bộ có 5 loại hình gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và du lịch. Theo đánh giá, việc phân loại này đã bộc lộ nhiều bất cập, nhất là từ khi xuất hiện các ứng dụng gọi xe.

Để giải quyết thực trạng nêu trên, trong dự thảo Luật GTĐB sửa đổi vừa được trình Chính phủ, Bộ GTVT đề xuất phân loại kinh doanh vận tải hành khách bao gồm: Vận tải khách tuyến cố định, taxi, xe buýt, xe hợp đồng và loại hình kinh doanh vận tải khách mới.

Theo đó, loại hình xe du lịch được ghép với xe hợp đồng. Xe hợp đồng chỉ có sức chứa từ 9 chỗ trở lên. Tất cả xe dưới 9 chỗ được ghép chung lại thành loại hình xe taxi.

Việc này để tránh tình trạng có 2 quy định riêng đối với 2 loại hình dịch vụ có cùng bản chất là xe taxi và xe dưới 9 chỗ kinh doanh theo hợp đồng.

"Chính vì có sự tương đồng trong cách thức hoạt động nên dự thảo Luật GTĐB sửa đổi ghép xe hợp đồng dưới 9 chỗ vào taxi để đưa về cùng một điều kiện kinh doanh. Việc đưa hai loại hình này về cùng một điều kiện kinh doanh sẽ khắc phục được các bất cập trong quản lý giá cước, điều kiện gia nhập thị trường. Khi đó, taxi công nghệ sẽ phải kê khai giá cước, đảm bảo công bằng trong kinh doanh vận tải", lãnh đạo Vụ Vận tải cho hay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.