Giao thông

Grab, Uber vi phạm khi triển khai dịch vụ xe đi chung

28/06/2017, 14:56
image

Việc cố tình triển khai dịch vụ đi chung xe, Uber và Grab bị "tố" đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam.

IMG_5074

Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chủ trì Hội nghị đối thoại vận tải hành khách bằng taxi và ứng dụng Uber, Grab

Tại hội nghị đối thoại vận tải hành khách bằng xe taxi và các nội dung thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ GTVT tổ chức sáng nay (27/6), nhiều ý kiến cho rằng đang có sự bùng phát số lượng phương tiện Uber và Grab. Việc không kiểm soát được số lượng phương tiện dẫn đến sự cạnh tranh bất bình đẳng về điều kiện kinh doanh vận tải, thuế giữa taxi truyền thống và loại hình ứng dụng kết nối vận tải Uber, Grab.

Đặc biệt, nhiều ý kiến còn "tố" Uber và Grab cố tình vi phạm pháp luật Việt Nam với việc triển khai dịch vụ đi chung xe Grab (Grabshare), Uber (UberPOOL), mặc dù trước khi hai đơn vị này triển khai Bộ GTVT có công văn hỏa tốc yêu cầu không cung cấp dịch vụ đi chung xe đối với xe hợp đồng tại Việt Nam.

Đề cập vấn đề này, bà Trần Thị Thu Trang, đại diện Taxi Thủ đô Sao bức xúc, Uber và Grab đang không tuân thủ pháp luật Việt Nam. Khi Grab có gửi giấy mời Bộ GTVT khai trương dịch vụ xe đi chung, Bộ GTVT đã có công văn hỏa tốc yêu cầu không được phép triển khai. Phớt lờ công văn hỏa tốc của Bộ GTVT, Grab vẫn tiếp tục triển dịch vụ đi chung tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Sau đó, Bộ đã có công văn yêu cầu không triển khai dịch vụ đi chung đối với xe hợp đồng cả Grab và Uber, nhưng cả hai đơn vị này vẫn đang tiếp tục triển khai.

"Nếu không xử lý dứt điểm, 7 đơn vị tham gia thí điểm chúng tôi cũng sẽ triển khai dịch vụ này sẽ gây ra sự hỗn loạn trên thị trường", bà Trang nói.

Cùng quan điểm, ông Lê Vinh Quang, Chủ tịch hệ thống Công ty Phú Hoàng - Cát Tiên Sa (Đà Nẵng) nêu vấn đề, TP Đà Nẵng thực hiện rất nghiêm việc quy hoạch số lượng xe taxi trên địa bàn, 3 năm nay, taxi truyền thống không thêm được chiếc xe nào. Lý do gì Grab chưa được chính quyền thành phố Đà Nẵng cho phép mà đã có 1.000 xe hoạt động tại Đà Nẵng. Grab tôn trọng pháp luật như thế nào?

"Bộ GTVT đã có 2 văn bản yêu cầu Grabshare chấm dứt hoạt động, nhưng đến nay dịch vụ này vẫn tiếp tục hoạt động. Grab đã vi phạm điều 6.3, Quyết định 24 của Thủ tướng về cho phép hoạt động thí điểm xe hợp đồng. Căn cứ vào vi phạm này có thể đình chỉ ngay thí điểm của Grab", bà Nguyễn Đào Tơ, đại diện Taxi Hoàng Gia đề xuất.

Giải đáp các ý kiến trên, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, khi Uber, Grab xuất hiện dẫn đến đảo lộn hoạt động của taxi truyền thống. Quản lý Nhà nước đang phải làm thế nào để hài hòa lợi ích giữa các doanh nghiệp, bảo vệ quyền lợi khách hàng. Khi cái mới vào, chắc chắn sẽ gặp phải sự đồng tình hay phản đối, vấn đề đặt ra là cơ quan quản lý Nhà nước phải ngồi lại với nhau để bàn bạc giải quyết. Phải có sơ kết, đánh giá, tổng kết hoạt động thí điểm, tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ. 

Bộ GTVT sẽ làm việc với Grab và Uber, tromg đó sẽ mời lãnh đạo 4 thành phố thí điểm, lãnh đạo bộ Công thương, Tư pháp để làm rõ hơn về mô hình. Đồng thời, Bộ GTVT yêu cầu hai đơn vị này phải làm đúng quy định của pháp luật. "Tôi đồng tình với các ý kiến, khi Bộ GTVT đã có văn bản hỏa tốc yếu cầu dừng mà Grab vẫn khai trương tưng bừng dịch vụ xe đi chung. Đây thể hiện sự coi thường pháp luật. Bộ GTVT sẽ xử lý nghiêm", Thứ trưởng Trường nói.

1

Grab và Uber triển khai dịch vụ xe đi chung dù không được sự đồng ý của cơ quan quản lý (Ảnh minh họa)

Trước đó, vào tháng 5/2017, Grab và Uber đã ra mắt dịch vụ đi chung xe, cho phép hành khách hưởng chi phí rẻ hơn khoảng 30% so với dịch vụ đặt xe thông thường, đồng thời giúp tài xế tăng thêm thu nhập nhờ kết hợp 2 cuốc xe có cùng lộ trình di chuyển trên một chuyến xe.

Mới đây, Bộ GTVT có văn bản yêu cầu Uber không triển khai dịch vụ UberPOOL (đi chung) đối với xe hợp đồng. Yêu cầu này cũng được đưa ra với dịch vụ Grabshare của hãng Grab vào đầu tháng 5, đồng thời có động thái tương tự với tất cả các đơn vị tham gia thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng.

Giải thích về không chấp nhận dịch vụ đi chung xe của Uber, Grab, ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho rằng, quy định hiện nay với mỗi chuyến xe hợp đồng, hành khách (hoặc nhóm) đã ký giao kết trọn gói cả chuyến xe, không phải là thuê chỗ ngồi. Do đó, việc đơn vị vận tải có thêm hợp đồng với nhiều người khác sẽ gây bất tiện cho hành khách.  

"Thông tư số 63 quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ, hợp đồng vận chuyển hành khách được ký kết giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe. Đối với mỗi chuyến xe, đơn vị kinh doanh vận tải chỉ được ký một hợp đồng vận chuyển khách. Quy định được đưa ra nhằm bảo đảm quyền lợi cho hành khách, phòng ngừa những hệ lụy phát sinh trong quá trình thuê xe", ông Ngọc khẳng định.

Xem thêm Video

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.