Chính trị

GS-TS Hoàng Chí Bảo: “Cần giáo dục cán bộ biết trọng danh dự, liêm sỉ”!

15/05/2020, 06:12

Đã đến lúc Đảng nên triển khai đợt sinh hoạt, giáo dục cho tất cả cán bộ lãnh đạo, đảng viên và quần chúng về vấn đề trọng liêm sỉ và danh dự...

img
GS.TS. Hoàng Chí Bảo

“Vì khi cán bộ biết trọng liêm sỉ và danh dự sẽ hạn chế được tham nhũng, tiêu cực...”, GS. TS. Hoàng Chí Bảo, Giảng viên cao cấp Học viện Chính trị Quốc gia nhấn mạnh khi trò chuyện với Báo Giao thông, trong bối cảnh Hội nghị TƯ vừa bàn thảo về tiêu chuẩn cán bộ chọn vào T.Ư Khoá XIII.

Đức là gốc, là nền tảng hàng đầu

Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị T.Ư 12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh, gợi mở một số vấn đề liên quan đến tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ chủ chốt. Theo ông, vì sao cần thiết phải đặt ra những tiêu chuẩn như vậy trong bối cảnh hiện nay?

Bài phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tiêu chuẩn Ủy viên T.Ư trong thời điểm hiện nay phải có bản lĩnh chính trị thật vững vàng, phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, thực sự gương mẫu, không tham nhũng, cơ hội, tham vọng quyền lực, phải có ý thức giữ gìn và bảo vệ sự đoàn kết thống nhất trong Đảng, được quần chúng tin cậy, tín nhiệm.

Một điều mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã từng nhiều lần nhấn mạnh đó là tuyệt đối không để kẻ cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm; những người không trong sáng về đạo đức, lợi dụng chức quyền để vụ lợi, để người nhà, người thân, vợ chồng, con cái lợi dụng chức quyền để trục lợi... lọt vào bộ máy.

Chúng ta đã trải qua gần 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới và đã thu được những thành tựu to lớn, nhưng cũng còn không ít hạn chế, khuyết điểm.

Dự báo những năm sắp tới, thời cơ và thách thức đối với nước ta đều rất lớn. Do đó, cần phải tiếp tục tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thật sự và ngày càng trong sạch, vững mạnh; đổi mới sáng tạo, phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Muốn vậy, chúng ta phải xây dựng được một Ban Chấp hành T.Ư thật sự là bộ tham mưu chiến đấu, là hạt nhân lãnh đạo chính trị và là trung tâm đoàn kết, thống nhất cao của toàn Đảng, toàn dân tộc. Đây là công việc cực kỳ hệ trọng có quan hệ đến vận mệnh của Đảng, của dân tộc và tiền đồ phát triển của đất nước.

Liên quan đến công tác cán bộ, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã từng nói “Có tài mà không có đức thì vô dụng”. Theo ông, tư tưởng này có ý nghĩa như thế nào trong việc lựa chọn cán bộ hiện nay?

Khi Bác Hồ nói về đạo đức thì Bác thường nhấn mạnh về nhân cách của con người. Bác nhấn mạnh cả hai yếu tố là đức và tài, mà đức là gốc, tài là quan trọng.

Đức và tài phải gắn liền với nhau, không tách rời, trong đó đức là gốc, là nền tảng hàng đầu, là quan trọng. Nếu có tài mà không có đức thì rất nguy hiểm, bởi họ có thể làm điều xấu, điều ác một cách có tính toán chứ không phải là cái tự phát do thiếu hiểu biết.

Đức ở đây phải hiểu là đạo đức hành động và hành động vì lợi ích chung của xã hội, của nhân dân chứ không chỉ dừng ở phạm vi chật hẹp là tu dưỡng tâm tính cho cá nhân mình.

Chúng ta đang ở bên thềm đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng, việc lựa chọn cán bộ thì Đảng ta đã học tập và vận dụng tư tưởng của Bác rất nhiều. Thấm nhuần tư tưởng của Bác là phải lấy đức làm gốc, chỉ có đề cao đạo đức mới chọn được “cán bộ là đầy tớ của dân”, nhân dân mới được hưởng lợi.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng khẳng định, cần phải tránh hiện tượng giả đánh lừa bản chất. Phải kiểm tra qua thực tế công việc, chứ không phải qua lời nói. Quan trọng là cán bộ ứng xử với dân thế nào, được dân tin tưởng ra sao? Cho nên Đại hội XIII sắp tới, một trọng trách đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân là phải làm sao lựa chọn được Ban chấp hành T.Ư thực đức, thực tài.

Đến giờ, ta đã xong được một bước quan trọng là chọn ra hơn 200 người đưa vào quy hoạch. Việc tiếp theo cần lọc cẩn thận để loại ra những người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực. Những người đó nguy hiểm hơn người có biểu hiện thân hữu, lợi ích cục bộ, tiêu cực, tham nhũng (thuộc về phạm trù kinh tế)…

Trong lịch sử, có những khóa như khóa IV, khóa VI, Trung ương đã buộc phải kỷ luật những Ủy viên Bộ Chính trị có sai phạm liên quan đến vấn đề chính trị như vậy.

Người biết “nhục” sẽ không tham nhũng, chạy chức chạy quyền

Ông vừa nói tới việc Đảng đã phải xử lý nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó không ít cán bộ là người có chức vụ cao trong bộ máy. Phải chăng đây là một thực tế đau xót, nhưng cũng là một bài học trong công tác quản lý, lựa chọn và giám sát cán bộ?

Từ Đại hội XII đến nay có gần 100 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý đã bị xử lý, kỷ luật. Trong đó có những người bị kỷ luật rất nặng như khai trừ khỏi Đảng, thậm chí là khởi tố, đối diện với mức án tử hình như trường hợp của cựu Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son. Rồi 3 thành phố lớn là Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy đều bị kỷ luật.

Điều này đủ hiểu đây là tình huống, cho dù Đảng ta rất nỗ lực, cố gắng ban hành Chỉ thị về đề cao trách nhiệm nêu gương nhưng trên thực tế việc thực hiện điều này ở một số nơi chưa được như mong muốn.

Cho nên, Đảng ta đã đánh giá trong Đại hội XII vừa rồi là “trên thực tế Đảng chưa thực sự trong sạch”. Vì vậy, Đảng ta xác định, Đại hội XIII sắp tới “quyết tâm xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh”, không chỉ thực sự mà còn phải toàn diện.

Trên thực tế, Đảng đã có rất nhiều quy định, từ quy định nêu gương cho đến chống chạy chức chạy quyền, cấm những điều Đảng viên không được làm... song cuối cùng vẫn xảy ra những điều đáng tiếc. Theo ông thì nguyên nhân xuất phát từ đâu và làm thế nào để khắc phục?

Trước hết, phải tăng cường giáo dục để tạo chuyển động về nhận thức của cán bộ, càng ở cương vị cao thì phải càng gương mẫu.

Cấp ủy - cơ quan lãnh đạo của Đảng ở các cấp địa phương, nhất là người đứng đầu cấp ủy phải gương mẫu, trong sạch, đi tiên phong thì mới làm gương được cho đồng sự, cấp dưới của mình. “Thượng bất chính, hạ tắc loạn”, trên mà không gương mẫu thì làm sao dưới có thể tốt được.

Theo tôi, đã đến lúc Đảng ta phải đặt vấn đề xây dựng Đảng về mặt văn hóa, đưa văn hóa vào trong đời sống sinh hoạt chính trị của Đảng, trong chuẩn mực ứng xử của toàn đảng viên, nhất cán bộ lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu. Cán bộ phải “trọng dân và trọng pháp”, phải ứng xử tôn trọng với nhân dân.

Ngoài ra, phải học Bác sự kiên quyết. Như vụ xử tử Đại tá Trần Dụ Châu, Cục trưởng Cục Quân nhu (Bộ Quốc phòng) hay Trần Việt Hùng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp. Bác nói “phải giết đi một vài con sâu để cứu cả cánh rừng là việc nên làm”. Trừng trị cái ác là bảo vệ nhân dân.

Thời gian qua, vẫn có không ít những cán bộ hô hào khẩu hiệu “học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ” nhưng hành động thực tế thì lại đi ngược với những gì Bác đã dạy. Nói cách khác là những người đó hô hào học Bác nhưng lại không làm theo tấm gương của Bác. Theo ông, cần làm gì để khắc phục được tình trạng này?

Những vị lãnh đạo bị kỷ luật như đã nêu ở trên đều là những người giữ cương vị cao, nhiều người trong số họ chủ trì các cuộc vận động học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác. Cuối cùng họ lại như thế, điều đó rõ ràng cho thấy chúng ta phải căn cứ vào việc làm, không ai căn cứ vào lời nói.

Phải rất chú trọng đề cao tính trung thực, những chuyện về những cán bộ bị kỷ luật vừa rồi nó thể hiện sự giả dối trong con người họ.

Theo tôi, đã đến lúc trong Đảng ta phải mở một cuộc giáo dục thật công phu cho tất cả các đối tượng từ cán bộ lãnh đạo đến đảng viên, thậm chí là quần chúng về vấn đề trọng danh dự, trọng liêm sỉ.

Điều này để hỗ trợ luật pháp trong công cuộc phòng, chống tham nhũng. Bởi vì pháp luật rất cần thiết, nhưng vẫn chưa đủ, cuộc sống muôn hình, muôn vẻ, chỉ luật pháp không thì khó quy chiếu hết được. Cho nên phải có một sự hỗ trợ về tinh thần, đó là đạo đức.

Người ta biết “nhục” thì sẽ không bao giờ làm những việc như tham nhũng, chạy chức chạy quyền. Vì vậy, phải tạo được dư luận xã hội ủng hộ cái tốt, lên án cái xấu, tạo ra môi trường để cái tốt được nảy nở, cái xấu dần mất đi.

Cảm ơn ông!

ĐBQH Phạm Văn Hòa (Ủy ban Pháp luật của Quốc hội):
Cán bộ có “liêm”, “sỉ” sẽ không làm điều hổ thẹn

img

“Thực tế cho thấy đã có một số cán bộ khi được giới thiệu vào T.Ư được đánh giá là có tâm, có tài. Nhưng không bao lâu, họ đã suy thoái, biến chất, buông lỏng quản lý, đục khoét công sản, làm nhiều điều phi pháp.

Sinh thời Bác Hồ đã từng dạy: Cán bộ có “liêm” thì sẽ không tham nhũng. Cán bộ có “sỉ” sẽ không làm càn, làm bậy vì hổ thẹn. Biết hổ thẹn thì sẽ không tham lam vật chất, gặp khó khăn không bị khuất phục.

Người cán bộ biết “liêm”, “sỉ” là người luôn biết tự soi mình, biết chiến thắng bản thân, dám đối mặt với sai lầm khuyết để sửa chữa lỗi lầm. Người có “liêm” có “sỉ” mới biết khiêm tốn mà thoái nhường, chọn lấy hay bỏ đi cái gì đều vì đại cuộc.

Vì thế để nâng cao ý thức về “liêm sỉ”, cần mở cuộc học tập sâu rộng về vấn đề này cho cán bộ đảng viên. Từ đó, ý thức về lòng tự trọng của họ được nâng cao, họ sẽ không còn làm những việc hổ thẹn với lương tâm, với Đảng và nhân dân”

Ông Lê Quang Thưởng (nguyên Phó Ban Tổ chức T.Ư):
Tiếp tục theo dõi, đánh giá những người đã được quy hoạch

img

“Thời điểm này, có lẽ công tác lựa chọn nhân sự chúng ta đã làm cơ bản. Hội nghị T.Ư 12 vừa diễn ra cũng đã bàn luận về công tác nhân sự cho kỳ Đại hội XIII sắp tới.

Từ nay đến đại hội là một quá trình để ghi nhận, xem xét. Với những cán bộ trong quy hoạch thuộc diện Trung ương quản lý, thực ra chúng ta đã lựa chọn rất kỹ trong quá trình quy hoạch.

Họ cũng đã được đào tạo, bồi dưỡng rồi, vậy bây giờ nhìn nhận họ, theo dõi họ có tiếp tục thể hiện bản lĩnh của mình để giải quyết những vấn đề bức xúc trong nhân dân trên cương vị được giao hay không, có né tránh, ngại va chạm hay không”.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.