Y tế

Gửi tế bào gốc máu cuống rốn mất vài chục triệu đồng, có thực sự cần thiết?

01/12/2022, 17:39

Được ví như một loại bảo hiểm sinh học trọn đời, nhiều gia đình sẵn sàng chi hàng chục triệu đồng để gửi lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn.

Chi hàng chục triệu đồng gửi tế bào gốc máu cuống rốn

Trong gia đình chị Nguyễn Thanh Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội) từng có người mắc bệnh về máu bẩm sinh. Vì thế, khi có thai, vợ chồng chị Hòa đã tìm hiểu và quyết định lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của con.

“Chi phí cũng không hề nhỏ, riêng việc thu thập và lưu trữ ngay năm đầu tiên đã gần 30 triệu, sau đó hàng năm mất phí nữa. Giờ thì chưa cần, nhưng biết đâu sau này lại dùng đến, nên vợ chồng tôi cân nhắc rất nhiều khi quyết định gửi tế bào gốc cuống rốn”, chị Hòa cho biết.

img

Lưu giữ tế bào gốc máu cuống rốn được ví như bảo hiểm sinh học trọn đời (ảnh minh họa)

Khác với chị Hòa, dù gia đình hai họ đều mạnh khỏe, không mắc bệnh lý di truyền nào nhưng vợ chồng anh Nguyễn Văn Thành vẫn quyết định gửi tế bào gốc máu cuống rốn của cậu con trai ngay sau khi sinh. “Coi như mua bảo hiểm sinh học cho con lỡ khi có bệnh sau này”, anh Thành chia sẻ.

Từ nhiều năm nay, nhiều gia đình lựa chọn việc gửi lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn của con cái ngay sau khi sinh và coi đó như một loại bảo hiểm sinh học trọn đời cho con sau này.

Hiện dịch vụ lấy và lưu trữ tế bào gốc dây rốn được thực hiện ở nhiều bệnh viện với các mức chi phí khác nhau.

Thông thường ở bệnh viện công lập, chi phí dành cho việc tư vấn, thu thập, vận chuyển mẫu sau thu thập: khoảng 3,3 triệu đồng; Xử lý và lưu trữ trong năm đầu tiên khoảng 21 triệu đồng. Và chi phí dành cho việc bảo quản từ năm thứ 2 trở đi 2,6 triệu đồng/năm.

Với một số bệnh viện tư nhân, chi phí cao hơn tính theo năm, ví như lưu trữ máu cuống rốn 1 mẫu trong 1 năm là 5 triệu đồng; 5 năm là 15 triệu đồng; 10 năm là 29 triệu đồng, 15 năm 45 triệu đồng và 60 triệu đồng cho 20 năm lưu trữ.

Chuyên gia huyết học nói gì về lưu trữ máu cuống rốn?

Liên quan đến việc nhiều gia đình chọn lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn khi con chào đời, như một cách "bảo hiểm" sức khỏe con cái trong tương lai hoặc điều trị các bệnh bẩm sinh, TS.BS. Bạch Quốc Khánh nguyên Viện trưởng Viện Huyết học Truyền máu TƯ cho biết, tại Viện đã thực hiện hàng trăm ca ghép tế bào gốc tạo máu từ nhiều nguồn tế bào gốc khác nhau. Trong đó có nhiều ca ghép tế bào gốc từ nguồn tế bào gốc máu dây rốn, đem đến cơ hội phục hồi cho những người không may mắc bệnh hiểm nghèo.

Tuy nhiên, theo ông Khánh, không phải trường hợp nào cũng cần lưu trữ tế bào gốc máu cuống rốn. "Tại Mỹ từng công bố một thống kê cho biết có khoảng 5 - 6 triệu mẫu tế bào gốc máu cuống rốn được lưu trữ, nhưng thực tế số lượng sử dụng điều trị khá thấp, chưa tới 1.000 mẫu. Do đó, với mỗi trường hợp cụ thể, cần có sự tham vấn của các bác sĩ điều trị và chuyên gia về tế bào gốc để đạt hiệu quả ứng dụng cao nhất", BS. Khánh khuyến cáo.

TS. Khánh chia sẻ thêm, với một số bệnh ung thư ác tính ghép tế bào gốc cho bệnh nhân chỉ là biện pháp bổ trợ cho người bệnh chống lại tác dụng phụ của các đợt điều trị hóa chất quá mạnh còn tế bào này không tiêu diệt được tế bào ác tính.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.