Phát triển - Kết nối

Hạ đèo Đông Giang, vực dậy đời sống đồng bào miền cao tỉnh Bình Thuận

01/11/2021, 17:10

Đèo Đông Giang được hạ thấp độ cao, mở rộng 2 làn xe đã góp phần thúc đẩy giao thông, phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc K'Ho, Rắc Lây.

Đồng bào dân tộc các xã vùng cao của huyện Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận đã bon bon trên con đèo Đông Giang, xuyên dưới tán rừng già mà không còn cảnh nơm nớp lo sợ tại nạn như trước đây. Đoạn đèo này dài khoảng 3 km, nằm trên trục ĐT714, vừa được hoàn thành nâng cấp và mở rộng cuối năm 2020.

Gỡ bỏ nút thắt kìm hãm kinh tế

Tuyến ĐT714 dài khoảng 41km nối từ Quốc lộ 55 ở xã La Dạ đến Quốc lộ 28 ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc. Từ lâu, đây là con đường huyết mạch nối từ trung tâm huyện đến các xã vùng cao như: Đông Tiến, Đông Giang, La Dạ, Đa Mi. Đây là các xã có đông đồng bào dân tộc K’Ho, Rắc Lây sinh sống.

Tính rộng hơn, con đường này còn có nhiệm vụ quan trọng là trung gian kết nối các tỉnh Tây nguyên xuống vùng duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ để phát triển kinh tế, xã hội và giao lưu văn hóa.

img

Đèo Đông Giang được hạ thấp độ dốc, mở rộng 2 làn xe đảm bảo việc lưu thông thuận tiện

Trên tuyến đường này, đèo Đông Giang từ bao đời nay được xem là “nút thắt” rất nguy hiểm. Mặc dù địa phương thường xuyên duy tu, sửa chữa nhưng vẫn còn nhiều điểm đen tai nạn, khúc cua gắt, ổ gà ổ voi dày đặc... do nguồn vốn hạn chế.

Ông K’ Văn Tiển, Chủ tịch UBND xã Đông Giang nhớ lại, việc đi lại của đồng bào hai miền ngược xuôi gặp vô vàn khó khăn, nguy cơ tai nạn rình rập. Đèo Đông Giang là một cụm 4 đèo, trong đó đèo số 4 có độ dốc tới 40 độ, nên việc đi lại của người dân rất nguy hiểm. Mùa mưa thì đường trơn trượt, ổ gà ổ voi. Nắng thì bụi bặm vì mặt đường hư hỏng. Đã từng có những vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở các con đèo này. Điều này cũng khiến việc vận chuyển hàng hoá nông sản của bà con dân tộc K’ho, Rắc Lây thêm khó khăn. “Có thể nói, đoạn đèo này như một rào cản, kìm hãm phát triển kinh tế của địa phương, không chỉ riêng xã Đông Giang mà cả vùng lân cận cũng ảnh hưởng bởi con đèo này”, ông K’ Văn Tiển nói.

Trước tình hình trên, tỉnh Bình Thuận đã thực hiện dự án nâng cấp và cải tạo tuyến ĐT 714 với chiều dài 21,6 km, bao gồm đoạn đèo Đông Giang từ nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ và ngân sách địa phương. Kinh phí thực hiện gần 246 tỉ đồng và chia thành nhiều gói thầu. Trong đó riêng các đèo thuộc cụm đèo Đông Giang được ưu tiên thực hiện trước.

img

Việc nâng cấp tuyến ĐT 714 và đèo Đông Giang đã giúp cuộc sống người dân các xã miền núi tỉnh Bình Thuận thay da đổi thịt, phát triển kinh tế xã hội

Theo ông Phan Đình Phúc, Phó giám đốc Công ty TNHH xây dựng Phan Đình (đơn vị thi công) - để hoàn thành được 3km đèo Đông Giang là cả nỗ lực không biết mệt mỏi của các kỹ sư và công nhân. Đèo số 4 với độ dốc 40 độ, hai bên là vách đá cao…Nhà thầu phải huy động những máy móc khủng để hạ độ cao của đèo xuống thoai thoải với độ dốc chỉ còn 9 độ. Những đèo khác cũng hạ cốt nền từ 2m đến 12m để đảm bảo độ dốc không quá cao, gây khó khăn cho việc lưu thông. Tháng 10/2020 hơn 3km đường đèo Đông Giang đã được nâng cấp, cải tạo hoàn thiện.

Từ trên cao nhìn xuống, đèo Đông Giang với hơn 3km, rộng 2 làn xe, thảm nhựa láng bóng, có vạch kẻ đường, uốn lượn giữa rừng già Đông Giang. Hai bên vách núi được bạt ra, không còn độ dốc đứng, hạn chế tình trạng sạt lở, ảnh hưởng đến giao thông đi lại.

Anh Nguyễn Quốc Phong, một người thường xuyên đi trên tuyến ĐT 714 cho biết, việc nâng cấp tuyến đường cũng như đoạn đèo Đông Giang là niềm vui khôn tả của giới tài xế. “Bởi trước đó mỗi lần qua đây giới tài xế thường nơm nớp lo sợ các khúc cong cua nguy hiểm, dốc dựng cao của đèo. Giờ thì bon bon vừa khoẻ mà lại an toàn vì đường tốt, hệ thống cảnh báo an toàn giao thông đầy đủ”, anh Phong chia sẻ.

Vượt khó khăn, hoàn thành trước tiến độ

Kỹ sư Lê Văn Trình chia sẻ thêm, để trải thảm bê tông nhựa nóng gần 3 cây số đường đèo Đông Giang cần phải 13.000m3 đá đổ nền đường và 4.000 tấn bê tông nhựa nóng, tất cả được vận chuyển quãng đường khá xa.

Mỗi ngày một tài xế chạy quay đầu xe 2 chuyến chở khoảng 35 tấn bê tông. Bình quân mỗi ngày trên công trình trải thảm khoảng 850m với chiều rộng 4m bê tông nhựa nóng.

Hơn nữa, việc trải thảm luôn đòi hỏi về kỹ thuật, độ nóng của bê tông nên đơn vị phải chạy đua với thời gian để bảo đảm chất lượng công trình. Và công trình nâng cấp đèo Đông Giang đã hoàn thành trước tiến độ gần 6 tháng.

Ông Phan Đình Phúc cho biết thêm, hiện đơn vị đang gấp rút thi công các gói thầu còn lại trên tuyến ĐT 714, đặc biệt là đoạn qua xã Hàm Trí và Hàm Phú với chiều dài 9,2 km.

Sau khi hoàn thành, mặt đường nới rộng thêm từ 2 đến 2,5m, có hệ thống thoát nước và biển báo an toàn giao thông. “Hiện tiến độ thi công đang đảm bảo và khả năng hoàn thành trước dự kiến để nhân dân thuận tiện đi lại”, ông Phong nói.

img

Các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ nâng cấp tuyến ĐT 714

Giờ đây, ông K’ Văn Tiển phấn khởi kể đời sống đồng bào đang thay da đổi thịt từng ngày nhờ con đèo đã hoàn thành nâng cấp. Đoạn đèo đẹp cùng với hệ thống an toàn giao thông tốt hơn, giảm bớt nguy cơ tai nạn, không còn ổ gà ổ voi… Việc vận chuyển nông sản của bà con nông dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số K’Ho, Rắc Lây thuận lợi hơn, đời sống của bà con từ đó cũng được nâng lên.

Còn ông Nguyễn Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND huyện Hàm Thuận Bắc phấn khởi chia sẻ: Công trình đèo Đông Giang nói riêng và tuyến ĐT 714 nói chung hoàn thành có ý nghĩa quan trọng trong việc hạn chế thấp nhất tai nạn giao thông xảy ra. Đồng thời, tạo cơ hội thuận lợi cho huyện Hàm Thuận Bắc và các xã vùng cao giao lưu văn hóa, giao thương kinh tế trong vùng và khu vực Tây nguyên, khai thác tiềm năng phát triển du lịch sinh thái ở Đa Mi.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.