Chiều 10/10, trước nguy cơ vùng hạ du sông Vu Gia (2 huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, TP. Hội An, thị xã Điện Bàn) tiếp tục ngập sâu, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh đã có công văn yêu cầu thủy điện A Vương tiếp tục tích nước.
Theo UBND tỉnh Quảng Nam, vào lúc 15h ngày 10/10, mức nước trên khu vực hạ lưu sông Vu Gia (thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) trên mức báo động III là 0,29m. Trong khi đó mực nước tại hồ thủy điện sông A Vương là 372,53m.
Để tạo dung tích góp phần giảm lũ, đảm bảo an toàn cho vùng hạ du trong đợt mưa lũ tới, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh yêu cầu thủy điện sông A Vương (Công ty CP thủy điện A Vương) tiếp tục tích nước lên cao trình 373m và duy trì mực nước ở cao trình +373m.
Trong cuối chiều nay (10/10), tuyến QL1A đoạn qua tỉnh Quảng Nam đã có nhiều vị trí ngập sâu, như vị trí đi qua địa bàn huyện Thăng Bình, Phú Ninh. Các tuyến đường trọng yếu ở huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Hội An, Điện Bàn tiếp tục bị ngập sâu, giao thông chia cắt. Tại các huyện miền núi Tây Giang, Nam Trà My, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn bị đất đá sạt lở, vùi lấp mặt đường; nhiều đoạn mặt và nền đường bị trôi hoàn toàn, giao thông bị tê liệt.
Thừa Thiên Huế phát thông báo khẩn cảnh báo lũ lớn trên diện rộng kéo dài
Chiều 10/10, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN Thừa Thiên Huế phát đi thông báo cảnh báo lũ lớn trên diện rộng kéo dài, UBND tỉnh cũng có Công điện khẩn...
Thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới và trường gió Đông trên cao nên tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to trên diện rộng. Tổng lượng mưa tính từ hôm nay (10/10) đến hết ngày 13/10 phổ biến 500-700mm, có nơi cao hơn.
Mực nước sông Hương tại Kim Long hồi 17h ngày 10/10 là +3,5m đạt báo động 3, dự báo đêm nay tăng thêm khoảng 0,5m- 0,7m, đạt mức trên 4m. Mực nước trên sông Bồ tại Phú Ốc hồi 17h là +4,83m, trên báo động 3 là 0,33m, dự báo vẫn duy trì ở mức nước cao trong đêm nay và ngày mai.
“Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, người dân khẩn trương di chuyển đến nơi an toàn, triển khai các phương án ứng phó mưa lũ khẩn cấp. Dự trữ lượng thực, nhu yếu phẩm thiết yếu phòng tránh mưa lũ chia cắt, kéo dài nhiều ngày”, Thông báo của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh nhấn mạnh.
Cùng ngày (10/10), Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã có Công điện khẩn về việc tiếp tục tăng cường chỉ đạo ứng phó với mưa lũ đặc biệt lớn (lũ lịch sử) và áp thấp nhiệt đới.
Theo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, vào lúc 23h ngày 9/10, lũ trên sông Bồ đã đạt đỉnh ở mức +5,24m, vượt lũ lịch sử năm 1999 là 0,06m, mực nước sông Bồ đang ở mức cao. Trên sông Hương ở mức +3,09m, thấp hơn báo động 3 là 0,41m; nước ở sông Ô Lâu, sông Truồi và thượng lưu sông Tả Trạch đang lên; đồng thời do vận hành điều tiết các hồ thủy lợi và thủy điện trên địa bàn tỉnh, mực nước sông Hương, sông Bồ lên mức trên báo động 3.
“Từ ngày 10/10, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với dải hội tụ nhiệt đới có trục qua Trung bộ nối với áp thấp nhiệt đới đang hoạt động trên biển Đông và trường gió Đông trên cao hoạt động mạnh nên tại tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục có mưa to trên diện rộng. Ngoài ra, trên vùng biển có gió mạnh cấp 6, cấp 7, giật cấp 9, biển động mạnh; nguy cơ xảy ra lũ quét sạt lở đất”, Công điện nhấn mạnh.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn diện rộng trong lúc mực nước các sông đang cao, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và TP Huế tiếp tục khẩn trương triển khai sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại các khu vực có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, gò đồi, ven sông suối, ven biển, khu vực thấp trũng, ngập úng đô thị.
Những hộ không an toàn phải kiên quyết vận động di dời, trường hợp cần thiết phải tổ chức cưỡng chế di dời để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân. Trong đó, chú ý kiểm tra các điều kiện đảm bảo trong trường hợp phải sơ tán các hộ dân cư dài ngày mưa lũ diễn biến phức tạp theo phương châm “bốn tại chỗ”, phát huy thêm phương tâm “tự quản tại chỗ”, quản lý chặt chẽ các trường hợp sơ tán, di dời đến nơi tập trung, quản lý trẻ em phòng tránh các tai nạn thương tích, đuối nước xảy ra.
Tuyệt đối không để người dân ở trên các lồng, bè nuôi thủy sản; sơ tán các trang trại gia súc, gia cầm phòng tránh thiệt hại; chủ động hỗ trợ lương thực, thực phẩm, bố trí chỗ ở tạm an toàn cho các hộ phải di dời, không để người dân thiếu đói, rét.
Chủ công trình các hồ chứa nước thủy lợi, thuỷ điện tổ chức trực ban theo dõi, quan trắc diễn biến của mưa lũ, thực hiện nghiêm Quy trình vận hành đơn hồ và liên hồ chứa đã được phê duyệt, đảm bảo vận hành tuyệt đối an toàn công trình và an toàn vùng hạ du; phối hợp thông tin, hỗ trợ các địa phương cảnh báo cho nhân dân vùng hạ du khi vận hành điều tiết xả lũ.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn để tiếp tục hỗ trợ sơ tán di dời dân ứng phó với mọi tình huống thiên tai; phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tìm kiếm, cứu nạn các thuyền viên bị mất tích, mắc kẹt trên vùng biển Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị theo nội dung Công điện số 1384/CĐ-TTg ngày 9/10 của Thủ tướng Chính phủ.
Công an tỉnh, Sở GTVT rà soát, sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông các khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; sẵn sàng lực lượng, vật tư, phương tiện để khắc phục sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính khi xảy ra mưa lớn...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận