Thị trường

Hạ nhiệt giá xăng dầu, cách nào?

02/06/2022, 13:07

Theo giới chuyên gia, cần tính toán giảm thuế kịp thời để không gây bất lợi cho nền kinh tế và đời sống người dân.

Giá xăng dầu tăng từ 34-54%

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu đã tăng tổng cộng 11 lần và giảm 3 lần. Tương đương với mức tăng từ 34-54%.

Cụ thể, giá xăng E5 RON 92 tăng 7.685 đồng/lít, từ mức 22.550 đồng/lít ở phiên điều hành ngày 25/12/2021 (giá áp dụng cho đến phiên điều hành ngày 11/1); Giá xăng RON 95 tăng 8.283 đồng/lít, từ mức 23.295 đồng/lít.

Tương tự, giá dầu diesel 0.05S tăng 8.824 đồng/lít, từ mức 17.570 đồng/lít ở phiên điều hành ngày 21/12/2021 và dầu hỏa tăng 8.836 đồng/lít, từ mức 16.510 đồng/lít.

img

Giá xăng dầu tăng cao chưa từng có, tác động tiêu cực, gây ra những bất lợi cho nền kinh tế và đời sống người dân

Giá xăng dầu tăng mạnh kể từ thời điểm xung đột Nga - Ukraine diễn ra vào ngày 24/2/2022. Đơn cử, giá xăng tăng 7 lần và giảm 3 lần, với mức tăng chung là 5.291 đồng/lít với xăng RON 95 và 4.705 đồng/lít với xăng E5 RON 92.

Đặc biệt, đây cũng là thời điểm giá xăng dầu liên tiếp phá đỉnh lịch sử. Và ghi nhận mức tăng trong chu kỳ điều hành chưa từng có từ trước tới nay, đó là phiên điều hành ngày 11/3, giá xăng RON 95 tăng 2.990 đồng/lít, xăng E5 RON 92 tăng 2.910 đồng/lít.

Sở dĩ giá tăng cao là do, diễn biến giá thế giới trước ngày điều hành luôn tăng cao, có thời điểm giá dầu Brent gần chạm mức kỷ lục 140 USD/thùng, ghi nhận mức đỉnh trong vòng 14 năm.

Tuy nhiên, mức tăng kể từ ngày 1/4 đã được hỗ trợ, khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý giảm 50% thuế môi trường với xăng, dầu. Tương đương mức giảm 2.000 đồng/lít đối với xăng và 1.000 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn; Dầu hỏa là 700 đồng/lít. Áp dụng đến hết ngày 31/12/2022.

Tác động ra sao đến kinh tế?

Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, giá xăng dầu là yếu tố đầu vào của nền kinh tế, nên với mức độ tăng như vậy sẽ tác động tiêu cực, gây ra những bất lợi cho nền kinh tế và đời sống người dân.

Cụ thể, giá xăng dầu chiếm tới 3,54% toàn bộ chi phí nền kinh tế, nên giá hàng hóa đua nhau tăng thời gian qua đã phản ảnh rõ tác động tiêu cực này.

Đặc biệt, theo tính toán tổng cục thống kê, nếu giá xăng dầu tăng 10% thì GDP sẽ giảm 0,5%. Điều này cho thấy, kinh tế vĩ mô cũng sẽ chịu ảnh hưởng không nhỏ từ mức tăng trên 40% của giá xăng dầu.

img

Giá xăng dầu tăng mạnh, khiến giá hàng hóa thiết yếu đều tăng theo...chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng cao trong 5 tháng đầu năm nay. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nói rõ hơn những tác động, ông Trần Hoàng Ngân, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, nỗi lo lạm phát đang chực chờ.

Đồng nghĩa với việc, chi ngân sách tăng, chi đầu tư công sẽ tăng, thậm chí sẽ có lúc phải thắt chặt chi ngân sách nếu không kiểm soát được lạm phát.

Đặc biệt, các dự toán về xây dựng, chi thường xuyên hay tiền lương cũng phải điều chỉnh theo tốc độ trượt giá.

Dẫn chứng bài học gần nhất là năm 2008, khi lạm phát tại Việt Nam lên tới 23%, cũng là thời điểm biến động xăng dầu trên thế giới tăng tới 141 USD/thùng, cộng với giá lương thực thực phẩm tăng cao, ông Ngân bày tỏ, đời sống người dân vô cùng khó khăn.

Với diễn biến giá xăng dầu hiện nay, ông Ngân cho rằng, nếu không có hành động để kiểm soát giá thì lạm phát có thể vượt qua 6%.

Ông Trần Hoàng Ngân nhận định, thế giới đang trên đà tăng giá, Việt Nam cũng phải chịu giá cao ngay, do có độ mở rất lớn với thế giới

“Nếu không kiểm soát tốt giá xăng dầu sẽ có những đợt tăng giá nhiều mặt hàng, điều này sẽ dẫn đến tăng lãi suất. Khi đó, không chỉ người dân, doanh nghiệp mà nhà nước cũng khó khăn”, ông Ngân nói.

Tiêu dùng tiết kiệm, giảm thuế mới giảm được tác động?

Giải pháp thiết thực nhất hiện nay, theo ông Ngân là giảm hoặc xoá thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng. Bởi, ai cũng được hưởng lợi.

Trao đổi với với PV Báo Giao thông, một đại diện Bộ Tài chính cho biết, Bộ Tài chính hiện đang theo dõi và đánh giá tác động của chính sách giảm thuế bảo vệ môi trường. “Hiện Bộ chưa có đề xuất về giảm thuế đối với mặt hàng này”, đại diện Bộ Tài chính thông tin.

Việc giảm loại thuế này kéo giảm chi phí của doanh nghiệp, chi phí logistics, chi phí vận chuyển, hàng hoá cũng sẽ giảm.

Chuyên gia Ngô Trí Long cũng cho rằng, hạn chế tác động của giá xăng dầu bằng cách tiêu dùng tiết kiệm và giảm giá xăng dầu.

Về giảm giá xăng dầu, vị này phân tích, chính sách giá xăng dầu của mỗi quốc giá phụ thuộc vào 2 yếu tố. Thứ nhất là giá thế giới. Việt Nam vừa sản xuất, chế biến và nhập khẩu thì việc phụ thuộc giá thế giới là không thể làm khác, trong bối cảnh hội nhập.

Thứ 2, là chính sách tài chính của mỗi quốc gia, đó là thuế, chi phí kinh doanh, quỹ bình ổn xăng dầu.

Hiện nay, với chi phí kinh doanh, các doanh nghiệp đang đề xuất phải tăng do họ không thể bù đắp được khi họ cũng chịu tác động mạnh từ chi phí đầu vào.

Còn quỹ bình ổn đã âm. Nhà nước không cấp quỹ này, mà là đóng góp từ tiền của người dân. Nếu quỹ âm mà vẫn chi quỹ để hạ nhiệt xăng dầu, tức là thương nhân đầu mối phải vay ngân hàng để bỏ ra. Điều này cũng không khả thi.

Do đó, chỉ còn công cụ thuế. Hiện, mỗi lít xăng đến tay người tiêu dùng phải “cõng” khoảng 42% thuế và được cấu thành từ giá CIF nhập khẩu xăng dầu thành phẩm, thuế tiêu thụ đặc biệt (10% với xăng RON 95, xăng sinh học E5 RON92 là 8%), thuế nhập khẩu 10%, thuế giá trị gia tăng - VAT 10%, thuế bảo vệ môi trường 1.900-2.000 đồng (sau khi đã giảm 50%).

Theo ông Long, thuế bảo vệ môi trường đã giảm 50%, nên còn thuế VAT và thuế tiêu thụ đặc biệt cần tính toán.

“Tuy nhiên vẫn còn tranh cãi, khi Bộ Tài chính cho rằng, xăng dầu sản xuất từ nguyên liệu khoáng thạch, là loại nguyên liệu hữu hạn, phải tiêu dùng tiết kiệm, nên phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt”, ông Long nói.

Dù vậy, vị chuyên gia này nhấn mạnh, vẫn còn công cụ thuế để giảm giá xăng dầu, cái quan trọng bây giờ là phải nghiên cứu áp dụng trong thời gian bao lâu.

Tại sao không dùng quỹ an sinh, ngân sách để giảm giá xăng dầu? Theo chuyên gia Ngô Trí Long, việc này đồng nghĩa với bao cấp, trợ giá,... hoàn toàn vi phạm các quy định của hiệp định thương mại quốc tế, có thể sẽ “dính” xử phạt.

Chuyên gia Nguyễn Tiến Thỏa cũng cho rằng, cần tính toán lại thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng, theo hướng giảm thuế tiêu thụ đặc biệt hoặc bãi bỏ sắc thuế này với xăng. Tuy nhiên, cần tính toán phù hợp để chống nhập lậu xăng dầu và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp sử dụng nhiên liệu này làm đầu vào sản xuất, nhu cầu người dân.

Bên hành lang quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong trường hợp giá xăng dầu tăng quá cao, ta dùng chính sách an sinh hỗ trợ cho đối tượng yếu thế.

Như vậy mới được cả trong lẫn ngoài, chứ còn chỉ làm sao để ép cho giá thật thấp, để giúp giảm giá nguyên liệu đầu vào, vô hình chung gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế khi hàng hóa chúng ta chủ yếu xuất khẩu.

Hơn nữa, còn chuốc thêm hậu quả như bị kiện về chống bán phá giá, chống trợ cấp, thậm chí còn kiện về thao túng tiền tệ và còn gây nên tình trạng buôn lậu...

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.